Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hàng chục ngàn học sinh ĐBSCL chưa được đến trường - Bài 1: Xếp đèn, sách lo chuyện áo cơm
05 | 09 | 2007
Gần 2 tháng sau ngày khai giảng năm học 2006 - 2007, ngành GDĐT các địa phương ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng học sinh (HS) bỏ học. Đáng chú ý là HS không đến lớp ở 2 bậc THCS và THPT chiếm tỉ lệ cao...
Cơn "sốt" bỏ học, cùng cha mẹ lo chuyện áo cơm của lớp trẻ đang tuổi học hành ở vùng châu thổ sông Cửu Long thật sự là chuyện đáng báo động!

Cơn "sốt" bỏ học

Mặc dù sau một tháng khai giảng đã huy động thêm được gần 490 HS lớp 10 đi học, nhưng ở Đồng Tháp vẫn còn xấp xỉ 8.000 HS tốt nghiệp THCS năm học trước bỏ (hoặc chưa) đến lớp, chiếm gần 30% tổng số HS lớp 10. Riêng hệ ngoài công lập, HS khối này ở Đồng Tháp đi học mới đạt xấp xỉ 30%!

Tính chung, cả 2 bậc THPT và THCS, ở Đồng Tháp số HS chưa tới trường năm học này hiện còn 7%/mỗi bậc học. Một số trường, số HS bỏ học khá cao như: THPT Thống Linh (huyện Cao Lãnh): 331 em, THPT Mỹ Quý (Tháp Mười) 207 em... Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tràm Chim (Tam Nông) Hồ Quốc Dũng bức xúc: Chỉ tiêu huy động HS lớp 10 năm học này của trường là 540 HS, nhưng đầu năm học chỉ tiếp nhận được 355 em. Vận động ráo riết, tới ngày 20.10 cũng chỉ có thêm trên 10 HS nữa tới lớp!

Không chỉ Đồng Tháp, tình hình HS không tới trường trong năm học này ở ĐBSCL có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương; nhất là bậc THCS và THPT. Phú Tân (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) là "xã 135", song giao thông khá thuận lợi, hầu hết trong tổng số gần 550 HS hiện nay của Trường THCS Phú Tân nhà chỉ cách trường từ 1 - 3 cây số.

Tuy nhiên, năm học 2006 - 2007 so với kế hoạch tỉ lệ huy động HS ra lớp mới đạt 90,5%. Hiệu trưởng Huỳnh Kỵ Trung cho biết: "90% số HS của trường là con em bà con Khmer, số hộ nghèo còn nhiều. Từ đầu năm học tới nay cũng đã có trên 20 trường hợp có thể sẽ bỏ học. Nhà trường và địa phương động viên ráo riết nên còn... giữ chân được!".

Thế nhưng, địa bàn "nóng" nhất về tình hình HS bỏ học ở Sóc Trăng là huyện ven biển Vĩnh Châu; trong đó tỉ lệ HS không tới trường ở bậc THCS từ xấp xỉ 5% vài năm học trước, hiện tăng lên khoảng 15%; bậc THPT cũng tăng từ 10% lên 13%.

Ở Bến Tre, trên 50% số HS bỏ học trong năm học này là HS bậc THCS (gần 1.690/2.450 HS). So với năm học trước, năm học 2006 - 2007 toàn tỉnh Vĩnh Long cũng giảm trên 8.500 HS; trong đó, bậc THPT và THCS giảm trên 7.050 HS. Đầu năm học 2006 - 2007, số HS đến lớp ở Kiên Giang giảm gần 17.000 so với năm học trước (chiếm 4,98%).

Theo GĐ Sở GDĐT Kiên Giang Lữ Văn Nhựt: Chưa thể xem toàn bộ số HS này là bỏ học, vì Kiên Giang có địa hình phức tạp; ngoài biển, cư dân sống rải rác trên các đảo nên việc HS đến lớp trễ vẫn thường diễn ra...

