Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lo cho cổ phần hóa
25 | 04 | 2008
Nếu không có những giải pháp đột phá thì có thể mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp vào năm 2010 sẽ khó thành hiện thực.
Đó là quan điểm của đại đa số đại biểu có mặt tại hội nghị sắp xếp chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 23/4, tại Hà Nội.

Muôn nẻo lý do chậm

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong năm 2007, đã có 150 doanh nghiệp được cổ phần hoá và 271 doanh nghiệp được sắp xếp, nâng tổng số đơn vị được sắp xếp lên 5.366 doanh nghiệp và cổ phần hoá là 3.756 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu đem so với kế hoạch của Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2007 -2010 là cần phải sắp xếp 1.553 doanh nghiệp, trong đó đến năm 2010 phải cổ phần hoá được 950 doanh nghiệp thì mới thấy được kết quả đạt được là khá khiêm tốn.

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, nhiều khả năng, trong khoảng thời gian 2 năm còn lại, chúng ta sẽ khó mà đạt được mục tiêu nếu các doanh nghiệp vẫn cứ “ung dung” và cứ một hai “kêu vướng” như hiện nay.

Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2008, chỉ có 10 doanh nghiệp tiến hành IPO, trong đó có đến 1/2 là thất bại, cùng việc thị trường chứng khoán sụt giảm nặng nề trong thời gian qua buộc nhiều doanh nghiệp phải giãn tiến độ IPO, hoặc "khóc dở mếu dở" vì kết quả IPO quá thất vọng.

Thậm chí, nhiều chuyên gia đã phải lên tiếng về việc tạm hoãn IPO để vực lại thị trường, tránh tổn thất cho nguồn vốn của nhà nước.

Một trong những điển hình cho quá trình “rùa bò” cổ phần hóa là các doanh nghiệp viễn thông. Trong đó, phương án cổ phần hóa MobiFone đã được phê duyệt cách đây hơn 2 năm nhưng đến thời điểm này vẫn… lặng thinh. Ngay cả chuyện công bố nhà thầu tư vấn cổ phần hóa được “chốt” cách đây hơn nữa năm rồi nhưng đến giờ vẫn khiến nhiều người phải sốt ruột.

Ngay như một số đại gia khác là Vietcombank, Habeco…cũng phải “trầy trật” mãi mới cổ phần hóa và IPO được. Thế nhưng, khi cổ phần hóa rồi thì giá cổ phiếu cũng không cao như kỳ vọng, thậm chí còn thấp hơn giá khởi điểm. Còn khi IPO rồi như Habeco thì lại bị “ế”, dù đơn vị này được đánh giá là đã thực hiện công tác quan hệ công chúng khá tốt.

Lý giải việc tiến trình cổ phần hóa, đặc biệt là các “đầu tàu” kinh tế còn rất chậm, như Habeco, Mobifone, Vietcombank… ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp chậm tiến độ đa phần đều có quy mô lớn nên đòi hỏi quá trình cổ phần hóa phải hết sức thận trọng.

Tuy nhiên, vị quan chức này cũng thừa nhận tình trạng chung là lúng túng trong việc trao quyền sử dụng đất, xác định giá trị thương hiệu và lựa chọn cổ đông chiến lược… Thêm vào đó là các nguyên nhân khách quan khác, như do năm ngoái có nhiều sửa đổi, bổ sung về cổ phần hóa và chính sách với lao động dôi dư, khiến các doanh nghiệp đều có tâm lý chờ đợi, nhưng khi có nghị định rồi lại chưa có thông tư hướng dẫn.

Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia kinh tế, vai trò chi phối quá lớn của nhà nước là một trong những nguyên nhân khiến quá trình sắp xếp, cổ phần hóa càng thêm chậm tiến độ. “Cái bóng” của nhà nước vẫn chi phối ngay cả ở các doanh nghiệp không thuộc diện cần giữ cổ phần chi phối như các ngành giao thông, xây dựng, khiến các cổ đông chiến lược không còn nhiều cơ hội.

