Mức tiêu thụ thịt heo vẫn tăng đều 20 - 30% các năm qua và hiện nay mỗi ngày, người dân TP.HCM vẫn dùng bình quân khoảng 9.000 – 10.000 con heo (mỗi con trung bình 90kg). Đây là thị trường hấp dẫn. Nhiều nhà kinh doanh như CP, Sanmiguel, D&F… đang tìm cơ hội để giành thị phần.
Nguy cơ của thương hiệu lớn
Vissan đang chiếm vị trí tốt trên thị trường cũng như trong tâm trí người tiêu dùng với hệ thống phân phối bao phủ khá rộng. Hệ thống đó gồm 10 trung tâm chuyên doanh thực phẩm tươi sống ở các quận, hơn 50 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, 400 điểm bán lẻ ở các chợ truyền thống và hơn 1.000 đại lý trên cả nước.
Thương hiệu Sagrico của Nam Phong cũng đã có mặt ở hệ thống các siêu thị Co.opmart, Metro, các chợ và cửa hàng bán lẻ thuộc tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn.
Vissan có hệ thống phân phối tốt và thương hiệu mạnh – có thể coi là mạnh nhất trên thị trường thực phẩm tươi sống hiện nay. Nhưng họ lại không có nguồn thịt đầu vào. Nam Phong chủ động từ khâu chăn nuôi đến thịt heo thương phẩm, nhưng sản lượng thấp (tổng đàn heo nái chỉ có khoảng 5.000 con so với CP là 45.000 con và Sanmiguel khoảng 25.000 con) và chưa có hệ thống phân phối rộng.
Lấy thị trường bằng giá rẻ
Nay giá thị trường biến động, những đơn vị chỉ có sản xuất chế biến và kinh doanh thương mại, không chủ động được nguyên liệu từ nguồn chăn nuôi, đã buộc phải tăng giá bán theo giá heo hơi của thị trường. Điều này thể hiện sự yếu thế hơn trong cạnh tranh so với các đơn vị khác có nguồn cung ổn định, chỉ cần bán giá thấp hơn một chút là đã có cơ hội chiếm thị phần.
Có cả ưu thế về nguồn nguyên liệu lẫn hệ thống phân phối phải kể đến thương hiệu CP. Đơn vị này đang cung cấp cho thị trường TP.HCM đến 1.500 con heo mỗi ngày, chiếm lượng lớn nhất so với tất cả các công ty khác. Mạng lưới bán lẻ của CP mới chỉ có 16 cửa hàng CP Freshmart và ba hệ thống siêu thị, nhưng lượng khách mua quan trọng mà CP đang có được là thương lái và chủ sạp bán sỉ thịt heo ở các chợ. Chiêu thu hút khách của CP chủ yếu dựa vào giá rẻ và lượng cung cấp ổn định. Giá thịt heo CP niêm yết ở trong siêu thị và cửa hàng giới thiệu sản phẩm thường rẻ hơn bên ngoài chỉ khoảng 1.000 – 2.000đ/kg. Nhưng giá bán sỉ của CP rẻ hơn các nhà cung cấp khác từ 5.000 – 6.000đ/kg. Ông Trần Văn Hạc, phụ trách kinh doanh thịt heo của CP cho biết: “Cuối tháng 4.2008 này, công ty sẽ mở các điểm bán lẻ ở tất cả những chợ đầu mối, chợ có sức mua lớn trong TP.HCM”.
Tập đoàn Sanmiguel đã chen chân vào hệ thống siêu thị bằng cách bán thịt heo mang thương hiệu Montegy với giá thấp hơn thị trường bình quân 5.000đ/kg ở hệ thống siêu thị Maximark. Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark nói: “Khi quyết định ký hợp đồng dài hạn cả năm với tập đoàn Sanmiguel, chúng tôi kỳ vọng việc Sanmiguel có trang trại chăn nuôi, chủ động từ nguồn cung cấp nên có khả năng chủ động về giá cả tốt hơn mỗi khi thị trường có biến động. Và Sanmiguel cam kết sẽ báo trước 30 ngày cho mỗi đợt điều chỉnh giá”.
Lỗ hổng trong đầu tư phát triển
Tình hình của Vissan, Nam Phong cho thấy lỗ hổng trong cách đầu tư phát triển, kết nối giữa nông nghiệp với thương mại. Là nơi tiêu thụ thịt heo nhiều nhất cả nước, TP.HCM vẫn dùng nguồn cung cấp từ thương lái của các tỉnh thành phố lân cận và miền Tây mà chưa có những trang trại hạt giống, chưa có những hợp tác với vùng chăn nuôi ở các tỉnh thành khác để tạo nguồn cung ứng ổn định, thì sự biến động giá là đương nhiên. Xét về thực tế các doanh nghiệp “chủ lực” này khó có thể cam kết bình ổn giá được.
Quay lại với giá thấp hơn của CP và Sanmiguel, có ý kiến cho rằng đây là chiêu kinh doanh giành thị phần. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi một nhà kinh doanh chấp nhận giảm lãi, thậm chí lỗ để đạt mục tiêu. Cũng có thể do đã thu lãi từ khâu chăn nuôi, nên các đơn vị này chấp nhận bán giá “vốn” của nhà cung cấp để xây dựng thương hiệu với người tiêu dùng và chiếm thị phần bán lẻ... Vấn đề ở chỗ trong bối cảnh tăng giá, người tiêu dùng cần giá nào rẻ hơn là mua. Thậm chí người tiêu dùng đã xếp hàng khi biết sản lượng bán ra rất ít chỉ để mua giá rẻ.
Với bất kỳ lý do nào, thì khả năng chiếm lĩnh thị trường của những tập đoàn đã khép kín được dây chuyền sản xuất từ cung cấp thức ăn gia súc, chăn nuôi cho đến giết mổ, sản xuất thực phẩm chế biến từ thịt heo là chắc chắn.