Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thiếu vốn, cả DN và ngân hàng cùng lao đao
14 | 05 | 2008
Cuộc chạy đua lãi suất tạm thời được chặn lại bởi các nỗ lực từ Hiệp hội và Ngân hàng Nhà nước; thời điểm nguy hiểm nhất về thanh khoản của các ngân hàng dường như đã đi qua. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là sự bình ổn bề nổi. Thực tế, các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn trong huy động vốn; kéo theo DN gần như không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng không chỉ vì lãi suất cao mà chấp nhận lãi suất cao cũng không vay được.

Ngân hàng thủ thế

"Thực tế, tình trạng thiếu vốn bây giờ là nỗi khổ chung của cả DN và ngân hàng. DN không có vốn sản xuất kinh doanh thì kêu ngân hàng; ngân hàng dù chấp nhận lãi suất cao cũng khó huy động vốn, nên trước hết là ưu tiên cho đảm bảo an toàn thanh khoản, rồi mới tính đến cho vay theo một thứ tự ưu tiên. Khách hàng quen, dự án tốt nhiều khi cũng không dám cho vay... tiếc nhưng không biết làm sao, DN kêu nhưng ngân hàng cũng khó", lãnh đạo một ngân hàng cổ phẩn ở Hà Nội đã tâm sự.

Theo đại diện ngân hàng nói trên, Ngân hàng Nhà nước khống chế mức tăng trưởng tín dụng là 30% và được hiểu là tăng trưởng tín dụng luôn ở mức dưới 30% nên không một ngân hàng nào dám cho vay quá. Nếu không sẽ bị Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có "ý kiến". Các ngân hàng cho vay cũng dành lại một hạn mức đáng kể để "thủ thế" trong điều kiện nhiều biến động. Năm ngoái, tăng trưởng tín dụng là trên 50% năm nay khống chế dưới 30% thì ngân hàng gặp khó trong cho vay vốn là tất nhiên, có bị khách hàng kêu ca cũng đành phải chịu. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thanh tra giám sát chặt các khoản cho vay về chứng khoán, bất động sản, yêu cầu cập nhật báo cáo thường xuyên... nên không ngân hàng nào dại gì để bị "dính vết" trong điều kiện kinh doanh ngân hàng đang nhạy cảm như hiện nay.

Về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Đầu tư phát triển cũng cho biết, thực hiện các biện pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng, đảm bảo tối đa 30% theo yêu cầu của Chính phủ, ngân hàng này đã yêu cầu các đơn vị trong hệ thống kiểm soát cho vay bất động sản theo hướng không cho vay đầu cơ và sẽ ban hành các quy định về cho vay bất động sản để kiểm soát rủi ro. Kiểm soát cho vay tiêu dùng. BIDV cam kết sẽ ưu tiên tín dụng cho các nhóm khách hàng xuất khẩu, cho vay đầu tư sản xuất để đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhưng tất cả các dự án đều sẽ được soi rất kỹ. Việc cho vay như thế, tất nhiên sẽ khó khăn hơn nhiều.

Cán bộ tín dụng Ngân hàng An Bình cũng thừa nhận, ngân hàng đã phải hạn chế cho vay rất nhiều, các dịch vụ cho vay mua nhà, ôtô, tiêu dùng... nhiều khoản cho vay DN khác cũng nằm trong diện hạn chế cho vay. Bây giờ ngân hàng đang bị kẹp từ hai phía: Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm tra sát sao; huy động vốn vào giảm; thực tế như thế nên DN có kêu thì ngân hàng cũng đành chịu.

Thống kê mới đây của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, trong quý I, huy động vốn của các nhà băng tăng 4,14%, trong khi tín dụng tăng 11,3%.

Còn theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng vốn huy động của toàn hệ thống trong tháng tư chỉ tăng hơn 1,2% so với tháng trước. Trong tháng 3, vốn huy động tuy không tăng cao nhưng cũng đạt 3,46%.

Theo VNBA, tăng trưởng tín dụng lớn hơn tăng trưởng nguồn vốn khiến nhiều ngân hàng thương mại gặp khó khăn. Trước đây, khi thiếu vốn, các ngân hàng "giật tạm" từ nguồn vốn vay trên thị trường liên ngân hàng, nhưng bây giờ việc vay vốn ở đây cũng khó vì lãi luôn ở mức cao và liên tục có cảnh báo về việc lấy vốn liên ngân hàng đi cho vay lại. Việc vay qua lại giữa các ngân hàng là không thể vì ngân hàng nào cũng khó như nhau.

Việc tăng lãi suất huy động lên 12% từ cuối tháng 4/2008 xem ra không có nhiều tác động tích cực. Các ngân hàng sau khi đồng loạt tăng lãi suất thấy không hiệu quả lại tiếp tục tung ra nhiều chương trình khuyến mãi nhưng tình hình cũng không khả quan lắm. Trong những tháng đầu năm, các ngân hàng cổ phần có thể huy động gần 3 ngàn tỷ đồng mỗi tháng nhưng bây giờ con số đó sụt giảm mạnh. Có nhiều ngân hàng giảm tới 20-25% nguồn vốn huy động trong 2 tháng lại đây. Tình hình như thế thì không chỉ DN mà ngân hàng cũng đang kêu cứu.

DN sẽ gặp nhiều rắc rối

Một DN chuyên cung cấp hàng công nghệ cao ở Hà Nội những ngày này đang chạy đôn chạy đáo chỉ để lo đủ khoảng 5 tỷ đồng đặt cọc để nhận hàng về nhằm thực hiện hợp đồng đã ký trong nước. Mặt hàng DN kinh doanh là máy soi phục vụ trong công tác kiểm tra và an toàn với giá rất đắt, không thể mua về để một chỗ mà chỉ còn cách tìm được khách hàng rồi mới nhập về bán.

Trước đây, chuyện vay vốn dễ dàng, DN không gặp vấn đề gì, bây giờ vay vốn khó khăn, DN chỉ cần tiền để đặt cọc cho đối tác nước ngoài nhập hàng về mà đã chạy mấy ngân hàng đều bị từ chối. Thậm chí, DN này đã phải nhờ tới những cò vay vốn tìm bất cứ mối nào từ DN, cá nhân hay ngân hàng đều được... lãi suất cao không quan trọng miễn là vay được vốn, thực hiện hợp đồng, giữ uy tín với khách hàng. Giám đốc DN này than thở, nếu tình trạng này kéo dài, DN sẽ gặp rất nhiều rắc rối. 

Trong khi đó, thông tin từ Hiệp hội Thủy sản các tỉnh phía Nam thì việc không vay được vốn đã bắt đầu gây ra nhiều hậu quả không chỉ DN gánh chịu mà nông dân cũng vạ lây. Bây giờ, DN khó vay vốn để thực hiện các hợp đồng, các DN nhỏ thiếu vốn trầm trọng nên việc thực hiện các hợp đồng cũng chậm lại; thậm chí có DN không dám thực hiện hợp đồng mới vì không vay được vốn. Điều này khiến việc mua cá nguyên liệu của người dân chậm lại, nông dân đang bị thiệt hại rất lớn. Chỉ tính riêng từ tháng 3 đến nay người nuôi cá đã mất khoảng 300 tỷ đồng do việc không bán được cá và giá cá xuống thấp.

Rắc rối hơn, khi bán cá gặp khó khăn, nông dân không còn mặn mà nuôi cá, nguồn cá nguyên liệu sụt giảm, công nghiệp chế biến lại gặp khó. Vòng tròn luẩn quẩn là khi có thị trường lại không có cá mà xuất khẩu.

Trong cuộc gặp gỡ các DN nhà nước mới đây, đại diện các DN xuất khẩu lớn của cả nước như Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã kêu ca rất nhiều về vấn đề thiếu vốn và lãi suất cao. Lãnh đạo DN này cho rầng, khi DN đang căng sức để cạnh trạnh và giữ lấy thị trường nước ngoài nhiều biến động thì câu chuyện vốn vay, lãi suất, giá cả trong nước gần như lại đi ngược tất cả.

Hàng dệt may Việt Nam chủ yếu là gia công, DN quy mô nhỏ, năng lực yếu... nhận được hợp đồng là đi vay vốn nhưng bây giờ vay không ra vốn thì làm sao thực hiện các hợp đồng. DN dệt may đa số đều là khách hàng quen của các ngân hàng đó vay vốn nhiều và có nguồn ngoại tệ bán lại nhiều mà còn không vay được vốn, các DN khác thì tính sao. Nếu có vay được vốn thì lãi suất đến 18-20% thì gia công gì cho lại trong điều kiện giá nguyên vật liệu, giá nhân công đều tăng.

Những DN kinh doanh bất động sản và DN triển khai đầu tư các dự án mới trong điều kiện hiện nay chính là những DN đang gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất. Các dự án của DN đều tính vay vốn ngân hàng, có dự án tính vay đến 80%, trước đây vốn vay dễ, lãi suất thấp DN mạnh dạn theo đuổi. Nay vốn vay không nổi, lãi suất cao, DN gần như "chết đứng" vì đã tốn bao nhiêu công sức để chuẩn bị nay bỏ thì vỡ kế hoạch kinh doanh mà triển khai thì chắc chắn thua lỗ. Hậu quả của vấn đề này không chỉ dừng lại ở đây mà tương lai kinh doanh của DN cũng sẽ có thể bị ảnh hưởng.



Phước Hà - VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường