Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ở đâu có khó khăn, ở đó sẽ có cơ hội
13 | 05 | 2008
Nhiều người không tưởng tượng nổi một bé gái mồ côi xuất thân từ một góc phố lao động nghèo ở Malaysia đã vươn lên trở thành người phụ nữ thành đạt nhất Đông Nam Á. Quyết tâm xóa đi nỗi ám ảnh về nước sinh hoạt từ thời thơ ấu, Olivia Lum đã tìm kiếm và tạo được bước đột phá trong việc sản xuất nước sạch từ những nguồn nước thải và nước biển, góp phần giải tỏa những nhu cầu bức thiết về nước trong khu vực và mở ra một xu hướng công nghệ mới.

Vươn lên từ nghèo khó 
 
257660.jpgNgày 9/1/1961, Olivia Lum Ooi Lin vừa cất tiếng khóc chào đời đã bị bỏ rơi ngoài hành lang một bệnh viện nhỏ ở Perak, Malaysia. Nghe tiếng khóc thét của trẻ con, một bà lão 63 tuổi gốc Hoa ở khu phố mỏ thiếc Kampar đã tìm thấy Lum. Động lòng trắc ẩn, bà đem cô bé về nuôi nấng.
 
Lớn lên trong sự nghèo khó và bạo lực ở Kampar, Lum đã sớm chịu nhiều cơ cực. Lên 4 tuổi, cô bé phải bán đi tất cả đồ chơi của mình để đổi lấy bữa cơm ăn, đến 9 tuổi đã ra ngoài lao động kiếm tiền bằng việc bán những chiếc túi dệt mây và chơi kèn clarinet trong những đám tang. Cuộc sống túng thiếu càng trở nên cơ cực hơn khi người nuôi nấng mà Lum gọi là bà ngoại bị thua bạc, phải bán nhà trả nợ và đưa cô đến sống trong một căn nhà gỗ tồi tàn quanh năm không bao giờ đủ nước sinh hoạt. “Bà ngoại và tôi phải xếp gạch trên nền nhà để đi cho khỏi ướt chân” - Lum kể. Để động viên người thân duy nhất của mình, Lum hứa với bà sau này sẽ học thật giỏi và kiếm được nhiều tiền mua cho bà một căn nhà mới khang trang. Tiếc rằng điều đó chẳng bao giờ xảy ra vì bà ngoại của Lum đã qua đời trước khi cô gặt hái thành công. Cuộc sống khốn khó đã hun đúc ý chí cô bé. Lum lao vào học tập và học rất giỏi, luôn luôn dẫn đầu lớp.
 
Năm 1977 đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời Lum: được cô hiệu trưởng khuyến khích, Lum rời Malaysia đến Singapore tìm cơ hội vươn lên. Để có thể trang trải học phí, Lum vừa học vừa làm đủ mọi nghề, từ bán bảo hiểm, mỹ phẩm, hàng lưu niệm và làm quản lý một quán nhỏ tại công trường xây dựng ở Katong and Bukit Timah.
 
Tốt nghiệp cử nhân ngành hóa chất tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Lum vào làm việc cho Công ty Dược phẩm GlaxoSmithkline ở vị trí chuyên gia xử lý môi trường. Chính những năm tháng làm việc tại Glaxo giúp Lum nhận ra khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ là không thể kham nổi chi phí xử lý nước thải. “Hàng ngày phải tiếp xúc và xử lý vô vàn các mẫu nước thải trong cống rãnh mà các nhà máy, xí nghiệp tại Singapore thải ra, tôi nghĩ sớm muộn gì các con sông cũng bị ô nhiễm và sẽ không có nước ngọt để sử dụng. Vì vậy, tôi quyết định tập trung vào lĩnh vực xử lý nước và thành lập một công ty chuyên về xử lý nước”.

Hyflux và công nghệ xử lý nước
 
Năm 1989, khi 28 tuổi, Lum khởi nghiệp với 20.000 SGD đã dành dụm được, thành lập công ty chuyên xử lý nước thải lấy tên là Hyflux, lúc đầu chỉ có hai nhân viên - một thư ký và một nhân viên kỹ thuật. Thời gian đầu, Hyflux bán các thiết bị xử lý nước. Sau ba năm phân phối sản phẩm cho các công ty, Lum bắt đầu nghiên cứu sản xuất hệ thống xử lý nước của mình và bán lại cả hệ thống đó. Thời ấy, đất nước Singapore dù nhỏ bé nhưng đã có đến hơn 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý nước nhưng Lum không hề ngán ngại: “Tôi tin rằng xử lý nước là một lĩnh vực kinh doanh đầy hứa hẹn”. Và cô đã không sai lầm, Hyflux ngày một lớn mạnh hơn.
 
Từ thành công ban đầu, Olivia Lum tiếp tục lao vào việc nghiên cứu màng lọc xử lý nước thải có tính năng vượt trội, đưa Hyflux trở thành công ty đầu tiên cung cấp công nghệ tinh lọc nước từ các con sông và từ biển với quy mô lớn. Từ việc cung cấp nước sạch cho chim cánh cụt ở Công viên Jurong Bird được đánh giá cao, đến nay Hyflux đã thực hiện hàng trăm dự án xử lý nước thải thành nước sạch cho nhiều công ty tại Singapore và trở thành một trong những công ty xử lý nước thải có uy tín ở đảo quốc này.
 
Năm 2004, trong nỗ lực tận dụng nguồn nước đại dương để giảm bớt sự lệ thuộc vào lượng nước nhập khẩu từ Malaysia, Singapore đã có dự án cấp quốc gia này và Hyflux đã được đi tiên phong. Công ty của cô đã xây dựng Nhà máy Tuas khử mặn nước biển đầu tiên và lớn nhất thế giới với chi phí đầu tư hơn 120 triệu USD. Nhà máy Tuas hút nước biển khử mặn bằng công nghệ màng và biến nó thành nước ngọt, hòa chung với ba nguồn nước khác là nước mưa, newater (nước tái chế từ nước thải), nước nhập khẩu rồi bơm chúng vào hệ thống phân phối nước uống, sản xuất khoảng 113,7 triệu lít nước mỗi ngày, bằng 1/10 nhu cầu nước của Singapore.
 
Không dừng lại ở đó, Lum còn đưa thành công của mình vượt ra ngoài biên giới Singapore đến Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Tây Á và cả châu Phi. Là một người thông thạo tiếng Hoa, Lum sớm dấn thân vào thị trường Trung Quốc và đã gặt hái thành công tại đất nước đông dân nhất hành tinh này. Hiện hệ thống xử lý nước Hyflux có mặt ở 20 thành phố, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải, với năm nhà máy tinh lọc nước cống rãnh thành nước uống.
 
Từ những bước đi mang tính đột phá đó, Hyflux nhanh chóng trở thành một trong những công ty thăng tiến mạnh mẽ nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, với giá trị trên thị trường chứng khoán là 487 triệu SGD, Hyflux có tên trong danh sách 200 công ty tiềm năng toàn cầu do tạp chí Forbes đánh giá vào tháng 9/2005. Olivia Lum trở thành nữ triệu phú trẻ nhất và duy nhất trong top 40 gương mặt giàu có nhất khu vực.
 
Có thể thấy “nước” gắn liền với cuộc đời của người phụ nữ mạnh mẽ và đầy tài năng Olivia Lum như một định mệnh. Bà còn được mệnh danh là là Nữ hoàng nước (Water Queen). Sống với nỗi ám ảnh thiếu nước sinh hoạt suốt thời thơ ấu, khi lớn lên cũng chính vấn đề xử lý nước thải công nghiệp làm bà trăn trở thật nhiều. Vì vậy, Olivia Lum đã chọn con đường sự nghiệp của mình là phát triển công nghệ màng lọc và hệ thống xử lý nước, đây cũng chính là lúc bà biến “ước mơ nước” khi bé của mình thành hiện thực, giải tỏa được phần nào cơn khát nước tận trong tiềm thức. Các nhà khởi nghiệp đã nghiên cứu và thấy được những yếu tố tạo nên thành công của Olivia Lum

1. Cơ hội từ khả năng giải quyết vấn đề.

Ở đâu có khó khăn, ở đó sẽ có cơ hội”. Câu nói này đúng với Olivia Lum khi bà sớm nhận ra vấn đề của đất nước Singapore thiếu thốn tài nguyên nước, khó khăn trong việc xử lý nước thải công nghiệp và thành công đến với Lum khi đã nghiên cứu và đưa ra những giải pháp kịp thời. “Tôi chưa bao giờ xem những vấn đề như là một khó khăn thực sự, luôn có một giải pháp nào đó. Nếu nhìn vấn đề một cách tiêu cực, bạn sẽ chỉ thấy một bức tường cao chắn trước mặt. Thay vì vậy, hãy đối mặt với nó, bạn sẽ nhận ra ánh sáng ở cuối đường hầm” - Lum nói.

2. Tầm nhìn.

1279711.jpg Tầm nhìn của nhà lãnh đạo rất quan trọng với một công ty muốn phát triển liên tục. Để có được một tầm nhìn đúng, nhà lãnh đạo phải chú ý quan sát mọi cử động của nền kinh tế. Trả lời phỏng vấn với tờ Asia Business về tầm nhìn của mình, Lum nói: “Năm 1989, tôi nhận thấy nền kinh tế ngày một phát triển, ngành công nghiệp nặng sẽ phát triển kéo theo một nhu cầu lớn về nước: nước tinh khiết và nhu cầu tái chế nước. Khi công nghiệp phát triển đi theo nó là sự ô nhiễm môi trường, và tại đất nước Singapore này sẽ có nhu cầu xử lý nước thải để bảo vệ môi trường. Đó là năm tôi quyết định thành lập Hyflux”.

3. Tin tưởng vào khả năng bản thân.

Đó chính là bí mật thành công mà Olivia Lum đã chia sẻ. “Điều nguy hiểm nhất cho một doanh nghiệp là người lãnh đạo không dám tin vào bản thân và nghe những lời như “Ý tưởng đó đâu có gì mới” hay “Nếu nó tiềm năng vậy tại sao trước giờ không ai thực hiện”. Nếu tôi nghe theo những lời này, có lẽ Hyflux không được như ngày hôm nay”.

 



Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Báo cáo phân tích thị trường