Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bỏ quên nông dân, không thể công nghiệp hóa vững chắc
16 | 07 | 2008
Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta hiện nay về thực chất là vấn đề phát triển bền vững. Nếu công cuộc Đổi mới dẫn đến sự phân hóa xã hội quá mức, tăng khoảng cách giữa thành thị và nông thôn thì sự phát triển sẽ không bền vững.
Nông nghiệp, nông dân và nông thôn là ba vấn đề khác nhau nhưng nếu không cùng được giải quyết một cách đồng bộ thì không thể công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước một cách vững chắc được.

Lượng nông sản thấp, giá thành cao

Vấn đề đầu tiên là nông nghiệp. Hiện nay, có ý kiến cho rằng nông nghiệp nước ta trong thời gian qua đã phát triển tương đối tốt, đã giải quyết được an ninh lương thực, đồng thời việc xuất khẩu nông sản gần đây đang phát triển tốt trong điều kiện giá lương thực và nông sản thế giới tăng. Trong quá trình công nghiệp hóa, phần của nông nghiệp trong sản phẩm trong nước (GDP) giảm dần, nhưng không có nghĩa là vai trò của nông nghiệp ngày càng giảm.

Hai nước công nghiệp lớn của thế giới là hai nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới: Hoa Kỳ và Pháp. Chúng ta vẫn khen các nước Đông Á đã giải quyết tốt nhất vấn đề nông nghiệp trong thời gian công nghiệp hóa, nhưng hiện nay họ nhập khẩu lương thực và nông sản ngày càng nhiều vì nông nghiệp đã giảm sút nghiêm trọng.

Việc các nước phát triển đang phải trợ cấp cho nông nghiệp rất nhiều, làm cho các nước đang phát triển gặp khó khăn là cái giá phải trả cho việc đã không chú ý đến nông nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa.

Một vấn đề khác là các nước đang phát triển hiện nay có số lượng lao động nông thôn quá cao và không được sử dụng hết trong quá trình công nghiệp hóa. Do đó, sau khi công nghiệp hóa vẫn còn một tỷ lệ lao động nông thôn và nông nghiệp cao.

Một dự báo của tổ chức Carnegie về Trung Quốc cho thấy, vào năm 2020, lúc nông nghiệp chỉ chiếm 4,8% GDP, lao động nông nghiệp vẫn còn 34,6% và dân số nông thôn còn 45%.

Dự báo do chúng tôi thực hiện cho thấy ở nước ta, năm 2020, nông nghiệp sẽ còn 9,6% trong GDP, lao động nông nghiệp sẽ còn từ 22,6% đến 49% và lao động nông thôn sẽ chiếm tới 61,3 -72,6%, tùy kịch bản phát triển, nghĩa là cao hơn ở Trung Quốc vì tốc độ tăng dân số ở nước ta là 1%/năm trong khi ở Trung Quốc chỉ có 0,6%.

Như vậy, ngay cả khi đã công nghiệp hóa, vai trò của nông nghiệp ở các nước đang phát triển vẫn còn cao. Về thực chất, các nước này vẫn còn là nước công - nông nghiệp.

Các vấn đề lớn của nông nghiệp nước ta sau quá trình Đổi mới là chất lượng nông sản còn thấp nên giá trị gia tăng thấp vì chủ yếu xuất khẩu nông sản thô. Quy mô sản xuất nhỏ nên giá thành cao, năng suất lao động thấp.

Dịch vụ công phục vụ nông nghiệp còn yếu

Muốn tăng giá trị gia tăng của nông sản, phải cải tiến chất lượng sản phẩm bằng cách phát triển các sản phẩm có xuất xứ địa lý, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm quốc tế, sản phẩm hữu cơ.

Để làm được việc này, cần xây dựng thể chế quản lý chất lượng nông sản đi đôi với việc phát triển công nghiệp chế biến, tiếp cận thị trường. Có nhiều tác nhân có mục đích khác nhau tham gia quá trình sản xuất và lưu thông. Vì vậy muốn có được nông sản có chất lượng, cần có các thể chế điều phối để quy định sự hợp tác của các tác nhân tham gia trong mỗi ngành hàng, có thể gọi chung là các thể chế thị trường.

Thể chế thị trường nông sản nếu chủ yếu chỉ dựa vào quan hệ nông dân - doanh nghiệp theo kiểu nông nghiệp hợp đồng, sẽ dẫn đến sự độc quyền của doanh nghiệp chế biến và lưu thông, giá cả do doanh nghiệp quyết định, nông dân không có quyền mặc cả trên thị trường.

Muốn phân phối thu nhập được công, phải phát triển song song các hợp tác xã có các hoạt động chế biến và buôn bán. Nhà nước không thể trợ giúp nông dân thông qua doanh nghiệp nhà nước vì doanh nghiệp có mục tiêu thu lợi nhuận, mà phải hỗ trợ thông qua các dịch vụ công. Hiện nay các dịch vụ công phục vụ phát triển nông nghiệp còn yếu, đặc biệt các hộ nghèo ít được hưởng lợi.

Ảnh: Agroinfo

Thời cơ phát triển nông nghiệp?

Đất nông nghiệp tốt đang bị mất dần và nạn đầu cơ ruộng đất trở thành phổ biến tạo điều kiện cho sự tham nhũng. Theo Hiến pháp, ruộng đất của nước ta thuộc quyền sở hữu của Nhà nước tức là sở hữu công, người sử dụng chỉ có quyền sử dụng nhưng quyền ấy lại mang lợi nhiều hơn là quyền sở hữu.

Giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp đang tăng mạnh mà giá nông sản không theo kịp, nông dân đang chán sản xuất nông nghiệp, lao động nông thôn đang bỏ nông thôn ra đô thị kiếm việc, lao động nông nghiệp đang bị nữ hoá và chuyển từ thâm canh sang quảng canh, chăn nuôi và nghề phụ đang bị giảm sút… Lao động nông nghiệp nhiều vùng đang bị thiếu nghiêm trọng và giá lao động tăng rất cao.

Giá một số nông sản như lúa mì, ngô, đậu tương đang tăng rất nhanh trên thị trường thế giới mà chúng ta vẫn nghĩ đến việc nhập khẩu, không nhân cơ hội này để phát triển sản xuất trong nước. Nông thôn đang có xu hướng quay trở về độc canh lúa, từ giã việc đa dạng hóa sản xuất. Trong điều kiện này, chúng ta thiếu các biện pháp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thiếu biện pháp để tăng năng suất lao động.

Tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực và thực phẩm như các nước công nghiệp mới Đông Á và Đông Nam Á. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, trong thế kỷ 21, thế giới sẽ thiếu lương thực, đây có phải là một thời cơ cho chúng ta phát triển nông nghiệp không?

Khoa học kỹ thuật nông nghiệp nước ta chưa có câu trả lời cho các câu hỏi của công nghệ nông nghiệp thế kỷ 21 như vấn đề hướng công nghệ sinh học bảo đảm sức khỏe của con người và môi trường, vấn đề nông nghiệp hữu cơ với dự báo sẽ chiếm lĩnh thị trường nông sản thế giới, vấn đề phòng chống hiện tượng nóng lên của khí quyển, nước biển dâng cao làm ngập các đồng bằng vựa lúa, vấn đề nông nghiệp chính xác áp dụng công nghệ định vị, vấn đề nông nghiệp thẳng đứng hay không đất để giải quyết thiếu đất và bảo vệ môi trường...

Các vấn đề biến đổi khí hậu và rủi ro trong nông nghiệp ngày càng tăng, mà chúng ta chưa có các biện pháp bảo vệ nông nghiệp chống thiên tai và rủi ro. Hệ thống bảo hiểm chống thiên tai và rủi ro mặc dầu khó làm nhưng không phải không có cách thực hiện được.

Chúng ta cũng chưa có một chiến lược công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, hiện đại hóa nông nghiệp như thế nào trong điều kiện đất ít người đông, quy mô sản xuất nhỏ, năng suất lao động thấp.

Nông dân: Khởi xướng nhưng ít hưởng lợi từ Đổi mới

Nông dân là những người khởi xướng Đổi mới nhưng nay lại ít được hưởng lợi của Đổi mới nhất. Nông dân còn quá nghèo, việc giải quyết giảm nghèo chưa gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn nên chưa bền vững.

Nông dân ít được hưởng phúc lợi xã hội hơn cả, nhất là về giáo dục, y tế. Những vấn đề xã hội ở nông thôn chưa được giải quyết một cách cơ bản: bảo hiểm thiệt hại do thiên tai và thị trường, bảo hiểm xã hội. Theo kinh nghiệm của các nước, không thể chỉ giải quyết các vấn đề xã hội của nông thôn bằng các biện pháp thị trường.

Nông dân thiếu việc làm ở nông thôn phải di cư ra thành thị để tìm việc, làm thuê với giá lao động rất thấp và bị đối xử như công dân loại hai mặc dù là động lực chủ yếu của Đổi mới. Việc này đang xảy ra một cách tự phát, không có quy hoạch, không có một sự hỗ trợ của Nhà nước, của thị trường trong lúc quá trình này là điểm mấu chốt của quá trình Đổi mới, của công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Trong công cuộc Đổi mới này, chúng ta đang chuyển đổi bộ mặt của nông thôn để thúc đẩy sự phát triển, để thực hiện công nghiệp hóa và đô thị hóa. Quá trình đang diễn ra chủ yếu hiện nay là “nhân khẩu nông nghiệp thừa” đang chuyển ra thành thị để hình thành “hậu bị quân công nghiệp”, kho lao động rẻ mạt để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Chính quá trình này đã tạo nên mâu thuẫn chủ yếu đang xảy ra trong xã hội nước ta hiện nay, nếu không được thực hiện một cách công bằng.

Muốn nông thôn và nông nghiệp phát triển một cách bền vững, tăng được năng suất lao động và thu nhập của nông dân, phải rút bớt lao động thừa ở nông thôn ra thành thị và khu công nghiệp. Đây chính là lực lượng mới của giai cấp công nhân, cần phải được hỗ trợ để có công nhân chất lượng cao. Đây là con đường giảm nghèo nhanh nhất và bền vững nhất. Và cũng là biện pháp chủ yếu để công nghiệp hóa nhanh, bảo đảm tính công bằng và bền vững.

  • GS.VS. Đào Thế Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam (PHANO)
  • TS. Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm NC và PT Hệ thống nông nghiệp (CASRAD), Ủy viên ban chấp hành PHANO


Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường