Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
EIA xuyên tạc sự thật về ngành gỗ Việt Nam
29 | 04 | 2008
Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền khẳng định báo cáo đăng trên trang web của Cơ quan điều tra môi trường phi chính phủ của Anh (EIA) trong tháng 3 vừa qua có nhiều thông tin chưa chính xác khi nói về ngành gỗ của Việt Nam.
Báo cáo do EIA phối hợp với một tổ chức phi chính phủ của Indonesia TELAPAK thực hiện. Trong bản báo cáo, hai tổ chức trên cho rằng Việt Nam mỗi năm nhập khẩu gỗ bất hợp pháp từ Lào khoảng 500.000 m3 gỗ và đưa ra dẫn chứng về 9 công ty được cho là có vấn đề về nhập gỗ bất hợp pháp tại Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của báo giới về nội dung trên của báo cáo, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền nói: “Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với 9 công ty này và có thể khẳng định rằng thông tin đưa ra là không đúng.”

Ông Quyền lấy ví dụ về doanh nghiệp Khải Vi - một trong các địa chỉ mà báo cáo của EIA/TELAPAK cho là nhập khẩu nguyên liệu bất hợp pháp. “Mọi tài liệu, văn bản, hợp đồng mua gỗ, hoá đơn chở hàng, chứng chỉ xuất xứ (C/O) gỗ nhập khẩu của doanh nghiệp này đã được kiểm tra cẩn thận và không hề có sai phạm”, ông Quyền nói.

Việt Nam hiện nhập khẩu gỗ từ các thị trường lớn như các nước thuộc khối ASEAN, Úc, New Zealand, Solomon, Congo, Tanzania, Nam Phi, Chile, Brazil và một số nước tại Bắc Mỹ và Châu Âu. Đây là những thị trường có những quy định hết sức chặt chẽ trong việc xuất khẩu nguyên liệu gỗ.

Theo ông Quyền, căn cứ vào cơ cấu thị trường cho thấy lượng gỗ Việt Nam nhập khẩu từ Lào là rất ít, chủ yếu là gỗ xẻ và ván nhân tạo. Do đó, “Việt Nam không thể nhập khẩu bất hợp pháp 500.000 m3 gỗ bởi với số lượng quá lớn như thế này chắc chắn hệ thống quản lý rộng lớn của chúng tôi gồm có lực lượng công an biên giới, lực lượng hải quan, lực lượng đặc nhiệm kiểm lâm sẽ phát hiện ra”.

Mặt khác, về quản lý hoạt động sản xuất và chế biến sản phẩm gỗ, ông Quyền nói: “Chúng tôi đã thành lập tổ chứng chỉ rừng quốc gia, hoàn thành bộ tiêu chuẩn chứng chỉ tiêu chuẩn rừng Việt Nam và mời các tổ chức có uy tín quốc tế cấp chứng chỉ cho các công ty chế biến gỗ. Do vậy, năm 2007, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm gỗ với tổng giá trị kim ngạch là 2,4 tỷ USD và tuyệt nhiên không có một lô hàng nào bị trả lại do vi phạm về quy chế sử dụng gỗ”.

Theo ông Quyền, ngay sau khi báo cáo trên được đăng trên mạng của EIA, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp tại thành phố Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 4 nhằm xem xét về báo cáo này. Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng số liệu trong báo cáo là sự bịa đặt và dẫn chứng nêu ra không đúng sự thật, ông Quyền nói.

Ông Quyền cho biết, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đã gửi văn bản phản đối và yêu cầu tác giả của báo cáo trên đính chính và ông Quyền nói thêm rằng “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc gỗ nhập khẩu của Việt Nam là rất rõ ràng và minh bạch”.

Phát biểu bên lề Tuần lễ Lâm nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương và Hội nghị Ủy ban kâm nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 22 đang diễn ra tại Hà Nội, Cố vấn kỹ thuật Chương trình Lâm nghiệp Việt Nam - Đức, Heiko Woerner, khẳng định rằng Chính phủ Việt Nam chắc chắn đã nhận thức rất sâu sắc việc giải quyết vấn đề buôn bán gỗ bất hợp pháp và đến nay, Chính phủ đã đưa ra những cách thức đúng để ngăn chặn vấn đề này.

Ông cũng đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục xúc tiến việc quản lý rừng bền vững cũng như việc các chủ rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC), Đây là công cụ tốt để đảm bảo rằng rừng sẽ không bị khai thác bất hợp pháp.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường