Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngân hàng "né tránh" nông dân
03 | 03 | 2008
Người nông dân nuôi cá tra đã bị "tên bay đạn lạc" khi giá cá tra sụt giảm, nguyên nhân là do ngân hàng tìm mọi cách né tránh, không cho nông dân vay vốn.
Chi phí nuôi cá tăng cao đòi hỏi vốn đầu tư nhiều hơn. Thế mà gần đây nhiều ngân hàng ngưng phát vay khiến nhiều hộ như... ngồi trên đống lửa.

Ngân hàng "dìm" giá cá

Từng làm ăn với Ngân hàng NN&PTNT nhiều năm, trước tết, anh La Tấn Trí (Khánh Hòa, Châu Phú, An Giang) xin vay 500 triệu đồng nhưng nơi này bảo đã khóa sổ. Túng quá anh chuyển qua một ngân hàng cổ phần nhưng chỉ được vay 200 triệu đồng với lãi suất tới 1,8%. Số tiền còn lại 300 triệu đồng anh đến liên hệ nhiều lần, ngân hàng này hẹn lần hẹn lữa và bảo cứ chờ.

Vậy đã là may, nhiều hộ cho biết họ bị ngân hàng "tuyệt giao" từ nhiều tháng qua. ông La Văn Chẫu (ấp Hòa An, Hòa Lạc, Phú Tân) cũng là mối ruột của Ngân hàng NN&PTNT. Vay không được ông chuyển qua nộp hồ sơ ở ngân hàng cổ phần tới nay đã hơn nửa tháng mà vẫn bặt vô âm tín. "Mình đến thì họ cứ hẹn..." - ông cho biết. Trong khi đó, khá nhiều nông dân sau khi trả nợ ngân hàng thường không được vay lại. "Ở đây ai nấy đều kêu trời vì không được vay. Ngân hàng bảo chờ điều chỉnh lãi suất" - người dân Thới Thuận, Thốt Nốt (Cần Thơ) cho biết.

Giá tôm cũng rớt vì thiếu tiền mặt

Anh Nguyễn Quốc Bình (xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) than thở: "Tôm của tôi đạt trọng lượng 30 con/kg, năng suất khoảng 4 tấn/ha. Khoảng một tuần trước thấy giá tôm có chiều hướng giảm nên liên hệ với một số công ty để bán nhưng họ bảo chậm lại vài ngày vì chưa huy động kịp tiền mặt.

Sáng 1-3 kéo tôm lên bán nhưng so với giá bốn ngày trước thì bình quân 1 tấn tôm tôi mất 7-8 triệu đồng, trong khi giá thành của tôm công nghiệp lại tăng từ 50.000 đồng/kg lên trên 70.000 đồng/kg. Tại xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), xã Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu)... sáng 2-3 giá tôm sú các loại giảm 5.000 - 8.000 đồng/kg so với cuối tháng trước.

N.DIỆN

Trong khi đó giá cá nguyên liệu liên tục sụt giảm. Ông Út Nhân ở cạnh cầu Thơm Rơm, Thuận Hưng, Thốt Nốt đang "ôm" hàng trăm tấn cá. "Hiện nhà máy chỉ trả 14.000 đồng/kg. Với giá này lỗ khoảng 1.000 đồng/kg" - ông nói. Ông chạy đôn chạy đáo vay tiền nuôi cá để hi vọng... chờ giá lên. Khốn nỗi ngân hàng nào cũng "cấm vận". Không đủ vốn để "neo", người nuôi đành chấp nhận bán cá với giá rẻ.

Tại An Giang, giá cá loại T2 rớt xuống dưới 14.000 đồng/kg. Vừa ký hợp đồng bán 40 tấn cá cho Công ty Nam Việt, anh Nguyễn Văn Hiện (ấp Hòa An, Hòa Lạc, Phú Tân) lắc đầu: "Chuyến này lỗ nặng!". Theo anh, nếu tới đây lãi suất ngân hàng lên tới 1,6-1,8% thì người nuôi chỉ có nước chết đứng. "Làm không đủ trả lãi" - anh bảo.

Ông Đỗ Ngọc Tươi - giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Ngọc Thái (Sóc Trăng) - cho rằng do một số ngân hàng hạn chế cho vay nên nhiều doanh nghiệp nhỏ chấp nhận phá giá bằng cách bán lỗ vốn vì hàng tồn kho còn nhiều nhưng quĩ tiền mặt đã cạn. Bị phá giá nên các công ty lớn khó cạnh tranh được vào thời điểm này, vì thế không thể nhập kho nguyên liệu ồ ạt và càng không thể tăng giá mua cá đối với nông dân.

Trăm cái khó đổ đầu nông dân

Phía doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cho rằng do tỉ giá đồng đôla sụt giảm nên họ phải điều chỉnh giá mua cá nguyên liệu thấp hơn. Thêm vào đó, phía ngân hàng ngưng cho vay, cho vay kiểu nhỏ giọt, giải ngân chậm khiến họ không đủ tiền thanh toán tiền bán cá cho nông dân làm tiến độ thu mua bị chậm lại.

Theo các doanh nghiệp, khoảng thời gian từ lúc đưa cá về nhà máy đến khi thu được tiền bán cá từ nhà nhập khẩu thường kéo dài ba tháng. Do vậy không doanh nghiệp nào kham nổi và đều phải vay ngân hàng. Một khi ngân hàng đóng cửa thì việc xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng.

"Chưa bao giờ tình hình xuất khẩu khó khăn như lúc này, thiếu vốn làm tiến độ thu mua chậm dẫn tới thiếu cá nguyên liệu cũng ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của công nhân" - ông Doãn Tới, tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Nam Việt, nói.

Vì thiếu tiền mặt, nhiều doanh nghiệp thanh toán tiền mua cá cho bà con sau 20-30 ngày, một số "neo" hàng tháng trời. "Thiếu tiền cho cá ăn, mình đi vay nóng bên ngoài. Chịu lãi cao không thấu nên dù biết lỗ vẫn tranh thủ bán sớm để trả. Nào ngờ lại bị giam vốn" - bà Mai Thị Lánh (Định Yên, Lấp Vò, Đồng Tháp) than vãn.

Tuy nhiên, vài ngân hàng cho rằng họ vẫn duy trì việc cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. "Chúng tôi vẫn cho vay bình thường. Nếu thiếu chăng là do nhu cầu phát sinh của doanh nghiệp" - giám đốc Ngân hàng Ngoại thương ở một tỉnh ĐBSCL nói.



Đức Vịnh - www.tuoitre.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường