Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng trung tâm thương mại ở nước ngoài: Nhu cầu nhiều, khó khăn không ít
22 | 07 | 2008
Cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các nước, nhiều bộ, ngành và các địa phương đang ráo riết triển khai các dự án xây dựng trung tâm thương mại (TTTM) tại nước ngoài. Trên thực tế, việc triển khai các dự án này không đơn giản.
Sẽ có hàng loạt TTTM

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thương mại giai đoạn 2006-2010 là nhanh chóng thiết lập hệ thống phân phối trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu sẵn có, đồng thời khai thác thị trường mới. Để làm được vế thứ 2, VN đã thiết lập được 55 thương vụ tại các nước, làm cầu nối cho các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo đó, liên Bộ Công thương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang triển khai thành lập 9 TTTM tại các thị trường trọng điểm. Hiện đã có 2 TTTM được đưa vào hoạt động ở New York (Mỹ) và Dubai (Trung Đông). Liên bộ cũng đang đánh giá hiệu quả hoạt động, rút kinh nghiệm cho kế hoạch mở thêm các TTTM mới và hoàn thiện cơ chế hoạt động của mô hình này.

Về phía TPHCM, ngay từ năm 2003, xác định cần phải tổ chức lại cách thức làm ăn của bà con Việt kiều cho phù hợp với lợi ích của 2 nước và pháp luật của nước sở tại.

UBNDTP đã giao Sở Thương mại khi đó lập đề án xây dựng TTTM tại Mátxcơva (Nga). Đến năm 2005, phía bạn đã giao TPHCM 1,8 ha đất ở phía Nam Mátxcơva để thực hiện dự án này. Theo dự kiến, TTTM được thiết kế liên hoàn 7 tầng, với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD.

Chương trình “Nhà Việt Nam” tại Singapore kết thúc sau gần 3 năm hoạt động, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tiếp tục triển khai hàng loạt chương trình xây dựng các TTTM tại nước ngoài.

Ông Trương Trọng Nghĩa, Giám đốc ITPC, cho biết, kế hoạch mở TTTM thì nhiều, xong trước mắt ITPC sẽ khoanh vùng đầu tư tại 2 thị trường quen thuộc là Campuchia và Australia, trong đó ưu tiên số 1 vẫn là Campuchia. Cùng với Thái Lan, Trung Quốc, các DN Việt Nam đang đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh tại thị trường này. Hàng năm, phía Việt Nam đã tổ chức hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao. Song theo ông Nghĩa, Việt Nam phải nhanh chóng lập TTTM tại thị trường này thì mới giải quyết được nhiều việc cho xuất khẩu.

Ngoài ra, một số tổng công ty cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công ty, chi nhánh của mình tại các thị trường trọng điểm. Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã đưa vào hoạt động Công ty Satra – USA đặt tại New York, Mỹ được gần 1 năm qua.

Lắm trở ngại

Ông Đặng Ngọc Quang, nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam tại Dubai, cho biết, hoạt động của TTTM tại Dubai đã mở ra cơ hội giao thương mới cho DN 2 nước. Kim ngạch của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này không ngừng tăng qua từng năm. Nhiều DN nhỏ và vừa đã ký kết được những đơn hàng lớn mà trước đó họ không có điều kiện để thâm nhập vào thị trường này.

Ông Huỳnh Văn Minh, Tổng Giám đốc Satra, cũng nhìn nhận, về lâu dài, Satra sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự hiện diện pháp nhân của Satra tại các nước dưới nhiều hình thức như liên kết với DN bản địa để xây dựng TTTM hoặc thành lập các công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện… Đây không chỉ là nơi giới thiệu hàng hóa của các DN thành viên Satra, là “bàn đạp” để đẩy mạnh xuất khẩu hàng sang các nước lân cận Mỹ, mà còn là đầu mối để nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước.

Không thể phủ nhận vai trò của TTTM ở nước ngoài, song trên thực tế, để “biến” kế hoạch thành hiện thực, chúng ta đã gặp quá nhiều vấn đề nan giải. Trở lại với dự án TTTM tại Mátxcơva do TPHCM là chủ dự án và Công ty cổ phần Việt – Xô là đơn vị đầu tư thực hiện.

Theo kế hoạch, quý 2-2007 khởi công xây dựng giai đoạn 1 và đến cuối năm 2008 sẽ đưa vào sử dụng. Thế nhưng, đến nay kế hoạch này vẫn chỉ nằm trên giấy! Nguyên nhân không phải do năng lực tài chính mà trở ngại lớn nhất là các thủ tục hành chính.

“Ở ta thủ tục đã khó, ở nước bạn còn khó khăn gấp nhiều lần” – một cán bộ Sở Công thương cho biết. Điều này cũng góp phần lý giải, vì sao đến thời điểm này liên Bộ Công thương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới chỉ xây dựng được 2 TTTM trong tổng số 9 TTTM tại nước ngoài.

Riêng với các dự án do ITPC đang triển khai, bà Vũ Kim Hạnh, nguyên Giám đốc ITPC, cho rằng, việc nhà nước đầu tư hoàn toàn hạ tầng cho các dự án sẽ là điều không tưởng, đặc biệt là trong tình hình kinh tế hiện nay. Phương án tối ưu là nhà nước, mà cụ thể là ITPC làm chủ dự án, các DN cùng nhau bỏ vốn vào.

Tuy vậy, vấn đề không đơn giản là chỉ xây một TTTM, về lâu dài là cách tổ chức để bộ máy của trung tâm vận hành tốt. Điều này đòi hỏi nhà quản lý phải xây dựng được một đội ngũ xúc tiến chuyên nghiệp, có hiểu biết và thực sự tâm huyết với thị trường. Còn nếu xây dựng theo kiểu hành chính, mệnh lệnh và làm theo phong trào thì sẽ không hiệu quả.

Xây dựng chuỗi TTTM tại nước ngoài thực chất là tạo kênh để thực hiện công tác xúc tiến thương mại. Theo các chuyên gia, để làm được điều này nếu chỉ có tiền và đất để xây dựng thì chưa đủ mà nó phải xuất phát từ chiến lược thị trường. Trên thực tế, đây là cái mà chúng ta đang thiếu.



Nguồn: SGGP
Báo cáo phân tích thị trường