Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Lớn nhưng chưa mạnh!
17 | 06 | 2008
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến năm 2007, VN có khoảng 300.000 doanh nghiệp (DN), trong số đó có đến 95% là DN nhỏ và vừa (DNNVV). Riêng năm 2007 - năm đầu tiên Việt Nam (VN) gia nhập WTO, đã có khoảng 50.000 DN đăng ký thành lập mới với số vốn khoảng 400.000 tỷ đồng. Với tốc độ như hiện nay, nhiều khả năng đến năm 2010, VN sẽ đạt con số 500.000 DN. Trên thực tế, DNNVV đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề để tồn tại, phát triển.
Phát triển nhanh về số lượng
Dây chuyền may quần jean xuất khẩu ở Xí nghiệp May An Hội (Gò Vấp). Ảnh: SGGP

Theo kết quả điều tra năm 2006 do Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới công bố, nếu đem tiêu chí DNNVV là dưới 300 lao động và vốn dưới 10 tỷ đồng thì có đến 96,81% DN của VN thuộc nhóm này.

Trong đó, xét quy mô về vốn thì DN có số vốn dưới 1 tỷ đồng chiếm 41,8%; từ 1-5 tỷ đồng chiếm 37,03%; DN có vốn từ 5-10 tỷ đồng chỉ chiếm 8,18%. Về quy mô lao động có tới 51,3% DN có dưới 10 lao động… Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, số lượng DNNVV chiếm đến 42,46% tổng số DNNVV của cả nước.

Riêng tại TPHCM, năm 2007 đã có hơn 18.500 DN mới thành lập với tổng vốn đăng ký là 160.000 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD). 4 tháng đầu năm 2008, số DNNVV thành lập mới tại TPHCM vẫn tiếp tục tăng mạnh với 6.400 DN và tổng vốn là 90.000 tỷ đồng, gần bằng 50% tổng vốn năm 2007. Trong năm 2005, ước tính đóng góp của các DN này vào GDP là 53%.

Không chỉ phát triển nhanh về số lượng, trong 5 năm 2001-2005, DNNVV nói riêng và các DN ngoài quốc doanh nói chung có nhịp độ tăng trưởng cao nhất. Nếu năm 2000, loại hình DN này chiếm 24,6% trong giá trị sản xuất theo giá trị thực tế của toàn ngành công nghiệp, năm 2003 là 27,5%, năm 2004 tăng lên 28,5% thì đến năm 2005 vọt lên tới 37%. Vai trò của các DNNVV không chỉ thể hiện ở giá trị kinh tế mà nó tạo ra, quan trọng hơn và có ý nghĩa then chốt là việc tạo công ăn việc làm. Theo thống kê, có tới 90% việc làm mới được tạo ra từ khu vực này, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển đồng đều giữa các vùng, khu vực trong cả nước.

Quá nhiều khó khăn

Công ty MTEX (KCX Tân Thuận) sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu qua Nhật Bản. Ảnh: SGGP

Tại VN, DNNVV mặc dù chưa được xem là “xương sống” của nền kinh tế nhưng kết quả đem lại trong những năm vừa qua, có thể khẳng định loại hình DN này giữ một vị trí vô cùng quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Tuy vậy, thực trạng hoạt động của các DNNVV cho thấy hầu hết DN vẫn còn nhiều hạn chế và yếu kém. Đó là sự tăng nhanh về số lượng song quy mô sản xuất nói chung vẫn còn rất nhỏ và không kiên kết với nhau.

Như đã nói ở trên, số DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ khá cao, tới 41,8%. Đây là một con số không bất bình thường, nhưng tại VN thì sự chênh lệch giữa các DNNVV với các DN lớn và DN nhà nước là rất đáng kể. Nếu chia tỷ lệ bình quân thì một DN chỉ có 31 lao động, 4 tỷ đồng vốn, trong khi đó với các DN nhà nước con số này là 421 lao động và 167 tỷ đồng và với DN có vốn đầu tư nước ngoài là 299 lao động, 134 tỷ đồng vốn…

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2008, tình trạng thiếu vốn đang diễn ra tại hầu hết các DNNVV. Theo Hiệp hội DN TPHCM, hiện có tới 70% DN không có vốn để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Do hạn chế về vốn, công nghệ nên DNNVV rất khó tham gia những dự án lớn. Đó là chưa kể các DN còn bị hạn chế bởi môi trường kinh doanh chưa thông thoáng, vẫn còn bị phân biệt đối xử so với các loại hình DN khác. Thiếu mặt bằng, các rào cản về thuế, khả năng tiếp cận thị trường kém… đang trở nên bức bách tại nhiều DN.

Chất lượng và khả năng cạnh tranh về mặt quản lý chiến lược, tái cơ cấu tổ chức quản lý, quản trị cũng là vần đề sống còn đối với các DN. Một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với 63.000 DN trên cả nước cho thấy kết quả đáng lo ngại là 43% chủ DN có trình độ trung học trở xuống. Với trình độ này, việc tiếp cận và tìm hiểu các công cụ quản lý đối với họ rất khó khăn. Cũng có tới 63% DN đang vướng phải chuyện không tuyển dụng được người tài, 55% khó khăn trong việc giữ chân người giỏi… Những điều này cho thấy các DNNVV đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể cạnh tranh trước sóng gió của hội nhập.

Phát triển theo hướng nào?

Có rất nhiều ý kiến cho rằng, với thực trạng của nền kinh tế VN hiện nay, nếu chúng ta chú trọng đến việc hình thành các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn sẽ rất khó có thể thành công. Với số vốn khổng lồ mà Chính phủ đã “bơm” vào các tổng công ty, nếu chia nhỏ ra, rót vào các DNNVV, có thể sẽ giải quyết được rất nhiều việc. Vì lẽ, DNNVV biết phải làm gì để bảo tồn và phát triển đồng vốn của chính mình một cách hiệu quả nhất. Nói cách khác, các DN này linh hoạt và ứng biến rất nhanh trong việc sản xuất kinh doanh vì không ai khác, chính họ là người tự chịu trách nhiệm trước đồng vốn vay, trước pháp luật.

Với những gì đã nói ở trên, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan hơn về vai trò cũng như vị trí của các DNNVV trong nền kinh tế, từ đó xây dựng một chiến lược tập hợp và phát triển DN một cách bài bản hơn. Đây cũng chính là con đường ngắn để chúng ta có một đội ngũ DN mạnh, phát triển một cách bền vững.

Kinh nghiệm từ lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy, những năm qua, dù trong khu vực trải qua các giai đoạn khủng hoảng kinh tế, nhưng lãnh thổ này hầu như không bị ảnh hưởng. Điều đơn giản là họ xem các DNNVV là “xương sống” nền kinh tế của mình. “Nhạc trưởng” của khối DN này chính là Cơ quan phụ trách các DNNVV (SMEA) thuộc Bộ Kinh tế. Hàng năm, SMEA công bố sách trắng, trong đó tập hợp những phân tích, nghiên cứu, định hướng cho các DNNVV.

Trong khi đó, tại VN, số lượng DNNVV chiếm tỷ lệ rất cao nhưng chúng ta mới chỉ thành lập được Hiệp hội DN vừa và nhỏ VN với số lượng chỉ hơn 20.000 DN tham gia. Điều này đồng nghĩa, DNNVV VN đang thiếu một cơ quan phụ trách, một “nhạc trưởng” có tiếng nói quan trọng trong việc hoạch định các chính sách cũng như định hướng phát triển cho các DN.



Theo SGGP
Báo cáo phân tích thị trường