Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ở các nước, muốn nuôi cá phải có giấy phép
27 | 06 | 2008
Ngày 26/6, tại TP HCM, Bộ NN- PTNT tổ chức lấy ý kiến bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch SX và tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL đến 2020. Tại đây, ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch VASEP kiêm Chủ tịch Uỷ ban Cá nước ngọt đã trao đổi với NNVN nhiều ý kiến rất đáng chú ý đóng góp cho bản quy hoạch trên.

Ông Ngô Phước Hậu cho biết, sau gần 1 tháng các DN tiếp cận được nguồn vốn vay để “giải cứu” cá tra, hiện nay mỗi ngày DN đang chế biến được trung bình 30 tấn cá tra. Như vậy, mỗi tháng chế biến được khoảng 100.000 tấn cá tra. Tuy nhiên, lượng cá tra dư thừa vẫn khá căng thẳng. Các DN chưa giải quyết xong số cá quá cỡ thì số cá đến cỡ cần thu hoạch cũng đã tăng lên với số lượng chẳng hề thua kém.

Vậy phải chăng, thiếu quy hoạch là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa cá tra?

Sự bùng nổ của việc nuôi cá tra tự phát trong thời gian qua, trước hết là do các địa phương quá dễ dãi trong việc cho phép người dân đào ao nuôi cá. Ai muốn đào ao với diện tích bao nhiêu cũng được, muốn đào ao sâu bao nhiêu mét thì tuỳ, muốn đào ao chỗ nào cũng không ai nhắc nhở… Bên cạnh đó, các ngân hàng trong năm 2007 cũng quá dễ dãi trong việc duyệt vay vốn cho người nuôi cá tra, nhất là những người mới nuôi lần đầu. Thực tế trong vụ khủng hoảng cá tra vừa rồi, phần lớn những người không bán được cá là mới nuôi lần đầu, chưa có hợp đồng, có mối liên hệ với các DN.

Chính những thông tin về việc Việt Nam dư thừa cá tra, đã bị các nhà kinh doanh nước ngoài nhanh chóng biết được và nhân đó ép giá, khiến giá cá tra XK càng thấp, giá thu mua vì thế cũng giảm theo. Tất nhiên, trong chuyện này cũng có lỗi của một số DN đã ký bán với giá thấp để giảm áp lực hàng tồn kho.

Và bao trùm tất cả những nguyên nhân nói trên, là do đến nay, chúng ta vẫn chưa có quy hoạch cụ thể cho việc phát triển con cá tra ở ĐBSCL. Chúng ta sẽ còn phải trả giá nếu quy hoạch cá tra còn chưa được thực hiện.

Vậy theo ông, quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL phải dựa trên những tiêu chí nào?

Phải dựa vào thị trường, vào cán cân cung - cầu và dựa vào môi trường ở các vùng nuôi. Hiện nay, chúng ta đã XK cá tra tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhu cầu của nhiều thị trường là rất khác nhau. Các nước Tây Âu đòi hỏi cá tra phải đạt chất lượng cao, có màu sáng đẹp, kích cỡ chuẩn...Trong khi đó, thị trường Nga, Trung Đông hay Mexico…lại không đòi hỏi cao về chất lượng, kích cỡ hay màu sắc của cá...

Bởi vậy, thị trường Nga chính là một lối thoát quan trọng cho cá tra Việt Nam trong thời gian qua, khi mà những lô cá tra bị dư thừa do vượt quá kích cỡ chuẩn đã được XK rất tốt sang nước này. XK vào những thị trường này, tuy giá không cao như XK vào EU, nhưng lại có hiệu quả kinh tế rất tốt. Để có được 1 kg fillet cá tra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU, phải cần tới khoảng 2,6 kg cá tra tươi. Còn để có được 1 kg fillet xuất sang Nga, chỉ cần khoảng 1,6-1,7 kg cá tra tươi.

Chính vì vậy, chúng ta không nhất thiết cứ phải nuôi cá tra thịt trắng trên toàn khu vực ĐBSCL để xuất sang Mỹ, sang EU với giá cao. Mà phải quy hoạch vùng nuôi hướng tới những thị trường cụ thể. Vùng nào có khả năng nuôi được cá tra thịt trắng, chất lượng tốt, thì định hướng nuôi để XK sang các thị trường đòi hỏi cao về chất lượng. Vùng nào chỉ nuôi được cá tra thịt vàng, thịt đỏ, thì định hướng nuôi phục vụ các thị trường dễ tính hơn.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải xem xét lại những số liệu về diện tích, sản lượng và năng lực chế biến cá tra. Những số liệu mà các cơ quan chức năng đã công bố trong thời gian qua đều thiếu chính xác. Nhiều địa phương không nắm được tốc độ phát triển của các nhà máy chế biến thuỷ sản trên địa bàn. Nhiều Sở NN- PTNT không thống kê được diện tích, sản lượng cá tra do các DN tự tổ chức nuôi… mà những diện tích và sản lượng này lại không hề nhỏ. Nếu không có được số liệu chính xác thì khó có được một quy hoạch cá tra thực sự hợp lý.

Ở nhiều nước, người dân muốn nuôi cá đều phải có một số giấy phép. Ở nước ta có cần áp dụng điều này không?

Cần lắm chứ. Ở các nước như Mỹ, Na Uy, ai muốn nuôi cá đều phải có giấy phép về môi trường, điều kiện ao nuôi và cả quota về sản lượng. Nước ta cũng nên áp dụng giấy phép về môi trường, điều kiện nuôi do cơ quan quản lý Nhà nước cấp, và một quota về sản lượng do các Hiệp hội phân bổ dựa trên đánh giá về nhu cầu thị trường thế giới qua từng năm. Nếu làm tốt được điều này, chúng ta sẽ phát triển được con cá tra một cách bền vững, không bị dư thừa.

Từ góc độ của một nhà doanh nghiệp, theo ông hàng năm ĐBSCL nên duy trì tốc độ phát triển sản lượng cá tra ở mức nào thì vừa?

Chúng ta chỉ nên duy trì tốc độ phát triển cá tra vào khoảng 10-15%/năm.

Xin cám ơn ông!



Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường