Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp “thắt lưng buộc bụng”
17 | 07 | 2008
Trước áp lực nặng nề do tình trạng lạm phát, sự biến động của thị trường tiền tệ, lãi suất tín dụng ngân hàng tăng cao..., các doanh nghiệp (DN) đang tìm cách xoay xở để tồn tại và chờ đợi những điều chỉnh từ Chính phủ. Một trong những giải pháp được nhiều DN lựa chọn là cắt giảm chi phí không cần thiến đến mức tối đa.

Tiết kiệm từ chi phí nhỏ nhất

Ông Lê Phước Vũ, Tổng giám đốc Hoa Sen Group cho biết, trước ảnh hưởng của lạm phát, cách đây hơn một tháng, Tập đoàn đã tạm dừng tất cả các dự án đang triển khai mặc dù máy móc, nhân sự đã chuẩn bị chu đáo. Hoa Sen Group còn hạ giá thành sản phẩm xuống mức thấp nhất. Để thực hiện điều này, Hoa Sen Group đã cắt lợi nhuận của tất cả các công đoạn từ khâu sản xuất đến đại lý phân phối và bán thẳng cho người tiêu dùng.

Các chi phí không cần thiết như phương tiện đi lại cũng được Hoa Sen Group cắt giảm. Hiện, tập đoàn này có khoảng 100 ô tô phục vụ việc sản xuất, kinh doanh. Với lượng xe này, hàng tháng chi phí xăng dầu không hề nhỏ. Trước tình hình giá cả leo thang, tập đoàn đã ra quy định sử dụng xe máy trong công việc, chỉ sử dụng ô tô trong trường hợp cần thiết. Ông Vũ hy vọng, với những phương thức siết chặt chi phí, Hoa Sen Group có thể kéo dài việc “sống chung” với lạm phát trong vòng 2 năm.

Cũng trong chiều hướng cắt giảm chi phí, một số DN đang muốn hợp lý hóa quy trình và cách làm việc, trong đó sắp xếp lại lao động được xem là vấn đề lớn. Ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Việt chia sẻ, vấn đề lớn nhất của hầu hết DN hiện nay là làm thế nào duy trì lực lượng lao động tay nghề cao đang có tâm lý bất an trước mức sống tuột dốc do tình hình giá cả tăng cao. Dù giai đoạn hiện nay đang gặp nhiều khó khăn nhưng chắc chắn không DN nào muốn làm lại từ đầu công tác nhân sự khi thị trường trở về trạng thái bình thường. Ông Chánh cho biết, nếu tình huống xấu xảy ra, thay vì cho người lao động nghỉ việc tạm thời hưởng 70% lương, doanh nghiệp có thể sử dụng giải pháp mượn 20% lương của người lao động trong vòng 1 - 2 năm để có thêm vốn kinh doanh, đồng thời tăng mức hoa hồng cho nhân viên để đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn.

Giải pháp hữu hiệu: tập trung vào lĩnh vực chính

Đa số các doanh nghiệp vướng phải khó khăn trong thời điểm hiện nay do họ chưa được rèn luyện qua thực tiễn. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thời điểm này chính là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại mình từ cơ cấu nhân sự đến chiến lược kinh doanh. Đồng quan điểm này, ông Vũ dự báo, chi phí sản xuất, dịch vụ thương mại sẽ tiếp tục tăng lên, nhất là khi có sự điều chỉnh mới về giá than, điện, xăng dầu... Khi ấy, doanh nghiệp sẽ còn khó khăn hơn vì chi phí đầu vào tăng cao. Ông Vũ cho rằng, doanh nghiệp nên tiết kiệm tối đa chi phí ở mọi khâu có sử dụng nhiên liệu như điện, xăng dầu...

Theo ông Huỳnh Bửu Quang, Giám đốc toàn quốc Dịch vụ Tài chính doanh nghiệp của Ngân hàng HSBC, trong thời buổi khó khăn hiện nay, doanh nghiệp cần tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của mình, không nên bị hoa mắt bởi những cơ hội ngắn hạn. Bên cạnh đó, bảo hiểm rủi ro tài chính đối với doanh nghiệp là giải pháp phù hợp nhất cho việc bảo toàn vốn một cách hiệu quả. Doanh nghiệp nên ưu tiên cho sự an toàn hơn là tìm kiếm lợi nhuận.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhà nước có thể tạm thời giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, khi điều kiện kinh tế thuận lợi thì tăng thuế trở lại. Chủ trương thắt chặt tín dụng là đúng nhưng cũng cần chọn lọc dự án, chọn lọc doanh nghiệp để tiếp tục cho vay. Như vậy, Nhà nước vừa “cứu” được DN, vừa tăng được lượng cung hàng ra thị trường để giảm lạm phát một cách hiệu quả.



Nguồn: KTNT
Báo cáo phân tích thị trường