Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp và bài toán tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh
19 | 07 | 2008
Trong bối cảnh lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, mỗi doanh nghiệp phải tuỳ theo năng lực và điều kiện để giải quyết bài toán tiết kiệm chi phí sản xuất một cách hợp lý và hiệu quả
Tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lạm phát tuy đã có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao đang là bài toán khó đặt ra đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên để tồn tại và phát triển, mỗi doanh nghiệp phải tuỳ theo năng lực và điều kiện phát triển của mình để giải quyết bài toán tiết kiệm chi phí sản xuất một cách hợp lý và hiệu quả, đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.


Trong 6 tháng đầu năm, các nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất tăng mạnh khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ giá xăng dầu nhập khẩu tăng 61,8%, giá sắt thép tăng 29,8%, giá các mặt hàng xây dựng tăng 14,34%, giá giấy tăng 11,8%, giá chất dẻo tăng 15,4%, giá phân bón tăng 96%. Không những thế, các biện pháp kiểm soát thắt chặt tín dụng của ngân hàng Nhà nước để kiềm chế lạm phát khiến nhiều doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa lâm vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng.


Theo kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp, tăng giá thành sản phẩm không phải là biện pháp tối ưu để khắc phục hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Thay vào đó, các doanh nghiệp cần phải cải tiến về công nghệ sản xuất, thay đổi cách thức quản lý điều hành hợp lý và hiệu quả, tạo ra thế cạnh tranh về giá để mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm ra những phân khúc thị trường phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Một trong những biện pháp tiết kiệm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà Bitis đang thực hiện là chủ động tìm các nguồn nguyên vật liệu trong nước thay thế nhằm giảm giá thành, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới.


Ông Nguyễn Duy Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bình Tiên Bitis cho biết: “Trước kia chúng tôi phải sử dụng 70% nguyên phụ liệu nhập khẩu, 30% nguyên phụ liệu nội địa. Bây giờ nghiên cứu và sử dụng nguyên vật liệu nội đảm bảo chất lượng thì chỉ sử dụng 40% là nhập khẩu còn 60% là nội địa”.


Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nước ta phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vay tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên với mức tăng trưởng tín dụng thấp và mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại ở mức cao gần 20% như hiện nay, thì khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng đối với nhiều doanh nghiệp là rất khó khăn. Để đối phó với tình trạng này, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là cắt giảm các khoản chi phí không hợp lý ví dụ như: Chi phí lưu thông hàng hóa; Chi phí tiêu hao năng lượng như điện nước, xăng xe; Chi phí hội họp giấy tờ; Chi phí dành cho các chuyến đi công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài...


Tuy nhiên, việc cắt giảm thế nào cho hợp lý và hiệu quả thì không hề đơn giản. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, cho rằng: “Có những khoản chi lớn nhưng vẫn phải chi để dành cho mục tiêu phát triển lâu dài. Ví dụ, một năm tổ chức 10 đoàn đi công tác nước ngoài với tổng chi phí 4 tỷ. Nếu dành 2 tỷ đi nước ngoài, 2 tỷ dành cho nâng cao chất lượng cuả mạng công nghệ thông tin và khả năng khai thác công nghệ thông tin thì có thể hiệu quả hơn ngay trước mắt. Nhưng về lâu dài, ít xuất hiện ở nước ngoài sẽ không tạo ấn tượng cho thương hiệu và vị thế của doanh nghiệp. Bài toán tiết kiệm ở mỗi doanh nghiệp khác nhau. Mỗi doanh nghiệp sẽ có những cách thức phù hợp với điều kiện của mình”.


Theo các chuyên gia kinh tế dự báo, các doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục phải đương đầu với nhiều khó khăn trong những tháng còn lại của năm nay, và sẽ lấy lại đà phục hồi vào giữa năm 2009 và đầu năm 2010. Đây là thời gian để doanh nghiệp trong nước nhìn nhận lại sức mạnh thực sự của mình, là cơ hội cho các doanh nghiệp tổ chức lại cơ cấu hoạt động và cách thức quản lý. Những doanh nghiệp vượt qua được thời điểm này sẽ mạnh mẽ hơn, dày dạn hơn trong nền kinh tế hội nhập.


Ông Huỳnh Tuấn Quyền, Trợ lý Giám đốc, Trưởng Phòng Nghiên cứu và Phát triển thị trường, Công ty TNHH Dây và Cáp điện Thượng Đình cho biết: “Trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam nghĩ con đường đi rất đơn giản, chỉ cần túc tắc làm cũng tới được thành công, nhưng hiện nay nếu không khẳng định được mình, doanh nghiệp sẽ bị đào thải”.


Các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đang phát huy tác dụng, nền kinh tế đang dần ổn định. Và khi lạm phát đã được kiểm soát thì các chính sách điều hành lãi suất của của ngân hàng nhà nước sẽ theo hướng ổn định và giảm dần, giúp các doanh nghiệp thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.



Nguồn: VOVNews
Báo cáo phân tích thị trường