Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá gạo tăng cao: Đón đầu cơ hội hay cẩn trọng?
02 | 04 | 2008
- Khan hiếm, giá gạo xuất khẩu được dự báo có thể đạt ngưỡng 1.000 USD/tấn. Việt Nam - nước đứng thứ hai về xuất khẩu gạo thế giới - đang loay hoay giải quyết bài toán: đón đầu cơ hội xuất khẩu với đảm bảo an ninh lương thực, kiềm chế lạm phát. Chúng ta nên đón đầu hay cẩn trọng trước cơ hội này

Hạn chế xuất khẩu để cứu giá
Một khối lượng lương thực thực phẩm khổng lồ được điều tiết hỗ trợ ngành chăn nuôi, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu đất trồng và thành phẩm lương thực thực phẩm cho sản xuất nhiên liệu sinh học (biofuel) thay thế xăng dầu; sự tác động tiêu cực của khí hậu toàn cầu được coi là những nguyên nhân chính khiến lương thực thế giới khan hiếm, giá leo thang. Giá gạo hiện đã ở mức cao nhất kể từ năm 1974.
Khảo sát của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho thấy, đến cuối năm ngoái, 37 quốc gia đã lâm vào khủng hoảng lương thực, 20 nước khác áp đặt các hình thức kiểm soát giá thực phẩm. Đây quả là một thảm họa. Tổ chức này đang cần 600-700 triệu USD để mua thức ăn cấp bách cho 89 triệu người.
Một loạt quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới đã ra quyết định cấm hoặc hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung nội địa, góp phần hạ nhiệt giá gạo. Mới đây nhất, Chính phủ Ấn Độ, đã quyết định cấm xuất khẩu gạo non-basmati để kiểm soát giá lương thực trong nước tăng vọt. Giá gạo thơm basmati xuất khẩu cũng tăng lên 1.200 USD/tấn nhằm giảm bớt lượng xuất khẩu.

Ai Cập ngày 27/3 cũng thông báo sẽ cấm xuất khẩu gạo từ tháng 4 cho tới 10/2008, khi vụ mới được thu hoạch. Quốc gia láng giềng Việt Nam là Campuchia cuối tháng 3 quyết định hạn chế xuất khẩu, do hàng ngày, một lượng lớn gạo nước này đã xuất qua biên giới Việt, Thái.
Trung Quốc - quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất gạo, một mặt áp đặt hạn ngạch khống chế và tăng thuế xuất khẩu gạo, mặt khác bỏ thuế nhập khẩu nhóm lương thực cơ bản. Lần thứ 2 trong năm nay nước này tăng mức giá thu mua tối thiểu đối với gạo và lúa mỳ nhằm khuyến khích nông dân sản xuất lương thực và khống chế tình trạng lạm phát.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm nay xuống còn 3,5 triệu tấn, tức sản lượng gạo xuất khẩu giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Công thương đã giao Hiệp hội Lương thực điều hành tiến độ xuất khẩu gạo từng quý trong khoảng: quý I/2008 từ 700.000-800.000 tấn; quý II từ 1,3-1,5 triệu tấn; quý III từ 1,3-1,4 triệu tấn và quý IV từ 700.000-800.000 tấn.
Trong khi đó, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, chỉ số giá lương thực trong năm 2007 đã tăng lên mức kỷ lục, sẽ tiếp tục tăng. Nhiều chuyên gia dự đoán, giá gạo thế giới nhiều khả năng đạt và vượt ngưỡng 1.000 USD/tấn.
Việt Nam: Đón đầu cơ hội hay cẩn trọng?
Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bài toán đặt ra đối với các cơ quan điều hành cũng như DN xuất khẩu gạo đó là: giữ vững sản xuất; ổn định giá góp phần quan trọng trong kiểm soát tình hình lạm phát; cân đối đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp hàng hóa cho xuất khẩu.
Rõ ràng, giá lúa gạo thế giới tăng là cơ hội để Việt Nam đón đầu xuất khẩu. Tổng lượng gạo xuất khẩu quý I năm nay dự kiến đạt gần 800.000 tấn, thu về khoảng 310 triệu USD, chỉ tăng 20% về lượng song đạt trên 61% về giá trị.
Mới đây, trả lời phỏng vấn báo giới, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, số lượng xuất khẩu gạo hiện chưa có lý do để điều chỉnh. Kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng nhờ giá gạo đang tăng mạnh. Nếu chúng ta duy trì được sản lượng thì kim ngạch sẽ tăng lên. Song, xuất khẩu chỉ là một phần của vấn đề, mà quan trọng là cần cung cấp đủ lương thực cho nông dân, nhất là vùng thiên tai và vùng khó khăn.
Một quan chức Bộ Công thương cũng khuyến cáo, phải xem xét lượng tiêu dùng trong nước so với xuất khẩu nhiều hay ít. Từ đó, cân nhắc số lượng xuất khẩu có giúp nâng mức sống của 75% nông dân không hay làm ảnh hưởng đến 85 triệu người đang sử dụng lương thực?
Hơn nữa, PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), cho biết, giao dịch gạo thế giới khoảng 20 triệu tấn, trong đó, riêng Việt Nam xuất khẩu khoảng 1/4-1/5 tổng lượng gạo. Trung Quốc cũng như các nước đang đứng trước nỗi lo về thiếu lương thực nên trong tương lai, cây lúa sẽ là cây chiến lược. Ông Hoàn nhận định, bất ổn về lương thực thì xã hội sẽ bất ổn ngay, điển hình như ở Indonesia.
Do vậy, tương lai giá gạo có thể sẽ lên tới 1.000 USD/tấn (nay là khoảng 750 USD/tấn) nên với 4-5 triệu tấn gạo xuất khẩu, Việt Nam sẽ thu về nguồn kim ngạch lớn. Song, chính bản thân ông cũng thừa nhận rằng, chúng ta không thể làm giàu bằng xuất khẩu.
Ở khía cạnh khác, theo GS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn, nguyên Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Việt Nam, giá một số nông sản như lúa mì, ngô, đậu tương đang tăng rất nhanh trên thị trường thế giới mà chúng ta vẫn nghĩ đến việc nhập khẩu, không nhân cơ hội này để phát triển sản xuất trong nước.
Ông nói rằng, nông thôn Việt Nam đang có xu hướng quay trở về độc canh lúa, từ giã việc đa dạng hoá sản xuất. Chúng ta thiếu các biện pháp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thiếu biện pháp để tăng năng suất lao động. Tình trạng này sẽ dẫn dến nguy cơ mất an ninh lương thực và thực phẩm như các nước công nghiệp mới Đông Á và Đông Nam Á. Dự báo của các tổ chức quốc tế thì trong thế kỷ XIX thế giới sẽ thiếu lương thực, vậy đây có phải là một thời cơ cho Việt Nam phát triển nông nghiệp không?



vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường