Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành điều trước nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu
30 | 07 | 2008
“Làn sóng” của cây cao su, cà phê và tiêu đang “lan toả” mạnh tại Bình Phước khiến từ đầu năm đến nay có khoảng 10.000 ha điều đang cho trái bị đốn hạ để “nhường chỗ” cho các cây trồng này, trong khi đó gần 130 doanh nghiệp chế biến hạt điều trong tỉnh lại đang phải nhập thêm nguyên liệu từ Campuchia.
Bình Phước có hơn 170.000 ha điều, trong đó có khoảng 120.000 ha điều đang cho thu hoạch với sản lượng hạt điều đạt gần 156.000 tấn/năm. Tuy nhiên, 128 cơ sở sản xuất chế biến hạt điều (có công suất từ 1.000 – 20.000 tấn/năm) tại tỉnh vẫn đang gặp khó khăn vì thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất. Sản lượng điều tại địa phương chỉ đáp ứng được từ 50- 65% nhu cầu và công suất. Theo các doanh nghiệp chế biến hạt điều: Hoàng Sơn 1, Sơn Long, Song Hỷ…, hầu hết các hợp đồng xuất khẩu đều được ký từ cuối năm 2007. Đến thời điểm này do chi phí sản xuất tăng cao và nguồn nguyên liệu thiếu hụt, các doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị kiện do không giao hàng đúng thời hạn hợp đồng. Trước thực trạng này, các doanh nghiệp trong tỉnh đã phải nhập khẩu 13.000 tấn điều thô từ các nước bạn để phục vụ sản xuất. Dự kiến từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp sẽ phải nhập thêm hơn 10.000 tấn nữa.

Theo Sở Công thương Bình Phước, kết thúc vụ điều 2007-2008, sản lượng điều của toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 100.000 tấn, giảm 30% so với vụ điều năm 2006-2007. Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến hạt điều trong tỉnh chỉ thu mua được 65.000 tấn, số còn lại là các doanh nghiệp từ các tỉnh khác sang mua. Nguồn nguyên liệu bị “hút”, giá thu mua hạt điều thô đã tăng khá cao, bình quân đạt từ 15.000-17.000 đồng/kg. Theo các doanh nghiệp kinh doanh điều, nếu như 170.000 ha điều ở Bình Phước đều ở độ tuổi thu hoạch thì vẫn chưa đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy, cơ sở sản xuất trong tỉnh; trong khi đó, cây điều ở Bình Phước còn là nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hạt điều ở các tỉnh như Long An, Tiền Giang...

Hiện ngành sản xuất chế biến điều ở Bình Phước chiếm trên 10% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp 60% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, việc người dân “bất mãn” với cây điều đang trở thành nỗi lo cho các doanh nghiệp. Bởi hiện nay trên địa bàn Bình Phước, cây cao su phát triển đến đâu thì cây điều lại “nhường chỗ” đến đấy. Không chỉ dừng lại ở 10.000 ha điều bị phá trong 6 tháng đầu năm 2008, nguy cơ đó còn tiếp tục phát triển mạnh. Nguyên nhân khiến người dân “bỏ rơi” cây điều chủ yếu là do năm nay mất mùa cộng với giá hạt điều thô không “hấp dẫn” người dân bằng giá mủ cao su hay cà phê, tiêu.

Thực tế cho thấy, tình trạng người dân phá bỏ cây điều hiện nay là do các nhà doanh nghiệp chưa gắn kết với nhà nông. Nhà nông chỉ biết trồng điều, thu hoạch và bán cho thương lái, còn giá thu mua bao nhiêu là do doanh nghiệp hay Hiệp hội ngành điều ấn định. Theo tính toán, với mức giá thu mua của thương lái hiện nay bình quân là 16.000 đồng/kg hạt điều thô (được xem là mức giá cao), người dân không có lời, thậm chí lỗ vốn. Trong khi đó, giá hạt điều sơ chế (lột vỏ, sấy khô) bán ra trên thị trường trong nước là trên 110.000 đồng/kg, doanh nghiệp lời rất cao (3,5kg điều thô sẽ được 1kg điều nhân). Ngoài ra, hiện nay hạt điều chủ yếu được xuất khẩu, mà giá xuất khẩu mỗi kí nhân hạt bao nhiêu chỉ có...doanh nghiệp biết. Do không có sự “liên kết” của doanh nghiệp và người dân, hầu như người dân trồng điều bị ép giá. Điệp khúc “mất mùa được giá, được mùa mất giá” đã khiến người dân không mấy mặn mà.

Cây điều ở Bình Phước từng được xem là cây xoá đói giảm nghèo, bình quân mỗi ha điều 7, 8 năm tuổi cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm. Việc phá bỏ cây điều hiện nay đang có “hiệu ứng dây chuyền” và nguy cơ ngành điều sẽ thiếu nguồn nguyên liệu trầm trọng trong tương lai là không thể tránh khỏi. Để cứu ngành điều thoát khỏi nguy cơ này, tỉnh cần phải có chính sách kịp thời, đồng thời doanh nghiệp sản xuất, chế biến điều cần có “động thái” liên kết sản xuất để có thể “bảo vệ” được nguồn nguyên liệu ổn định lâu dài.



Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường