Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
5 hướng chính tăng cường hoạt động xuất khẩu trong năm 2008
28 | 02 | 2008
Năm 2008, kế hoạch là xuất khẩu của Việt Nam khoảng 59,2 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2007. Bộ Công thương coi đây là một nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm tăng trưởng GDP ở mức 8,5- 9% như Quốc hội đã thông qua. Vấn đề là làm thế nào để có mức tăng trưởng này. Thông thường, việc tăng kim ngạch xuất khẩu dựa vào 2 yếu tố:

+ Thứ nhất là sự tăng giá. Giả sử lượng hàng xuất khẩu không thay đổi, thậm chí giảm nhưng giá mậu dịch mặt hàng đó trên thế giới tăng thì kim ngạch vẫn tăng. Năm 2007, lượng gạo ta xuất thậm chí còn giảm 1,8%, thế mà nhờ giá thế giới tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu gạo vẫn cao, tăng 16,8%. Hoặc hạt tiêu năm 2007, ta xuất về lượng giảm tới 28,9% nhưng do giá hạt tiêu thế giới tăng nên kim ngạch xuất hạt tiêu tăng 42,3%.

+ Thứ 2 là sự tăng về lượng. Nếu sự tăng giá là yếu tố khách quan thì sự tăng về lượng hàng xuất khẩu là yếu tố chủ quan. Nó thể hiện năng lực nội tại của nền kinh tế: sản xuất phát triển và có sức cạnh tranh. Ở đây, sức mạnh không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn về giá thành (phản ánh năng suất lao động tăng và hiệu quả sản xuất cao). Cho nên, yếu tố tăng trưởng về lượng rất được quan tâm.

Hơn thế, theo sự phân tích của các chuyên gia kinh tế, năm 2007, giá thế giới ở nhiều mặt hàng đã tăng cao nên sang năm nay chỉ có thể nhích lên 10% là cùng (năm 2007, tăng từ 30- 40%). Chính vì thế, theo các chuyên gia của Bộ Công thương, chỉ có thể đạt 2- 3 tỷ USD nhờ tăng giá. Như vậy, phần còn lại 8 tỷ USD tăng thêm trong vào sự tăng trưởng về lượng hàng xuất khẩu. Nhưng không phải mặt hàng nào cũng có thể tăng về lượng. Nhiều mặt hàng mức tăng về lượng đã đạt đến giới hạn, khó có thể tăng thêm, thậm chí còn giảm. Hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu của ta đều ở tình trạng này, đặc biệt khi còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, khí hậu... và cả thị trường tiêu thụ. Vì thế, trong 8 tỷ tăng thêm về lượng hàng xuất khẩu, khó có thể kỳ vọng vào nhóm hàng xuất khẩu nông sản thực phẩm.

Các nhà hoạch định kế hoạch kỳ vọng vào sự tăng trưởng về lượng ở nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến. Theo đó, dệt may “gánh” 2 tỷ USD, da giầy 0,5 tỷ USD, điện tử 1 tỷ USD, cơ khí 1 tỷ USD… Điều này cũng là hợp lý. Tuy nhiên, phải nhớ rằng thị trường để tiêu thụ lượng hàng tăng thêm này cũng chỉ tập trung ở mấy nước quen thuộc như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Mà ở đó, nếu dồn dập đổ hàng vào rất dễ bị “dính” đòn chống bán phá giá.

Để thực hiện một cách suôn sẻ về kế hoạch về xuất khẩu đặt ra trong năm 2008, theo lý thuyết của Philip Kotler – cha đẻ của ngành Marketing thì cần có mặt hàng xuất khẩu mới, chất lượng và phong cách hàng mới. Rõ ràng, muốn chiến thắng trên thị trường, nhất là thị trường cũ, phải cạnh tranh với nhiều đối thủ, bạn phải tung ra được sản phẩm mới, mặt hàng mới. Việc đưa ra sản phầm mới hoặc cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm không những được thị trường chấp nhận mà còn dễ dàng né những hàng rào kỹ thuật bảo hộ của nước sở tại.

Cuối cùng là phương cách bán hàng mới. Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới. Đặc biệt là khai thác tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại cho đến nay ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương. Nhưng hầu như ra mới chỉ chú ý bảo vệ sân nhà mà chưa tìm cách khai thác các lợi thế để vào thị trường đối tác.

Bộ Công thương đã đề ra 5 hướng chính nhằm tăng cường hoạt động xuất khẩu:

+ Một là, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng giá trị hàng xuất khẩu đối với những mặt hàng truyền thống ít có khả năng tăng về lượng.

+ Hai là, tích cực mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, có khả năng giải quyết công ăn việc làm cho xã hội.

+ Ba là, nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường.

+ Bốn là, tập trung khai thác các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm.

+ Năm là, đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ, tăng nguồn thu ngoại tệ và góp phần hạn chế nhập siêu.

 



Nguồn: Thông tin Thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường