Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá lương thực toàn cầu leo thang bắt nguồn từ sự giầu có
14 | 04 | 2008
Trước đây, khi xảy ra thiên tai như hạn hán lũ lụt thì giá lương thực sẽ tăng lên do lượng cung giảm dẫn tới lượng dữ trữ cũng giảm theo, nhưng sau đó giá lương thực thường giảm xuống. Song hiện nay cung và cầu lương thực trên thế giới đều đang tăng. Vì vậy có thể nói hiện tượng "lạm phát nông phẩm" hiện nay không xuất phát từ sự thiếu thốn mà ngược lại nó bắt nguồn từ sự giàu có. Đây là một hiện tượng hết sức đặc biệt.
Theo nhận định của Tiến sĩ Kim Byung-ryul thì hiện tượng "lạm phát nông phẩm" gần đây xuất phát từ sự giầu có. Nói một cách cụ thể hơn thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ đã làm tăng nhu cầu lương thực. Dòng vốn toàn cầu, đang mất nơi đầu tư do sự suy yếu của đồng USD trên phạm vi toàn cầu, đã được đổ vào thị trường lương thực. Thêm vào đó là làn sóng phát triển các nguồn năng lượng sinh học sử dụng ngô và đậu tương cũng cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá lương thực thế giới tăng cao.
Nền kinh tế thế giới vừa phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề từ việc giá dầu leo thang giờ lại đang đứng trước nguy cơ giá lương thực tăng vọt. Đầu tuần này, giá thóc giao tháng 5/08 tại Sở Giao dịch thương mại Chicago đã lên tới 21 USD/cwt (1 cwt - 45,3 kg). Giá gạo Thái Lan - được lấy làm giá chuẩn cho gạo quốc tế cũng tăng lên gần 700 USD/tấn. Trong 6 tháng gần đây, giá lúa mỳ đã tăng 120%, đậu tương tăng 75% và ngô tăng 60%.

Hiện cả thế giới đều đang rất quan tâm tới lạm phát do giá các mặt hàng nông nghiệp tăng cao hay còn gọi là hiện tượng "lạm phát nông phẩm". Vậy Hàn Quốc với nền nông nghiệp đang ngày trở nên yếu kém hơn do nhiều nguyên nhân, trong đó có các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) sẽ phải đối phó như thế nào với khó khăn này?

Do có tỷ lệ tự túc gạo, loại thức ăn chủ yếu của người Hàn Quốc là 98,9%, nên Hàn Quốc không gặp vấn đề gì lớn trong việc đảm bảo lượng gạo tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, ngoài gạo thì tỷ lệ tự túc các loại ngũ cốc khác của Hàn Quốc không vượt quá 5% như lúa mỳ là 0,2%, ngô 0,8% và đậu tương 11,3%. Hiện Hàn Quốc là một trong 5 nước nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Chính vì vậy, hiện tượng giá lương thực thế giới leo thang đã làm tăng thêm gánh nặng cho cuộc sống của người có thu nhập thấp và nông dân Hàn Quốc. Vậy vì sao chỉ có Hàn Quốc có tỷ lệ tự túc lương thực thấp như vậy trong khi tỷ lệ này ở các nước công nghiệp khác như Đức, Thụy Điển đạt trên 120%.

Ở các nước có tỷ lệ tự túc lương thực cao, về cơ bản lương thực được sản xuất trên quy mô lớn sử dụng ít vốn và sức lao động. Nhưng một nền nông nghiệp lớn cũng đòi hỏi những khu vực canh tác rộng lớn. Trong khi đó, diện tích đất canh tác ở Hàn Quốc nhỏ và bị chia cắt nên việc sản xuất lương thực không mang lại nhiều lợi nhuận. Thêm vào đó, hiện Hàn Quốc đang phải đối mặt với một số khó khăn khi rất nhiều mặt hàng nông sản nước ngoài giá rẻ tràn vào Hàn Quốc. Điều đó tất nhiên sẽ làm giảm giá các mặt hàng nông sản của Hàn Quốc do phải cạnh tranh trực tiếp với nông sản nhập khẩu giá rẻ. Hệ quả là sản xuất nông nghiệp đình đốn, thu nhập của nông dân không được cải thiện, đẩy ngành này rơi vào tình trạng khó khăn.

Quỹ đất eo hẹp là nguyên nhân khiến tỷ lệ tự túc lương thực của Hàn Quốc ở mức rất thấp. Để khắc phục vấn đề này, vào những năm 1970, Hàn Quốc đã coi cuộc "cách mạng xanh" là chiến lược quốc gia và tập trung vào việc nâng cao sản lượng lương thực. Tuy nhiên, các chính sách đưa ra thời đó đã bị dừng lại năm 1978 do không giải quyết được vấn đề chất lượng mặc dù sản lượng có tăng lên. Từ đó, vấn đề lương thực không còn được chính phủ quan tâm nhiều tới nữa. Điều này xuất phát từ nhận định rằng, việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản giá rẻ từ nước ngoài sẽ có lợi hơn.

Kết quả là lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đã được chuyển dần sang lĩnh vực chế tạo và dịch vụ, cùng với đó là diện tích đất canh tác giảm. Khó khăn càng chồng chất khi việc nhập khẩu lương thực ngày càng tăng do các hiệp định FTA đã dẫn tới tình trạng ngày càng có nhiều hộ nông dân từ bỏ việc sản xuất lương thực (trừ gạo). Vòng luẩn quẩn trên cứ tiếp diễn và hiện Hàn Quốc đang trong tình trạng không đảm bảo nổi tỷ lệ dự trữ lương thực ở mức an toàn lương thực do Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đưa ra là 18%.

An ninh lương thực là vấn đề hết sức quan trọng. Không thể dự đoán trước là điều gì sẽ xảy ra trong tương lai nếu các nước sản xuất lương thực chủ chốt trên thế giới nâng thuế xuất khẩu hay cấm xuất khẩu lương thực như hiện nay. Vì vậy, một mặt Hàn Quốc cần tận dụng nguồn lương thực trong nước và tăng cường sản xuất nông nghiệp, mặt khác cần hợp tác chặt chẽ với các nước sản xuất lương thực lớn của thế giới để đảm bảo vẫn có thể nhập khẩu được lương thực ngay cả khi xảy ra khủng hoảng. Nhật Bản đã có những kho dự trữ lương thực rất lớn tại Mỹ và các nước khác. Hàn Quốc cần phải đảm bảo được thật nhiều nguồn lương thực thông qua các hoạt động như vậy và cũng cần phải nỗ lực nhiều hơn trong mạng lưới phân phối lương thực thế giới. Đảm bảo ổn định việc phân phối lương thực thông qua việc thành lập các công ty lương thực đa quốc gia như Cargill của Mỹ là hết sức quan trọng.

Để đảm bảo nguồn lương thực, Hàn Quốc phải nhanh chóng đưa ra được các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ tự túc lương thực. Nhưng điều quan trọng hơn là sự thay đổi trong nhận thức. Giờ đây, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải gánh chịu những tác động tổng hợp của nhiều hiện tượng, trong đó có "lạm phát nông phẩm" thì Hàn Quốc cũng cần phải tìm ra con đường tương sinh giữa tất cả các lĩnh vực kinh tế hơn là hy sinh nông nghiệp.


Nguồn: VietStock

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường