Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp làm eo, nông dân kiệt sức
01 | 07 | 2008
Cá tới lứa, doanh nghiệp kêu kẹt vốn không thu mua, nông dân hết tiền đành bỏ đói cá. Lúc này, doanh nghiệp lại chê cá ốm để thu mua giá rẻ, trả tiền nhỏ giọt

Một tháng đã trôi qua từ khi Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh thu mua cá tra, cá ba sa tồn đọng ở ĐBSCL, một số DN có đẩy mạnh thu mua, song đa số vẫn cầm chừng.

Xoay trong vòng luẩn quẩn

Nông dân nuôi cá ở ĐBSCL đã và đang xoay trong vòng luẩn quẩn: Họ vay vốn làm ăn, trong đó nhiều người phải vay nóng, chỉ cầm cự nổi khi cá tới lứa phải bán. Song, DN cho rằng kẹt vốn, không thu mua, thế là cá ngày càng tồn đọng, quá lứa. Trong khi đó, hầu hết nông dân đã cạn vốn đành để cá đói, nên có bán được cũng bị DN chê lên chê xuống do cá quá ốm. Nhiều DN mới nhìn thấy cá của nông dân đã lắc đầu: “Cá vậy, thịt đâu để phi lê?!”. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở các hộ nuôi cá tại Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang... Ông Út Thẩm, ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt – Cần Thơ, vừa cắn răng bán 12 tấn cá đói với giá 12.500 đồng/kg, tính ra lỗ khoảng 100 triệu đồng.

Giá cá tra đang chạm đáy, trong khi giá thức ăn, giá thuốc đang tăng kịch trần. Theo tính toán của nông dân, giá thành cá tra, cá ba sa hiện đã vượt ngưỡng 16.000 đồng/kg, trong khi đó ai may mắn lắm mới bán được giá 14.000 đồng/kg. Ông Tư Ni, một chủ hộ nuôi cá ở Thới Thuận, Thốt Nốt - Cần Thơ, than: “Cá thì quá lứa trong khi giá thức ăn lại tăng cao, không còn khả năng duy trì đàn cá nên chúng tôi đành năn nỉ các nhà máy thu mua sớm”.

Theo nhiều nông dân nuôi cá ở ĐBSCL, vấn đề không phải là DN thiếu vốn thu mua cá, cần đợi thời gian để vay mà họ làm eo. Trong khi người nuôi cá khốn đốn, nhiều DN thu mua cá lại trả tiền nhỏ giọt cho nông dân. “Họ mua cá một tháng sau mới trả tiền mà trả theo từng tuần. Chúng tôi bức xúc lắm nhưng không biết kêu ai đây cho thấu” - một nông dân nhiều năm nuôi cá ở Ô Môn - Cần Thơ lo lắng. Ngay cả những người có chân trong Hiệp hội Nghề cá ĐBSCL cũng phải “ngậm bồ hòn” bán cá lấy tiền theo kiểu như vậy.

“Dạng cá ốm như thế, các DN đều từ chối mua. Cái khó nhất hiện nay là nông dân đã kiệt sức, không có tiền để mua thức ăn cho cá. Một số hộ ráng chạy vạy vay nóng mua thức ăn vỗ cá, bán còn gỡ gạc được chút ít. Không nông dân nào muốn để cá đói như ông Út Thẩm. Nhưng họ thật sự đang ở thế bí, phải cắn răng chịu đựng. Nhiều hộ nuôi quy mô nhỏ đành buông xuôi, phó mặc” - ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, buồn bã. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thới An (Ô Môn), đề xuất: “Cách thiết thực nhất là cơ quan chức năng cần điều tra kỹ và nhanh chóng khoanh nợ cho nông dân nuôi cá”.

Cá tồn đọng vẫn còn nguyên

Các DN đang đẩy nhanh tiến độ mua, nhưng lượng cá tồn đọng quá lớn, trong khi cá tới kỳ thu hoạch cũng cứ dồn dập... chờ tồn đọng! Hiện các DN chỉ đủ sức thu mua số cá đang đến kỳ thu hoạch, còn lượng cá tồn đọng vẫn gần như còn nguyên, khoảng 150.000 – 200.000 tấn.

Theo ông Trần Thanh Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ, đến thời điểm này các nhà máy chế biến chỉ mới tiêu thụ được khoảng 10.000 tấn cá quá lứa. Số cá quá lứa ở Cần Thơ hiện còn tồn đọng gần 10.000 tấn, vẫn chưa có đầu ra; trong khi lượng cá sắp đến thu hoạch lên đến khoảng 30.000 tấn nữa. Nhiều chủ hầm cá tra, cá ba sa ở khu vực Thới Trinh, phường Thới An, quận Ô Môn và xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt (TP Cần Thơ) hiện cũng đang phải đối mặt với số lượng cá quá lứa hàng trăm tấn nhưng các DN đều ngó lơ.

Nhiều chủ hộ nuôi cá đành phải bấm bụng, bán cho các nhà máy chế biến thủy sản với giá rẻ và bán trước trả sau, do nguồn vốn mua thức ăn cho cá không còn. Trong khi đó, một số DN chế biến thủy sản ở các tỉnh ĐBSCL cho rằng do bà con nông dân đuối sức không còn vốn để chăm sóc đàn cá dẫn đến chất lượng cá giảm, không đủ điều kiện để chế biến. Điều này làm cho các nhà máy chế biến thủy sản thu mua e ngại, dè chừng.

Ràng buộc người nuôi cá và nhà máy chế biến

Trước tình hình hiện nay, để giải quyết khó khăn trong việc tìm hướng ra cho cá tra, cá ba sa, tại cuộc họp với 8 tỉnh trọng điểm nuôi cá vừa được tổ chức tại Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá VN, đã đưa ra giải pháp: Thành lập ngay Hiệp hội Thủy sản cá tra ĐBSCL. Mỗi địa phương cần phải quy hoạch ngay vùng nuôi phù hợp, có sự ràng buộc giữa người nuôi và nhà máy chế biến. Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu thủy sản cũng phải liên kết với chính quyền địa phương giám sát thực hiện các quy định trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra, cá ba sa.



Nguồn: Người Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường