Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tìm ’lối ra’ cho vải thiều Thanh Hà
30 | 06 | 2008
Cây vải thiều đã gắn bó bao đời với người dân và trở thành thương hiệu của huyện Thanh Hà (Hải Dương). Vải không chỉ là sản vật nổi tiếng xứ Ðông, mà còn giúp xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Thế nhưng hiện nay người Thanh Hà không còn mặn mà với vải, bởi sản phẩm không tiêu thụ được.
Ðể giải bài toán "đầu ra" cho vải thiều, cần có sự chung tay từ phía chính quyền, các cơ quan chuyên môn và người trồng vải trong việc quy hoạch diện tích, đầu tư hệ thống chế biến, bảo quản sau thu hoạch và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trồng cây mười năm chỉ chặt một giờ

Vác dao chặt 50 cây vải vẫn còn sai lúc lắc quả, ông Ðỗ Văn Toàn, nông dân thôn Trường Giang, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Hà như đứt từng khúc ruột. 50 cây vải thiều này vốn là gia sản một thời ông cùng vợ con nâng niu, chăm sóc, mong cuộc sống gia đình sớm được cải thiện. Vườn vải của ông trồng từ năm 1995 và đã sớm cho thu quả.

Cuộc sống của gia đình ông với năm khẩu có thời gian chủ yếu dựa vào thu hoạch vải. Ông Toàn buồn bã nói: "Thật xót xa khi chặt cây vải. Cuộc sống gia đình với bao lo toan, chi phí nhưng thu nhập của cây vải lại quá thấp. Mùa vải năm nay đã đến, sự kiên trì của tôi cũng như nhiều gia đình khác đã hết, cho nên chúng tôi quyết định chặt cây vải thiều để chuyển sang trồng cây khác".

Ông Nguyễn Văn Dũng, nông dân xóm 7, xã Thanh Thủy, cũng vừa chặt hạ hơn chục cây vải. Ông Dũng cho biết thêm: "Vụ vải năm 2007, nhà tôi đã chặt một sào vải để trồng cây quất. Thấy hiệu quả cây quất năm nay cao hơn cây vải, cho nên nhà tôi tiếp tục chặt tiếp ba sào vải. Ðúng là trồng cây mười năm chỉ chặt một giờ!". Theo lời kể của ông Dũng, chi phí cho việc chặt hạ cây vải cũng tốn kém, tiền thuê cưa gốc vải mất 20-50 nghìn đồng/cây, đánh gốc 100-150 nghìn đồng/cây. Nhưng củi thu từ chặt vải cũng chỉ bán được 70 nghìn đồng/m3.

Sau ba năm chặt bỏ cây vải thiều, Phó Bí thư Ðảng ủy xã Thanh Thủy Nguyễn Duy Mạnh vẫn cho quyết định của mình là đúng đắn. Ông Mạnh lý giải: "Lúc đó tôi đã dự đoán về thị trường tiêu thụ vải sẽ hết sức khó khăn. Nếu tiếp tục giữ cây vải thì sẽ đến lúc khủng hoảng thừa, và điều đó đã xảy ra. Ðảng ủy xã chủ trương chuyển đổi một phần diện tích sang trồng các loại cây ăn quả khác. Việc tôi chặt cây vải chỉ là tự phát, không dám vận động bà con vì mình là cán bộ, đảng viên".

Ông dự kiến trong thời gian tới sẽ chặt bỏ 6/12 sào vải thiều sang trồng cây ăn quả khác. Theo ông Bùi Trọng Ngôn, cán bộ tư pháp UBND xã Thanh Xuân, trên địa bàn xã hiện có 1.280 hộ trồng 336 ha vải các loại. Nhiều hộ dân trong xã, nhất là ở các thôn Thiện Trang, Trường Giang, đã chặt cây vải thiều. Năm 2007, Ðảng ủy xã có nghị quyết cho phép chuyển một nửa số diện tích trồng vải (hơn 160 ha) sang trồng các loại cây ăn quả khác.

Ðiệp khúc được mùa thì mất giá

Mỗi khi mùa vải chín, người dân Thanh Hà nơm nớp nỗi lo thị trường tiêu thụ. Ðiệp khúc được mùa thì mất giá tiếp tục xảy ra năm nay. Chúng tôi có mặt tại chợ Lại, trung tâm thu mua vải thiều xã Thanh Thủy, sáng 25-6. Khu vực này có hơn 10 điểm thu mua vải thiều của xã và các xã lân cận. Chầu trực mãi mới đến lượt, chị Vũ Thị Xuân mới cân được 34 kg vải thiều. Kỳ kèo mãi, thương lái trả 2.300 đồng/kg. Ðây là mức giá cao nhất đối với loại vải ngon nhất trong ngày mà tư thương mua của người dân.

Cầm những đồng tiền trên tay, chị Xuân ta thán: "Cả gánh vải mới bán được gần 80 nghìn đồng, chưa mua nổi một yến gạo. Như thế chú bảo làm sao chúng tôi không buồn được. Cách đây hơn mười năm, bán một kg vải đong được bốn, năm kg/thóc, nay thì ngược lại. Giá vải thiều năm ngoái bán bình quân được 2.000 đồng/kg, nhưng năm nay cũng thế; trong khi đó, chi phí vật tư, phân bón, công lao động tăng, cho nên thu nhập người trồng vải giảm. Nông dân chán với cây vải thiều rồi!".

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà Lê Văn Dũng cho biết: Huyện Thanh Hà hiện có 6.744 ha vải các loại, trong đó có 1.200 ha vải sớm. Mặc dù tỷ lệ đậu quả cao, nhưng trọng lượng quả bé, cho nên năng suất năm nay dự kiến đạt 27 nghìn tấn, giảm 3.500 tấn so sản lượng năm trước. Có một thực tế là trong vài năm qua, người dân ít đầu tư, chăm sóc cây vải, cho nên trọng lượng và chất lượng vải thiều năm nay giảm.

Năm nay, tỷ lệ vải thiều Thanh Hà bị sâu cuống, sâu đầu, sâu quả và bệnh sương mai nhiều. Theo phản ánh của một số tư thương thì lần đầu tiên giá vải thiều Thanh Hà rẻ hơn giá vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang).

Ðánh giá về tình trạng nông dân một số xã chặt hạ cây vải thiều, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Nguyễn Thị Tuyết cho biết: Ðến nay huyện vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác diện tích vải thiều bị chặt hạ. Cuối năm 2007, huyện điều tra, thống kê và cho kết quả diện tích vải giảm 200 ha so năm trước.

Việc người dân chặt hạ cây vải thiều là quyền của họ. Về mặt quản lý nhà nước, UBND huyện không thể ngăn cấm người dân chặt cây vải thiều. Chúng tôi chỉ khuyến cáo bà con nên chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác có hiệu quả kinh tế cao. Từ Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ 22, nhiệm kỳ 2005-2010, huyện xác định giữ ổn định 5.500 ha cây vải thiều. Như vậy, huyện chủ trương chuyển hơn 1.000 ha vải đang trồng ở các xã ngoài vùng quy hoạch, chủ yếu là diện tích đắp ụ trồng vải xen cây lúa, sang trồng lúa hoặc các loại cây khác.

Ðối với vùng trọng điểm nằm trong quy hoạch như các xã Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Xuân sẽ giữ ổn định. Khi chúng tôi hỏi vì sao người dân các xã này chặt cây vải thiều, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện giải thích, chủ yếu do hiệu quả kinh tế của cây vải không cao. Ðây cũng là hệ quả tất yếu của việc phát triển cây vải thiều không theo quy hoạch.

Tương lai nào cho cây vải thiều?

Không một nông dân nào của huyện Thanh Hà dám khẳng định về tương lai của cây vải thiều. Mới vào đầu vụ thu hoạch, mà một số nông dân đã chặt cây vải thiều. Qua khảo sát tại các xã trọng điểm vải thiều Thanh Hà, chúng tôi cảm nhận được tâm trạng của người dân rất chán nản.

Ông Nguyễn Ðức Nhân, nông dân xóm 7, xã Thanh Thủy, cho biết kế hoạch sản xuất: Từ năm 2005 đến nay, nhà tôi đã chặt 6/20 sào trồng vải thiều, chuyển sang trồng quất, ổi, khoai lang. Thực tế trồng cây quất cho thu 7-8 triệu đồng/sào, ổi 10-12 triệu đồng/ sào, hiệu quả cao hơn nhiều trồng cây vải thiều. Vì vậy tương lai của cây vải rất mịt mờ, vì trồng vải thiều không bằng trồng khoai lang. Tôi cho rằng, năm nay sẽ có nhiều hộ dân chặt cây vải.

Mặc dù vải thiều Thanh Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2007, nhưng ông Vũ Ðình Bát, Chủ tịch Hiệp hội vải thiều Thanh Hà, vẫn rất lo lắng. Ông nói: Xây dựng thương hiệu vải thiều đã khó, nhưng giữ được thương hiệu ấy còn khó hơn. Hiệp hội hiện có 150 hội viên, là những người trồng vải giỏi, tâm huyết với cây vải thiều. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã vào cuộc, nhưng vải thiều Thanh Hà vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường tiêu thụ. Ðến nay đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài nước về tìm hiểu, đặt vấn đề liên kết tiêu thụ, nhưng kết quả vẫn chưa được nhiều. Vào vụ vải năm nay, chúng tôi được UBND huyện cấp nhãn hiệu hàng hóa.

Nhưng để bảo đảm thương hiệu này, Hiệp hội sẽ bàn kỹ và đề ra quy chế quản lý, để các hội viên có trách nhiệm thực hiện tốt các quy định về tiêu chuẩn chất lượng. Theo Giám đốc Trung tâm thông tin, xúc tiến thương mại-du lịch (Sở Công thương tỉnh Hải Dương), từ đầu vụ vải thiều, trung tâm tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, giới thiệu các đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước về tìm hiểu, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà. Nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào trả lời đồng ý, ký hợp đồng tiêu thụ.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà Lê Văn Dũng bức xúc: Tất cả các giải pháp thực hiện thời gian qua nhằm cứu vãn cây vải thiều đều không mang lại hiệu quả như mong muốn. Các nhà khoa học, doanh nghiệp, sở, ngành trung ương và địa phương về Thanh Hà thực hiện các giải pháp như: cho hoa vải ra trái mùa, tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả, hạn chế rụng quả, kéo dài thời gian chín quả, công nghệ bảo quản trước và sau thu hoạch..., nhưng tất cả đều chỉ ở bước thử nghiệm.

Trưởng Phòng Chính sách và Thông tin thị trường (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trương Thị Liên cho biết: Chính sách của tỉnh đối với lĩnh vực bảo quản trước và sau thu hoạch, chế biến nông sản nói chung cũng như đối với cây vải thiều chưa nhiều. Vì vậy, đây cũng là khâu yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Nguyễn Thị Tuyết cho rằng, huyện tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư về xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến vải thiều, nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào triển khai. Vì vậy, khó khăn về thị trường tiêu thụ vẫn nhiều. Cơ sở hạ tầng như đường giao thông còn hạn chế, vì vậy đã xảy ra chuyện xe container về mua vải bị đổ do đường quá kém. Do vậy, nhiều bạn hàng chán nản không đến thu mua.

Tình trạng nông dân Thanh Hà chặt cây vải thiều là hệ quả tất yếu của việc phát triển trồng cây vải thiều trên cả nước nói chung cũng như ở Hải Dương nói riêng không theo quy hoạch. Nếu vấn đề thị trường tiêu thụ không sớm được giải quyết, nếu thu nhập từ cây vải không còn hấp dẫn, thì việc nông dân Thanh Hà đồng loạt chặt cây vải thiều chỉ còn là vấn đề thời gian.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường