Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê Việt Nam: Hơn hai tỷ USD và những thách thức
15 | 07 | 2008
Hội thảo ngành cà phê Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO, vừa được tổ chức tại Hà Nội cho thấy triển vọng của mặt hàng chiến lược này sẽ còn đạt giá trị cao hơn, ích nước lợi nhà hơn, nếu như …
Kim ngạch xuất khẩu cà phê nước ta chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt tới 1,18 tỷ USD, với lượng xuất trên 570 nghìn tấn, vượt xa con số cùng kỳ năm 2007, trong bối cảnh giá cà phê thế giới tăng theo chiều hướng tích cực.

Với đà tăng này, cà phê xuất khẩu năm 2008 không khó đạt con số 2 tỷ USD, trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu, giá trị chỉ sau dầu thô, hàng dệt may, giày dép và thủy sản.

Được đánh giá kỹ thuật thâm canh cà phê đạt năng suất cao nhất thế giới, Việt Nam hiện có diện tích 500.000 ha cà phê, sản lượng bình quân 900 nghìn đến 1 triệu tấn cà phê nhân/ năm. Khoảng 850 tấn trong số đó được xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhiều bạn hàng đã trở thành đối tác truyền thống vì liên tục nhập khẩu cà phê robusta Việt Nam với khối lượng lớn, đều đặn cả những năm khủng hoảng giá thấp và những năm giá cao.

Nhằm bảo vệ môi trường, giữ cân bằng sinh thái và góp phần ổn định cân bằng cung cầu trên thị trường quốc tế, Chính phủ chủ trương ổn định diện tích cà phê hiện có theo hướng xây dựng ngành cà phê phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trước mắt ngành cà phê không chỉ toàn thuận lợi. Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh, khẳng định: Một trong những thách thức lớn nhất trong nền kinh tế thị trường là làm sao duy trì, phát triển được những doanh nghiệp trồng, chế biến cà phê.

Thực tế cho thấy, cà phê được giá nhưng vì các mặt hàng liên quan khác như xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, thực phẩm và lãi suất ngân hàng đều tăng quá cao nên người sản xuất cà phê thời điểm này chỉ đủ sức cầm cự còn nhà kinh doanh hưởng lãi chẳng bao nhiêu.

Ông Vân Thành Huy-Tổng giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư XNK Đắk Lắk, cho rằng, trong tình hình biến động tỷ giá ngoại tệ như hiện nay các nhà xuất khẩu cà phê nên thống nhất thực hiện hợp đồng xuất khẩu theo phương thức hiện đại, là giao hàng FCA (bằng container tại bãi) thay vì FOB ( lô rời tại cảng) như trước đây để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp trong trường hợp hàng đã giao cho nhà nhập khẩu nhưng chưa thể lấy được tiền, hoặc khi nhà nhập khẩu chưa thuê được tàu, hàng container phải nằm chờ.

Mặt khác, nếu Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan cùng phối hợp đồng bộ trong việc nâng cao giá trị thương phẩm cho cà phê Việt Nam, như hỗ trợ nông dân đưa khoa học công nghệ chăm sóc vào vườn cây nhằm chống lạm dụng sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học;

Tăng cường an ninh xã hội tại từng địa phương trong thời gian thu hoạch để cà phê chín đều mới thu hái; tạo điều kiện cho nông dân xây sân phơi, sắm máy sấy; các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm việc áp dụng quy chuẩn chất lượng đối với cà phê xuất khẩu, chấm dứt thói quen chào bán cà phê chất lượng kém để bị trừ lùi theo giá LIFFE ( London) từ 120 – 240 USD/ tấn, không chen nhau chào bán ồ ạt vào mùa thu hoạch … thì lượng ngoại tệ thu về sẽ tăng thêm hàng trăm triệu đô la mỗi năm.

Con số này không những ý nghĩa về giá trị mà còn là niềm tự hào của thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam hiện nay là Cty CP XNK Cà phê Tây Nguyên, đơn vị Anh hùng Lao động. Ông Vũ Đức Tiến- Giám đốc Cty, cho biết: Dự kiến, năm 2008 Cty sẽ xuất được 185 ngàn tấn, tương đương 400 triệu đô la. Thế nhưng, chúng tôi vẫn phải đương đầu với không ít khó khăn vì xuất ra thì bằng ngoại tệ, vay bằng nội tệ với lãi suất 20%, sức ép rất lớn.

Để tránh tình trạng “no dồn, đói góp” tăng giảm thất thường như thực tế hàng chục năm qua, ngành cà phê Việt Nam cũng cần được tổ chức để có thể tự bảo vệ mình bằng quỹ bảo hiểm cà phê.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường