Khẳng định "thuế càng cao, trốn càng nhiều", bà Loan đồng tình với mức thuế dự kiến sẽ giảm từ 28% xuống còn 25% và "Nên tiếp tục có lộ trình để giảm xuống còn 20%. Có như vậy mới khuyến khích DN tự giác, không tìm cách trốn thuế”, ".
ĐB Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) cũng cho rằng hạ xuống 25% vẫn còn cao so với mức thuế suất bình quân của khu vực (19%).
"Ban soạn thảo điều chỉnh dự luật đều cho rằng giảm từ 28% - 25% thì nguồn thu của Nhà nước sẽ mất đi khoảng 5.000 - 7.000 tỷ đồng. Nhưng nhớ lại năm 2003 khi điều chỉnh từ mức 32% - 28%, Chính phủ cũng đã lo ngại rằng ngân sách sẽ mất đi 3.000 tỷ đồng/năm.
Thực tế, thuế thu nhập doanh nghiệp đã liên tục tăng qua các năm với tốc độ bình quân 17%/năm. Cụ thể, năm 2003, tổng thu đạt 21.147 tỷ đồng. 2004: 24.201 tỷ đồng. 2005: 28.729 tỷ đồng. 2006: 33.663 tỷ đồng. 2007: 39.469 tỷ đồng", ông Việt nói.
ĐB này cho rằng, để tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực, nên giảm xuống còn 20%.
Trước đó, khi trình báo cáo thẩm tra trước QH, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, việc giảm thuế suất nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Điều chỉnh giảm mức thuế suất khắc phục tình trạng dàn trải, phức tạp trong chính sách ưu đãi hiện hành. Mặc dù việc giảm thuế suất có thể ảnh hưởng đến nguồn thu trước mắt, nhưng bù lại sẽ khuyến khích đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng nghĩa với tăng trưởng nguồn thu một cách vững chắc.
ĐB Cầm Chí Kiên (Sơn La) cũng khẳng định, giảm thuế suất rất có ý nghĩa cho phát triển DN ở địa phương và thu hút đầu tư. "Bây giờ đi đâu người ta cũng hỏi, các anh đã vào CLB 500 tỷ - 1.000 tỷ chưa? Vấn đề vị thế chính trị địa phương rất quan trọng".
Tuy nhiên, ĐB Lê Văn Thành (Hải Phòng) cũng đặt vấn đề "Hạ xuống 3% không có giá trị nhiều lắm. Việc áp dụng mức thuế suất thuế hiện hành 28% theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì không gây cản trở trong việc thu hút đầu tư vào nước ta. Điều quan trọng là doanh nghiệp trông đợi những cải cách trong thủ tục đầu tư, cải tiến môi trường đầu tư, và đó mới là điểm mấu chốt để khuyến khích phát triển DN bền vững".
Ngoài mức thuế suất, chiều nay, các ĐB còn tiếp tục tranh luận về các vấn đề đã được bàn thảo nhiều lần như có nên hay không đánh thuế TNDN đối với các tổ chức hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, khoa học, giáo dục, về địa điểm nộp thuế... Điều khiển phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở những ĐB phát biểu sau không nên lặp lại những ý kiến, quan điểm đã được nêu trước đó, do dự luật này đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần.
Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi sẽ được thông qua vào 3/6 sắp tới.