Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vựa lúa ĐBSCL trong bối cảnh hạn chế xuất khẩu gạo: Có đánh mất cơ hội hiếm có?
12 | 04 | 2008
Trong lúc giá gạo trên thế giới đang tăng với tốc độ phi mã do khan hiếm, thì việc thực hiện lệnh hạn chế xuất khẩu gạo tại ĐBSCL - vựa lúa của Việt Nam - giữa lúc này liệu có làm nông dân bị thiệt thòi?

Có nhiều ý kiến trái ngược nhau trước lệnh tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo đến tháng 7.2008 vừa được ban hành. Từ ĐBSCL, phóng viên Báo Lao Động đã có mặt ở các điểm nóng ghi nhận những hiệu ứng từ chủ trương trên đối với vụ đông xuân đã qua và việc chuẩn bị cho vụ hè thu sắp tới...

Một mùa vụ phấn khởi

Ngày 8.4, ông Nguyễn Minh Hạ - Giám đốc Sở Thương mại Long An tham dự hội nghị Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phía nam bàn biện pháp chống lạm phát tại TPHCM.

Từ Hội trường Thống Nhất, ông Hạ thông tin về cho biết, chủ trương tạm ngừng xuất khẩu gạo là rất cần thiết và hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi của người nông dân, nhất là nông dân Long An.

Ông Võ Quốc Lý - Giám đốc Sở NNPTNT (cũng tham dự hội nghị trên) nói rõ hơn: Giá lúa trong mấy ngày qua (kể từ khi có chủ trương tạm ngừng xuất khẩu gạo) ở Long An vẫn giữ ở mức cao, từ 4.500đ - 5.000đ/kg (tuỳ loại lúa).

Ông Lý cũng cho biết, vụ đông xuân Long An gieo sạ trên 200 ngàn hécta, đã thu hoạch khoảng 80%, ước tổng sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn. Hơn một nửa lúa thu hoạch đã được bà con bán.

Ông Lý muốn nhắn lời rằng, bà con không nên vội bán lúa, vì các thông tin cho biết giá gạo trên thị trường thế giới sẽ không giảm, ngược lại sẽ có khả năng tăng từ 700USD/tấn hiện nay lên 1.000USD/tấn.

Vị lãnh đạo ngành NNPTNT Long An mong muốn giá trị tăng cao của hạt gạo VN trên thị trường thế giới sẽ được người nông dân chân lấm tay bùn thụ hưởng, thay vì vào túi những nhà dự trữ gạo.

Tại huyện Thạnh Hoá, một trong những huyện của vựa lúa Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Truyền - Chủ tịch UBND huyện cho biết, vụ đông xuân năm nay đạt năng suất khá cao, từ 6,2 đến 6,3 tấn/ha. Bà con nông dân đã tiêu thụ gần hết số lúa hàng hoá với giá từ 4.700 đến 5.000đ/kg.

Ông còn cho biết, chủ trương ngừng xuất khẩu gạo chưa có tác động gì đến thị trường lúa gạo ở huyện Đồng Tháp Mười tại vụ đông xuân này. Trên thực tế, bà con đã tiêu thụ gần hết lúa để có vốn chuẩn bị cho vụ hè thu sắp tới.

Ông Truyền cũng cho biết, vì giá đầu vào có tăng cao, nên giá thành vụ đông xuân năm nay lên khoảng 10 triệu/ha. Nhưng với giá lúa vừa qua, bà con nông dân cũng còn "lời to", từ 15 đến 20 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Minh - một nông dân ở khu phố 3 - thị trấn Tân Thạnh - huyện Tân Thạnh cho biết, gia đình ông gieo sạ 2ha lúa đông xuân, thu hoạch được khoảng 12 tấn lúa. Ông đã bán ngay với giá 5.000đ/kg, chỉ chừa lại đủ lúa ăn đến vụ hè thu.

Khi được hỏi ông có biết tình hình khan hiếm lương thực trên thế giới và việc Nhà nước tạm ngừng xuất khẩu gạo, ông Minh nói: "Có nghe nói, nhưng không quan tâm, nông dân tụi tôi làm ruộng có lời là được rồi".

Khi được hỏi, khi chỉ để đủ lúa ăn tới vụ sau, nếu có trục trặc gì thì gia đình ông làm sao, ông Minh nói: "Chưa nghĩ tới, nhưng sẽ không có trục trặc gì, từ lâu nông dân đã làm chủ kỹ thuật canh tác, vấn đề chỉ là năng suất cao hay thấp mà thôi".

Hạn chế xuất khẩu gạo để kiềm chế lạm phát

Thạc sĩ Trần Minh Hải - Phó chủ nhiệm khoa Kinh tế-Quản trị kinh doanh (ĐHAG) cho biết: "Lâu nay, theo cơ cấu bất thành văn của Bộ NNPTNT, giá 1kg gạo bằng giá 2kg phân urê. Tuy nhiên hiện nay, giá 1kg gạo chỉ bằng 1,5kg urê. Điều này cho thấy, tuy có tăng, nhưng giá gạo vẫn không đuổi kịp tốc độ tăng của giá phân bón nói riêng và vật tư nông nghiệp nói chung".

Trong khi đó, do ảnh hưởng cơn bão giá nên nhu cầu vốn đầu tư cho vụ hè thu vốn đã rất cao so với vụ đông xuân, nay lại càng cao hơn. Theo dự báo, nhiều khả năng giá thành vật chất hạt lúa hè thu năm nay sẽ chiếm trên mức 70% tổng chi phí sản xuất. Bởi không chỉ có giá vật tư phân bón, thuốc BVTV, xăng dầu... mà ngay giá nhân công, giá cày xới đều tăng giá so với đầu vụ đông xuân.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Bởi theo tính toán của các sở NNPTNT, vụ hè thu năm nay nhiều khả năng thời tiết khô hạn nhất trong 10 năm qua. Trong khi đó, đây lại là năm đầu thực hiện miễn thuỷ lợi phí nên phần lớn các địa phương sẽ chưa điều chỉnh kịp với cách làm mới này, do vậy nhiều khả năng sẽ khó khăn về nguồn nước tưới.

Thạc sĩ Trần Minh Hải cho rằng, chủ trương hạn chế xuất khẩu gạo để kiềm chế lạm phát, giảm bớt tác động tiêu cực đến đại bộ phận người nghèo của cấp vĩ mô hiện nay là hoàn toàn đúng, bởi gạo là mặt hàng tiêu dùng chủ lực của người nghèo và chiếm 50% calori của người dân nghèo.

Tuy nhiên, do ban hành vào thời điểm quá nhạy cảm: Nông dân ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch rộ nên vô tình chính sách này đã tạo ra tâm lý cung vượt cầu, tác động xấu đến giá cả, khâu tiêu thụ, gây bất lợi cho nông dân, đối tượng chiếm tỉ lệ rất lớn trong xã hội (70%).

Mặt khác, theo ông Hải, bên cạnh yếu tố tăng giá chung theo xu thế sử dụng ngũ cốc để sản xuất năng lượng, năm nay hạt gạo VN còn có thêm cơ hội "một mình một chợ" khi việc sản xuất lúa tại Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan đang bị ảnh hưởng do sự cố về thời tiết, về ổn định chính trị. Vì thế, đây là thời cơ hiếm có để chúng ta tạo cơ hội cho nông dân nâng cao đời sống, đẩy lùi tệ nạn xã hội nông thôn...

Vâng, không thể bỏ qua cơ hội hiếm có này tại thị trường gạo của thế giới trong năm 2008 này, nhưng tất cả vẫn còn nằm trong thời điểm bắt đầu. Không thể quay lưng với cơ hội mang lại lợi nhuận cho nông dân, nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa khi được đặt trong bối cảnh cùng chia sẻ với việc kiềm chế lạm phát của cả nước.

Vụ đông xuân, đến cuối tháng 3, ĐBSCL đã thu hoạch từ 80 - 84% diện tích sản xuất, và hầu hết đều đã bán được giá tốt và lợi nhuận vẫn ở mức cao vì chi phí đầu tư cho vụ lúa này chưa tăng vọt. Vấn đề còn lại là phải đối mặt với vụ lúa hè thu sắp tới trong bối cảnh vật tư, giá nhân công cao... ngất ngưởng.

Philippines dỡ bỏ hạn chế về nhập khẩu gạo

Các quan chức Philippines ngày 7.4 cho biết, Tổng thống nước này Gloria Macapagal Arroyo đã ra lệnh bãi bỏ các hạn chế đối với nhập khẩu gạo và ngô để đảm bảo nguồn cung lương thực, nhưng vẫn giữ nguyên mức thuế quan đối với các mặt hàng này. Trang web "Nhật báo Người điều tra Philippines" dẫn lời Chánh văn phòng Tổng thống, ông Cerge Remonde khẳng định giờ đây các nhà nhập khẩu có thể nhập "với số lượng nhiều như họ muốn, miễn là không tích trữ mà đưa các mặt hàng này ra thị trường
".



kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường