Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc đối phó tăng giá lương thực
23 | 04 | 2008
Giá lương thực, đặc biệt là gạo và thịt lợn tăng chóng mặt, đã tác động tiêu cực tới đời sống hàng trăm triệu hộ dân ở Trung Quốc và đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên mức cao nhất 12 năm qua. Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư tăng sản lượng nông nghiệp để đối phó lạm phát lương thực.
 

Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc quý 1/2008 tăng 8% so với cùng kỳ năm 2007, riêng giá lương thực tăng 21%.

Ngăn chặn tình trạng mất đất canh tác

Giá lương thực tăng là nguyên nhân chính đẩy lạm phát ở Trung Quốc tăng cao thời gian qua. Chống lạm phát, chống tăng giá lương thực đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ Trung Quốc. Trong đó, tăng sản lượng nông nghiệp; tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; hạn chế tình trạng mất đất sản xuất canh tác...là những giải pháp cơ bản.

Mất đất canh tác là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc Trung Quốc phải đối mặt vấn đề an ninh lương thực. Theo hãng Reuters, chỉ trong 1 thập kỷ qua, Trung Quốc đã mất 5,5% diện tích đất canh tác do tình trạng sa mạc hoá, đô thị hoá và phát triển công nghiệp. Trước xu thế diện tích đất canh tác bị thu hẹp, làm giảm sản lượng lương thực, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực áp dụng các biện pháp kiên quyết.

Ông Hồ Thôn Trị, Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc (MLR), ngày 16/4 cho biết, năm 2007, Trung Quốc mất 40.700 ha đất trồng trọt, khiến diện tích đất canh tác toàn quốc còn 121,73 triệu ha. Nhiều khả năng cho thấy, từ nay đến trước năm 2020, Trung Quốc khó có thể làm thay đổi xu thế diện tích đất canh tác chỉ còn 120 triệu ha, mức tối thiểu cho phép nước này đảm bảo an ninh lương thực.

MLR hiện đang tập hợp ý kiến từ các ban ngành để soạn thảo kế hoạch sử dụng đất trên toàn quốc tới năm 2020, nhằm bảo vệ diện tích đất trồng trọt và nâng cao hiệu qủa sử dụng các khu đất dành cho phát triển. Tiếp đó, kế hoạch này sẽ được MLR trình lên Chính phủ để phê chuẩn.

Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định về bảo vệ đất canh tác và phát động các chiến dịch điều tra việc sử dụng đất của các doanh nghiệp, bắt giữ 2.700 quan chức sai phạm trong sử dụng đất. Chính quyền các cấp ở Trung Quốc cũng đã thực thi một loạt biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn tình trạng mất đất canh tác do quá trình đô thị hóa.

Chính phủ Trung Quốc hồi đầu năm đã ban hành quy định, theo đó nếu muốn triển khai bất kỳ dự án phát triển nào có liên quan tới sử dụng đất canh tác, thì trước tiên dự án đó phải được phê chuẩn, nếu không sẽ bị cắt nước, điện, khí đốt và không được vay vốn ngân hàng.

Chú trọng tự cung, tự cấp lương thực

Các chuyên gia cho rằng, một loạt những yếu tố không có quan hệ với nhau xuất hiện cùng một lúc đã khiến cho lạm phát lương thực ở Trung Quốc gia tăng. Đó là việc thời tiết bất thường làm giảm mạnh sản lượng các loại cây trồng như ngô và đậu tương cộng với việc một số nước đang chú trọng sử dụng lương thực sản xuất nhiên liệu sinh học, cũng góp phần đẩy giá ngô và các lương thực khác leo thang. Việc nông dân tập trung vào trồng ngô để đáp ứng nhu cầu thế giới làm thu hẹp diện tích các cây trồng khác, khiến giá các loại lương thực chủ chốt khác như gạo, lúa mì... tăng cao.

Cách tốt nhất để tránh tác động tiêu cực của tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và giá lương thực tăng cao là duy trì tỷ lệ tự túc lương thực một cách thoả đáng. Từ những năm 80 của thế kỷ 20, sau khi thực hiện chính sách “cởi trói”, chia ruộng khoán cho các hộ dân làm ăn riêng lẻ, Trung Quốc đã bảo đảm tự túc lương thực cho hơn 1 tỷ dân nước này. Trong bối cảnh giá lương thực tăng đe doạ ổn định xã hội như hiện nay, vấn đề tự túc để bảo đảm an ninh lương thực, được Chính phủ Trung Quốc đặt lên hàng đầu.

Theo Tân Hoa xã, năm nay, Trung Quốc cam kết chi 562,2 tỷ Nhân dân tệ (80,1 tỷ USD) cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn.Tháng 3/2008, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định chi thêm 25,2 tỷ Nhân dân tệ (3,6 tỷ USD) cho ngân sách nông thôn năm 2008, chủ yếu hỗ trợ nông dân mua giống, dầu diezen, phân bón và nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các chuyên gia ước tính, sản lượng lương thực năm nay của Trung Quốc có thể duy trì mức 500 triệu tấn như năm ngoái, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi.

Trong chuyến đi kiểm tra công tác gieo trồng vụ xuân tại tỉnh Hà Bắc đầu tháng 4/2008, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết lượng lương thực dự trữ của nước này đạt 150-200 triệu tấn, đủ khả năng để tự cung cấp cho 1,3 tỷ dân của mình.

Liên hệ với người đăng tin: Dương Thuỳ Linh - duongthuylinh@agro.gov.vn

 



(Theo TBKTVN)
Báo cáo phân tích thị trường