Con số 109 doanh nghiệp trên tổng số 1.530 báo cáo kinh doanh thua lỗ là một thực tế cho thấy việc cổ phần hóa vẫn đang theo kiểu “chạy gấp” để kịp tiến độ Chính phủ yêu cầu, khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước vốn đã yếu về tiềm lực và khả năng đã dần bị đuối sức trong cuộc chiến khốc liệt của kinh tế thị trường.

Đáng lo “anh cả”


Việc đa dạng hoá lĩnh vực kinh doanh của những tập đoàn kinh tế lớn được xem là để khắc phục tình trạng “độc canh”của các doanh nghiệp. Thế nhưng trên thực tế, những gì xảy ra xung quanh vấn đề đá chéo sân của các “đầu tàu” này hoàn toàn không tươi sáng như những gì báo cáo viên đã trình bày.

Đơn cử như việc thiếu điện trầm trọng thời gian gần đây, đang khiến dư luận đặt dấu hỏi về việc ngành điện mang tiền đi đâu? Phải chăng thay vì phát triển ngành mũi nhọn của mình, EVN đã rải vốn khắp các lĩnh vực ít có liên quan khác như bất động sản, tài chính cho “bằng anh bằng em”(?!).

Hay người ta cũng lo ngại rằng, chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, nhắc đến Petro Vietnam, ai cũng ngỡ rằng, đó là một tập đoàn bất động sản chứ không phải là doanh nghiệp dầu khí.

Thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2007 đã có 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng với tổng giá trị gần 5 nghìn tỷ đồng, chứng khoán là 316 tỷ đồng, tài chính bảo hiểm là hơn 6,5 nghìn tỷ đồng (tổng vốn đầu tư trên 15 nghìn tỷ đồng).

Việc các tập đoàn kiểm soát một số ngân hàng có thể chính là quả bom nổ chậm nếu không biết cách kiểm soát và khả năng phân tích được rủi ro. Và nếu điều này xảy ra thật, tổn thất cho nền kinh tế sẽ không thể đong đếm được.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên (Ủy ban Kinh tế Quốc hội), việc các tập đoàn phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực cũng không có gì là ngạc nhiên.Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay thì Chính phủ cần phải kiên quyết không cho đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bất động sản một cách tràn lan, gây ra những xáo trộn không có lợi cho nền kinh tế.

Hơn nữa,tất yếu của việc mở rộng kinh doanh sẽ là sự gia tăng số lượng doanh nghiệp thành viên. Minh chứng là so với năm 2006, số lượng công ty con đã tăng 10%, công ty liên kết tăng 39%. Riêng Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ (Vinashin) chỉ trong năm 2007 đã tăng… 43 công ty con và 111 công ty liên kết. Vì thế, việc không đảm bảo năng lực kinh doanh, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ngay giữa các công ty thành viên là điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, chính bản thân các doanh nghiệp cũng phải thừa nhận quy mô các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam vẫn chỉ là “ở nhà nhất mẹ nhì con”, còn rất xa mới có thể trở thành doanh nghiệp cạnh tranh trên trường quốc tế.

Thêm vào đó, việc chuyển đổi các công ty thành công ty TNHH một thành viên cũng rơi vào tình cảnh không đủ sức chạy theo tiến độ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không đủ quy mô vốn (dưới 30 tỷ đồng) như các công ty thuỷ nông nhỏ rất khó thu hút vốn vẫn phải chuyển đổi mô hình. 66% chủ tịch công ty lại kiêm tổng giám đốc nên “vỏ” thì đã chuyển, nhưng hơi hướng bao cấp nhà nước là quản trị doanh nghiệp thì vẫn thế.

Chính vì vậy, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đã phải bày tỏ lo ngại việc các tập đoàn đang rót vốn quá nhiều sang các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản không chỉ làm phân tán nguồn lực, mà yếu tố rủi ro cao cũng luôn tiềm ẩn.

Phó thủ tướng yêu cầu, các bộ ngành cần phải sớm hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính tại doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác; thực hiện cơ chế cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù. Đồng thời đề xuất, bổ sung những phương thức cổ phần hóa để thu hút được cổ đông chiến lược, phương thức bán và giá bán cổ phần cho cổ đông chiến lược phù hợp với thực trạng và định hướng phát triển của doanh nghiệp cổ phần hóa.


Nguồn: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường