Thuê xong là... xiết!
Những ngày này, khi về xã Hiếu Liêm, đi đâu chúng tôi cũng nghe người dân nơi đây than vắn thở dài vì hàng loạt vườn cây ăn trái đặc sản như cam, quýt, bưởi... (gọi chung là cây có múi) đang bị chết dần chết mòn do cây bị xiết. Ông Huỳnh Thanh Hoàng (xã Hiếu Liêm) cho biết: “Tháng 8-2004 tôi có làm hợp đồng cho ông Trần Hoàng Tuấn (ở Biên Hòa, Đồng Nai) thuê vườn cây ăn trái, trong đó có 22.000 cây có múi trên diện tích 70.000 ha trong thời hạn sáu năm với số tiền là 1,8 tỷ đồng. Trong thời hạn hợp đồng, ông Tuấn phải bảo quản tốt vườn cây đã thuê và thu hoạch toàn bộ sản phẩm”.
Thế nhưng, để tận thu ông Tuấn đã cho xiết toàn bộ vườn cây ăn trái đã thuê bất chấp sự can ngăn từ chủ vườn. Theo các nhà nông lâu năm cho biết hình thức xiết cây sẽ ép cây ra trái nghịch vụ để tận thu trái cây từ vườn thuê. Thay vì một năm chỉ thu hoạch được một vụ quả thì xiết ép cây sẽ thu được hai vụ trong một năm.
Có mặt tại vườn cây của ông Hoàng, quan sát chúng tôi thấy tất cả các gốc cây ăn trái mà ông Hoàng cho thuê đã bị ông Tuấn cho xiết không sót một gốc, nhiều cây lá đã vàng vọt, héo rụng, vỏ trái cây nhăn nhúm trông rất... thảm hại. Hái một trái đã chín, cắt ra ăn thì ruột có vị đắng. Bà Lê Thị Lệ (vợ ông Hoàng) chua xót: “Chúng tôi đã đầu tư gần bốn tỷ đồng vào vườn cây, vì kẹt tiền mới cho thuê, vậy mà ông Tuấn lại xiết cây...”.
Rời vườn ông Hoàng, chúng tôi tới vườn trái cây của anh Trần Văn Đại (ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm). Một thực trạng tương tự như vườn cây nhà ông Hoàng đập ngay vào mắt chúng tôi, nhiều cây có dấu hiệu vàng, đổ lá do bị xiết. Anh Đại ngậm ngùi: "Tôi có mảnh vườn 3ha trồng cây cam, quýt, bưởi được khoảng bảy năm và cho ông Trần Hoàng Tuấn thuê 2ha. Là người có kinh nghiệm 15 năm trong nghề trồng cây ăn trái tôi không bao giờ chấp nhận việc xiết cây cả. Vậy mà nay tôi phát hiện ra việc làm của ông Tuấn thì đã muộn. Cây bị xiết cả rồi. Ngày trước khi chưa cho thuê, cây xanh bao nhiêu thì nay cây vàng vọt sùi mủ, khô gốc, lá nhỏ lại…”.
Ông Nguyễn Văn Hồng (ấp Cây Dâu, Hiếu Liêm) người có kinh nghiệm mười năm trong nghề cho biết: “Trước đây tôi cũng cho ông Tuấn thuê vườn và cũng bị tình trạng tương tự. Sau đó vườn bưởi bị vàng lá, đến khi bàn giao vườn lại tôi phải chăm sóc cực nhọc lắm vì cây bị èo uột, sức đề kháng yếu và nhiều cây đã bị chết”.
Ông Lê Văn Xê - nông dân sản xuất giỏi nhất nhì tỉnh Bến Tre cho biết: "Tôi cũng có vườn cây ở Hiếu Liêm cho thuê, nhưng nếu tôi phát hiện người thuê xiết cây là tôi đơn phương hủy hợp đồng ngay vì làm như vậy là kiểu làm ăn chụp giật, phản khoa học. Từ xưa đến nay chưa có nhà khoa học nào khuyến cáo người dân xiết cây cả. Làm như vậy sẽ khiến tuổi thọ của cây bị suy giảm nghiêm trọng, gây rối loạn đến sinh trưởng và phát triển của cây".
Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc
Ông Nguyễn Văn Huy - Phó chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm (Tân Uyên) cho biết: “Xã đã nhận được đơn thư tố cáo của người dân về việc một số người thuê vườn cây tiến hành xiết cây làm cây bị chết trong đó có trường hợp ông Huỳnh Thanh Hoàng tố cáo ông Trần Hoàng Tuấn. Chúng tôi đã mời hai bên lên hòa giải nhưng không thành”. Ông Huy cho biết đã chuyển hồ sơ vụ việc lên Tòa án huyện Tân Uyên để giải quyết.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Dương, việc khoanh vỏ hay tỉa cành với cây ăn trái hiện chỉ áp dụng cho cây nhãn, xoài, chôm chôm…, nếu xiết cây có múi sẽ dẫn đến cây bị xì mủ, chảy nhựa thân cành, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm Phytophthora dễ xâm nhiễm làm thối cành, có thể chết cây. Ngoài ra, do sự tái tạo lớp vỏ cây có múi chậm hơn so với các loại cây khác nên việc áp dụng khoanh vỏ là không thể chấp nhận.
Ông Huỳnh Thanh Hoàng cho biết thêm: "Để trồng được cây có múi cho thu hoạch phải mất từ bốn đến năm năm, nếu nhà vườn xiết cây thì những vụ sau cây cho sản lượng ít, chất lượng kém sẽ không đủ cung ứng cho thị trường, trong khi đó muốn trồng lại vườn mới sẽ tốn nhiều thời gian, của cải và công sức. Qua đây tôi muốn cảnh báo hiện tượng đang xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương để bà con nông dân có cho thuê vườn cần tránh. Nếu không, chỉ vài ba năm nữa sản lượng trái cây khó mà được như bây giờ. Nếu như ông Tuấn xiết cây như vậy đến hết hợp đồng (tháng 5-2010) thì vườn cây của tôi sẽ không còn gì và phải trồng lại từ đầu".
Trước thực trạng nhà nông kêu cứu vì vườn cây ăn trái cho thuê bị xiết làm giảm năng suất cũng như ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây cần phải được các ngành chức năng tỉnh Bình Dương có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Trong khi chờ cơ quan chức năng vào cuộc, hơn ai hết những người dân có vườn cây ăn trái cho thuê phải làm hợp đồng rõ ràng mới mong tự cứu mình khi mọi chuyện đã quá muộn.