Còn ở An Giang, đến nay chỉ riêng khối lớp 10 đã giảm trên 7.000 HS. TS Hồ Việt Hiệp - GĐ Sở GDĐT - lý giải: Trong đó, có 2.000 em thuộc diện mới trúng tuyển vào và 5.000 em thuộc diện phân luồng. Vẫn chưa thể khẳng định số HS này nghỉ học, vì số HS phân luồng sẽ vào học hệ bổ túc văn hoá hoặc vào các trường dạy nghề học hệ 9+3.

Nợ áo cơm nặng vai trẻ nhỏ

Vì sao HS bỏ học? 2 "thủ phạm" mà hầu hết lãnh đạo ngành GDĐT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đề cập là do đời sống gia đình nghèo khó; đi lại ở vùng sâu nông thôn còn khó khăn... GĐ Sở GDĐT Đồng Tháp Nguyễn Hoàng Nhi cho biết: Ơ các xã vùng sâu, khi chuyển sang cấp học cao hơn, đường đến trường càng xa, điều kiện giao thông nông thôn còn nhiều khó khăn... Nhiều gia đình nghèo, đông con không đủ điều kiện cho con theo học tại các trường ngoài công lập. Rất nhiều trường hợp sau khi tốt nghiệp THCS, các em nghỉ học, tìm việc làm để đỡ đần gia đình.

Ơ An Minh (Kiên Giang) có trường hợp gia đình quá nghèo, phụ huynh phải vật lộn với cái ăn, cái mặc nên "thả nổi" chuyện học của con mình, mà trường hợp cháu Nguyễn Văn Mãi (HS lớp 2 trường Cán Gáo) là điển hình. Cha, mẹ bám theo bìa rừng làm nghề đốt than, thỉnh thoảng mới về nhà thăm con rồi đi ngay. Vì vậy nhiều hôm nhà không còn gạo, đói quá Mãi phải gác lại chuyện đến trường để đi kiếm ăn.

Thầy Phạm Quang Dính - GV trường Cán Gáo - kể: "Gần như trưa nào tôi cũng bơi xuồng đến nhà động viên Mãi đi học. Nhưng có hôm em đến lớp mà không có tập, vì đêm trước trời mưa đã xuyên qua mái lá cũ nát của ngôi nhà tạm, cuốn trôi hết tập vở của em...".

Thầy Phạm Ngọc Thanh - Phó Trưởng phòng GDĐT An Minh - nhấn mạnh: Toàn huyện có khoảng 70% số HS thuộc diện khó khăn. Nhiều hộ ở các xã Đông Hưng B, Đông Hoà... 6 tháng sống tại chỗ, 6 tháng phải kéo cả gia đình qua xã An Minh Bắc mưu sinh, nên đã phát sinh trường hợp cùng một niên khoá một HS học ở hai trường.

Do hoàn cảnh khó khăn, sau khi tốt nghiệp THCS, Lê Thị Hồng Hoa (HS Trường THPT Tràm Chim, Tam Nông) nghỉ học để "tiếp sức" với gia đình kiếm sống. Tình trạng "du cư" kiếm sống của gia đình do hoàn cảnh khó khăn, nên không ít các em phải bỏ học. Ở Trường THCS An Thuận (Thạnh Phú, Bến Tre) năm học nào cũng có khoảng 15 HS trở về xin học sau vài tháng bỏ lớp vì theo cha mẹ đi xa làm ăn.

Theo cô Hồ Thị Khoa - Trưởng phòng GDĐT huyện An Minh (Kiên Giang): Cả huyện chỉ có độc đạo mỗi con đường nhựa 63B, vì vậy phần lớn HS phải đến trường bằng xuồng...

Xã vùng sâu Phú Tân (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) chưa có trường THCS, nên vào lớp 6 HS phải đi gần 10km sang xã Phú Đông. Đứa con đầu của bà Phùng Thị Oanh lên lớp 8 là nghỉ học, vì ngày nào cũng đạp xe đi học quá mệt! Nhiều phụ huynh ở Phú Tân cho biết: Để sang trường THCS ở Phú Đông, các em phải thức dậy đi từ 5 giờ sáng. Ngôi trường THCS tại Phú Tân chỉ mới khởi công hơn một tháng nay, dự kiến năm học 2007 - 2008 mới đưa vào sử dụng...



(Nguồn: Lao động)
Báo cáo phân tích thị trường