Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trồng lạc thu đông để làm giống
01 | 07 | 2008
Với các tỉnh phía Bắc vụ lạc xuân là vụ sản xuất chính với diện tích và sản lượng lớn nhất, năng suất và chất lượng tốt nhất so với các vụ khác trong năm.

Tuy nhiên, do phải bảo quản giống với thời gian dài (6-7 tháng), mặt khác hạt giống lạc lại có hàm lượng dầu cao dễ biến chất làm mất sức nẩy mầm dẫn đến nhiều khi thiếu giống, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch gieo trồng lạc xuân hàng năm. Từ kết quả đề tài “Nghiên cứu phát triển vụ lạc thu đông với các tỉnh phía Bắc" của Viện KHKTNN Việt Nam đến nay nhiều địa phương đã áp dụng thành công TBKT này nhằm chủ động cung cấp đủ giống lạc cho vụ lạc xuân.

 

Thực tế sản xuất lạc thu đông (TĐ) trong những năm gần đây của các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Tây, Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ… cho thấy: sản xuất lạc TĐ để làm giống sẽ tiết kiệm dành ra được tới 9% sản lượng lạc vụ xuân cho xuất khẩu hoặc tiêu dùng nội địa. Lạc giống được sản xuất vụ TĐ do có thời gian bảo quản ngắn nên tỷ lệ nẩy mầm cao, tiết kiệm được giống, mật độ cây đảm bảo, cây sinh trưởng khỏe dẫn đến năng suất cao. Cũng theo đánh giá của nhiều hộ gia đình: sản xuất lạc TĐ cho mức thu nhập cao hơn so với một số cây trồng khác (khoai lang, ngô, đậu tương) từ 6,4 đến 10,8 triệu đồng/ha.

Để đạt được năng suất cao, chất lượng lạc giống cho các vụ sau tốt, khi trồng lạc TĐ bà con cần áp dụng đồng bộ các biện pháp sau đây:

- Giống: Có thể chọn gieo các giống lạc mới chọn tạo như L14, LTD, TB25, L02, LVT, MD7, L05.

- Chọn và làm đất: Nên chọn các loại đất thịt nhẹ, đất cát pha có độ tơi xốp, dễ thoát nước, trên chân đất 2 vụ lúa, đất vàn cao, đất gò đồi, vùng bãi v.v… Đất được cày phơi ải, bừa kỹ cho nhỏ, tơi, nhặt sạch cỏ dại và lên luống rộng 1m, cao 20cm, rãnh rộng 30cm. Độ ẩm đất khi làm xong luống đạt khoảng 75%.

- Thời vụ: Có thể gieo từ 20-6 đến hết tháng 8.

- Phân bón: Lượng phân bón lót tính cho 1 sào Bắc bộ (360m2): 200-300kg phân chuồng ủ mục + 3-4kg phân urê + 15-20kg phân lân + 4-5kg phân kali + 20kg vôi bột. Nếu có điều kiện sử dụng phân NPK chuyên dùng cho cây lạc của nhà máy phân lân Văn Điển thì dùng với lượng từ 20-30kg/sào. Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân, vôi bột trên mặt ruộng rồi bừa kỹ trước khi lên luống. Trộn đều phân đạm và kali, rải đều trên mặt luống rồi rạch 4 hàng theo chiều dọc luống cách nhau 20-25cm, sâu 3-4cm để gieo hạt.

- Gieo hạt: Ngâm hạt và ủ trong vải sạch cho hạt nứt nanh rồi gieo thì nhanh mọc mà và mọc đều. Gieo mỗi hốc 2 hạt, hốc cách hốc 16-18cm rồi lấp một lớp đất mỏng, tránh lấp sâu, lấp đất to ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lạc làm giảm năng suất sau này. Lượng hạt giống cần dùng cho 1 sào Bắc bộ là 7kg.

- Phủ bạt nilon: Phun đều thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm Ronsta trên mặt luống sau khi gieo hạt rồi phủ bạt nilon dài theo luống. Nếu đất khô thì tưới nhẹ mặt luống trước khi phun thuốc trừ cỏ và phủ bạt nilon. Khi cây lạc mọc được 1 lá thật thì dùng ống bơ sắt có cắt hình răng cưa xung quanh để đục lỗ màng nilon cho cây lạc phát triển.

- Chăm sóc: Kiểm tra để dặm lại những chỗ không mọc nhằm đảm bảo mật độ đạt khoảng 40 cây/m2 mới cho năng suất cao. Tưới đủ nước vào 2 thời kỳ chủ yếu: khi cây bắt đầu ra hoa (có 6-7lá) và khi cây bắt đầu xuống củ bằng cách tưới theo rãnh (dẫn nước vào rãnh với chiều cao 2/3 rãnh cho ngấm dần vào mặt luống, sau đó tháo cạn nước, không để úng ngập gây chết cây) hoặc tưới phun.

- Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra để phát hiện và phun trừ kịp thời các loại sâu ăn lá, sâu hại hoa, sâu đục gốc, bọ trĩ… và các loại bệnh chết ẻo, đốm lá…

- Thu hoạch: Thu hoạch khi có 80-85% số quả (củ) trên cây đạt độ già để tránh các bệnh hại quả, giảm chất lượng hạt. Với lạc để giống cần thu sớm hơn lạc thương phẩm từ 5-7 ngày khi số quả già đạt khoảng 70-75%. Rửa sạch, phân loại và phơi hoặc sấy khô, đem bảo quản trong kho khô ráo, thông thoáng.



Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường