Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp tìm vốn từ quỹ đầu tư
14 | 07 | 2008
Lãi suất cao, khó vay vốn ngân hàng là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển sang tiếp cận nguồn vốn của các quỹ đầu tư
Nguồn vốn từ ngân hàng bị “khóa” bởi các quy định chặt chẽ hơn và lãi suất cho vay quá cao (21%/năm) khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải tiếp cận các nguồn tài chính phi ngân hàng - nhất là các quỹ đầu tư - để giải quyết bài toán vốn. Không ồn ào như trước, cả phía DN và quỹ đầu tư đều đang âm thầm tìm hiểu, thương lượng với đối tác để duy trì hoạt động, bảo đảm lợi nhuận chờ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Xu hướng đầu tư thương lượng

Chị Đỗ Thu Hà, Giám đốc Công ty M.A, cho biết công ty vẫn có thể vay vốn ngân hàng nhưng với lãi suất hiện tại thì lợi nhuận của công ty phải trên 35% mới dám vay. Chị và nhiều bạn bè trong giới kinh doanh đang tìm hiểu cách thức tiếp cận các quỹ đầu tư để mở rộng quy mô hoạt động...

Hiện nay, nhiều quỹ đầu tư không còn mặn mà với DN niêm yết trên sàn mà chuyển sang đầu tư vào các DN nhỏ và vừa sản xuất hàng tiêu dùng đã dấy lên hy vọng cho các DN trong nước. Khá nhiều DN nhỏ và vừa trong nước bán cổ phần cho các quỹ đầu tư. Chưa có thống kê chính thức con số DN “bắt tay” với quỹ đầu tư nhưng chắc chắn, chỉ tính từ đầu năm đến nay, hàng chục hợp đồng đã được ký kết. Gần nhất là Công ty MobiZ.com bán 30% cổ phần cho Quỹ Dfi VinaCapital thuộc Quỹ VinaCapital. Trước đó, Công ty Cổ phần Diana bán 30% cổ phần cho Tập đoàn Goldman Sachs; Công ty Cổ phần Mai Son được Quỹ Mekong Enterprise Fund II (MEFII) thuộc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Mekong Capital cam kết đầu tư 5 triệu USD; Công ty Cổ phần Quạt Việt Nam bán 25% cổ phần cho Tập đoàn đầu tư Bankinvest (Đan Mạch)...

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Công ty VinaCapital, thừa nhận: Mục tiêu hiện nay của các quỹ đầu tư là chuyển sang đầu tư thương lượng với các công ty có tiềm năng, thay vì đầu tư cổ phiếu hay thông qua đấu giá như thời điểm thị trường chứng khoán đang nóng. 80% các khoản đầu tư của VinaCapital tại thời điểm này là đầu tư thương lượng và từ đầu năm tới nay, đã có 6 cuộc ký kết với các công ty trong nước, số vốn trung bình cho mỗi cuộc ký kết từ 10 - 20 triệu USD.

Vẫn còn rào cản

Nếu trước đây các quỹ nước ngoài tích cực chào mời nhưng khó mua được cổ phần của những DN “tốt” trong nước thì từ cuối năm 2007 đến nay, các DN này chủ động tìm đến quỹ để hợp tác. Số lượng quỹ đầu tư đang tăng nhanh và không còn là “hàng hiếm” nhưng vẫn rất kén chọn DN để đầu tư. DN muốn thu hút vốn của quỹ phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt như có dự án tốt, chiến lược kinh doanh hiệu quả, tài chính minh bạch...

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu các quỹ đầu tư và DN có thể kết hợp với nhau sẽ góp phần giảm sự yếu kém về những vấn đề quản trị của các DN nhỏ và vừa và có thể tháo gỡ khó khăn vốn cho DN cũng như gánh nặng của ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, quỹ đầu tư cũng là DN, phải tính đến lời - lỗ trong kinh doanh. Điều này giải thích vì sao phần lớn quỹ đầu tư không cho vay tiền mà chỉ mua cổ phần của DN để đầu tư lâu dài, làm chủ DN.

 



Nguồn: Người Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường