Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đến 2010, siêu thị chiếm 20% thị phần bán lẻ
25 | 03 | 2008
Đây là một trong những mục tiêu quan trọng được nêu ra trong Đề án phát triển thương mại thị trường trong nước đến 2010 và định hướng đến 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, đến 2010, tỷ trọng mức bán lẻ hàng hoá theo loại hình thương mại hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, mạng lưới cửa hàng tiện lợi... đạt 20%, khoảng 160 nghìn tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 40%, khoảng 800 nghìn tỷ đồng.

Đây là con số được cho là rất kỳ vọng so với mức 5-6% hiện nay mà các siêu thị có được trên thị trường bán lẻ.

Hướng tới mục tiêu này, quyết định của Chính phủ cũng nêu rõ cần hiện đại hoá kết cấu hạ tầng thương mại trong đó chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại bao gồm các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm, khu thương mại - dịch vụ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, trung tâm logistics, tổng kho bán buôn, trung tâm hội chợ - triển lãm…ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu. Phát triển phương thức kinh doanh thương mại hiện đại khác như: sàn giao dịch hàng hoá, trung tâm đấu giá, nhượng quyền kinh doanh, thương mại điện tử...

Bên trong quyết định Chính phủ cũng yêu cầu, hoàn thành về cơ bản chương trình phát triển các loại hình chợ như: chợ dân sinh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo và chợ trung tâm, chợ chuyên doanh, chợ đầu mối ở các vùng sản xuất nông sản tập trung, các thị trường tiêu thụ lớn.

Đặc biệt, Chính phủ có chủ trương hình thành và phát triển một số tập đoàn thương mại mạnh, kinh doanh hàng hoá chuyên ngành hoặc tổng hợp, có đủ sức cạnh tranh và điều kiện để hợp tác hiệu quả với các tập đoàn phân phối nước ngoài khi Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ phân phối.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu, tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đến 2010 khoảng 11%/năm, trong các giai đoạn tiếp theo trên 10%/năm. Đến năm 2010, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 800 nghìn tỷ đồng và đến năm 2020 đạt khoảng 2.000 nghìn tỷ đồng. Đến 2010, đóng góp của thương mại trong nước vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) của cả nền kinh tế đến 2010 đạt trên 200 nghìn tỷ đồng chiếm tỷ trọng 14,5%, đến năm 2020 đạt gần 450 nghìn tỷ đồng chiếm tỷ trọng khoảng 15%.

Được biết, Đề án phát triển thương mại thị trường trong nước là một trong những đề án được Bộ Thương mại xây dựng gấp rút trong gần 2 năm qua nhằm phát triển thị trường nội địa trong điều kiện hội nhập mới. Đây cũng là đề án rất quan trọng và được kỳ vọng sẽ có tác động sắp xếp, tổ chức và thúc đẩy thị trường trong nước đủ sức cạnh tranh khi bước vào giai đoạn hội nhập hoàn toàn theo cam kết WTO.

Mục tiêu hướng tới của đề án là xây dựng một nền thương mại trong nước phát triển vững mạnh và hiện đại, dựa trên một cấu trúc hợp lý các hệ thống và các kênh phân phối với sự tham gia của các thành phần kinh tế và loại hình tổ chức, vận hành trong môi trường cạnh tranh có sự quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước.

Coi trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh; đồng thời, khuyến khích và thúc đẩy quá trình hình thành các doanh nghiệp lớn thông qua quá trình tích tụ và tập trung nhằm tạo dựng các nhà phân phối lớn thương hiệu Việt Nam. Xác lập sự liên kết giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ trong việc tổ chức thị trường, tạo sức mạnh để hợp tác và cạnh tranh có hiệu quả với các tập đoàn nước ngoài khi Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ phân phối.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường