Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sớm gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu
24 | 03 | 2008
Bộ Công thương đã đặt lên bàn Thủ tướng Chính phủ các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.
Trong khi đó, ngày 20-3 tại TP.HCM, nhiều DN đã cùng tìm hướng đi trong tình hình xuất khẩu đang gặp khó.

Ưu tiên mua ngoại tệ có nguồn gốc xuất khẩu

Bộ Công thương đề xuất Ngân hàng (NH) Nhà nước ưu tiên mua ngoại tệ có nguồn gốc xuất khẩu theo tỉ giá qui định cho các DN. "Điều này giúp DN chuyển đổi ngoại tệ thu từ xuất khẩu ra tiền đồng để tiếp tục vòng sản xuất mới. Đồng thời, chấm dứt hiện tượng DN phải bán giá USD theo thỏa thuận thấp hơn biên độ giao dịch, gây thiệt hại cho xuất khẩu", Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết.

Ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), cho biết USD rớt giá so với tiền đồng đã gây hậu quả xấu đến các DN dệt may xuất khẩu, đặc biệt là các DN có kế hoạch dài hạn vì đã ký hợp đồng sớm với tỉ giá thấp. Tình trạng thiếu vốn do khan hiếm VND đã khiến DN lâm vào tình trạng dở khóc dở cười vì nếu giữ USD thì không có vốn để sản xuất, kinh doanh và có nguy cơ tiếp tục bị trượt giá, còn nếu bán USD thì sẽ bị ép bán với giá thấp.

Bộ Công thương cũng đề xuất NH Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo các NH thương mại cho vay đối với các DN xuất khẩu. Hiện nay, do khan hiếm tiền đồng, các NH hạn chế cho vay và tăng lãi suất. Các DN xuất khẩu hiện gặp nhiều khó khăn khi vay vốn để nhập nguyên liệu và chi phí làm hàng xuất khẩu. Nếu vay DN sẽ phải chịu lãi suất rất cao lên đến 14-16%/năm.

Cũng trong ngày 20- 3, Bộ Công thương tiếp tục có buổi làm việc với NH Nhà nước để tiếp tục tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn về tỉ giá và nguồn vốn vay cho DN.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng lưu ý các DN khi thực hiện xuất khẩu nên mở L/C và thực hiện các giao dịch qua NH để thuận tiện cho việc thực hiện các hỗ trợ tiếp theo trong xuất khẩu.

Dệt may liên kết hình thành giá mới

Trong khi đó, tại buổi gặp gỡ các DN dệt may trên địa bàn TP.HCM sáng 20-3, ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), đề nghị trước những diễn biến bất lợi đối với ngành dệt may hiện nay, các DN cần phải có một chiến lược ứng phó khẩn trương và liên tục ngay từ bây giờ. "DN không nên hi vọng hay chờ đợi sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước, mà phải tìm ra những giải pháp thật cụ thể để cứu mình", ông Kiệt nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Kiệt, các DN cần liên kết thật chặt chẽ với nhau nâng đơn giá hợp đồng nhằm giữ khả năng sản xuất kinh doanh ổn định của DN khi có nhiều bất lợi bên ngoài. Việc nâng giá lần này hoàn toàn phù hợp với xu thế thị trường thế giới khi Trung Quốc (TQ) cũng đang rơi vào lạm phát nên đơn giá các hợp đồng may mặc tại TQ vừa qua đã tăng rất mạnh, có nơi tăng 30%-40% so với vài tháng trước đây.

Nếu DN trong nước "đồng lòng" hình thành mặt bằng giá mới thì cũng không lo nhà nhập khẩu "quay lưng" khi thời gian gần đây, liên tục các nhà nhập khẩu nước ngoài "bắn tin" sang cho các DN trong nước cho biết có khả năng các đơn hàng từ TQ sẽ chuyển về VN trong thời gian diễn ra Thế vận hội, vì hàng loạt nhà máy dệt gây ô nhiễm của TQ sẽ tạm ngưng hoạt động.

Sắp xếp lại sản xuất

Một giải pháp khác của ông Hàn Phúc Sinh - giám đốc Công ty TNHH may Maika, đưa ra cũng được các DN đồng thuận, đó là các DN nên tinh gọn tối đa số lượng công nhân đang có và chỉ nhận những đơn hàng có giá trị. Bằng cách này, các DN sẽ giảm thiểu được các rủi ro phát sinh từ chi phí đầu vào tăng cao đẩy giá thành sản xuất tăng vọt nằm ngoài tầm kiểm soát . Ông Sinh cho rằng đây là cơ hội rất tốt để các DN "chắt lọc lại toàn bộ nhân sự, cán bộ chủ chốt" để bộ máy điều hành tinh gọn, hoạt động tối ưu mà vẫn mang lại hiệu quả cao. Thay vì "ôm trọn gói" hợp đồng gia công, các DN nên chuyển sang cho các DN ở tỉnh gia công, chấp nhận lời ít, còn hơn ôm trọn rủi ro khi biến động lao động.

Ông Kiệt cũng cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo hệ thống các NH bên cạnh việc mua lại USD của các DN xuất khẩu ở biên độ cao nhất và không tính phí để giảm bớt khó khăn đang đè nặng lên DN do tỉ giá USD/VND đang trên đà giảm mạnh. Các DN cũng đề nghị giảm thuế thu nhập DN ngay trong năm nay từ mức 28% xuống mức 24-25% hoặc thấp hơn để DN dùng khoản này giải quyết phúc lợi cho công nhân, giữ chân người lao động.



Nguồn: Tuổi Trẻ
Báo cáo phân tích thị trường