Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Miền Tây: Khóc với giống cây ăn trái
12 | 08 | 2008
Cuối tháng 7.2008 một hội thảo về cây ăn trái được tổ chức tại viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Một lần nữa chất lượng giống cây ăn trái lại được đặt ra. Một số cơ quan hữu trách tuyên bố “bó tay” còn nhà vườn lãnh đủ hậu quả
Có được miếng vườn ưng ý, ông Đồng Hữu Tế Thế, ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong (thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) vội vàng đi mua mấy chục gốc xoài cát Hoà Lộc về trồng. Hơn bốn năm chăm bón, ông Thế trịnh trọng gọt những trái xoài chín đầu mùa đãi cả nhà. Nhưng mới cắn miếng đầu tiên, vợ, con ông Thế nhìn nhau nhăn mặt rồi… bỏ luôn dĩa xoài vì “chua tới óc”. Liên tiếp mấy mùa sau chất lượng trái vẫn không thay đổi, ông Thế ngậm ngùi xách búa đốn bỏ cả vườn xoài.

Thấy người khác trồng cam sành mỗi năm thu 40 – 50 triệu đồng/công đất, ông Lê Văn Quý ở xã Mỹ Lương, Cái Bè, Tiền Giang phá bỏ 1ha nhãn tiêu da bò, mua 7.000 gốc cam sành với giá 8.000 đồng/gốc về trồng. Ba năm sau cây có trái, vỏ cũng sần sùi như cam sành nhưng chờ mãi trái chỉ to bằng nắm tay. Trong lúc thương lái thu mua cam sành loại 2 – 3 trái/kg với giá 15.000 đồng/kg thì cam “nhỏ như chanh” của ông Quý chỉ bán được 3.000 đồng/kg. “Cuối cùng tui đành dùng thuốc 3B (ba búa chặt xong một gốc cam) để trị bệnh cho vườn cây, lỗ gần 100 triệu đồng tiền mua cây giống và công chăm sóc hơn ba năm trời”, ông Quý than.

Cải tạo xong miếng vườn, ông Thông, ở ấp 3, xã Trung An, Mỹ Tho mua 100 gốc quýt đường về trồng. Cơ sở cây giống cam đoan đây là giống quýt đường Cổ Cò nổi tiếng. Hai năm sau vườn cây cho trái đúng như cam kết, nhưng không phải quýt đường mà tất cả đều là… trái tắc! Khi ông Thông đến cơ sở sản xuất cây giống bắt đền, thì chủ cơ sở cây giống thách: “Cứ đi thưa đi. Ai làm chứng là ông mua cây giống của tui?”.

Những nạn nhân trên chỉ là một phần nhỏ của bi hài kịch mua nhầm giống cây ăn trái dỏm ở đồng bằng sông Cửu Long. Ông Đào Văn Châu, chánh thanh tra sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: “Khi đi kiểm tra gần như 100% cơ sở đều vi phạm các quy định về quản lý chất lượng giống cây trồng. Ở Tiền Giang hiện có 71 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây ăn trái nhưng đụng tới đâu vi phạm tới đó”. Cũng theo ông Châu, đến nay thanh tra nông nghiệp chưa hề xử lý trường hợp vi phạm nào trong lĩnh vực này vì… không thấy ai khiếu nại.

Ở “vương quốc cây giống Cái Mơn” thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, ông Lê Văn Bon, chủ cơ sở sản xuất cây giống ở xã Vĩnh Thành, cho biết cây giống của Cái Mơn đều “có chất lượng cao”. Nhưng sau khi các thương lái mua về gắn nhãn mác khác bán lại cho nhà vườn chất lượng ra sao thì… người sản xuất cũng không biết (!?).

Theo những người sản xuất cây giống ở Cái Mơn, đây là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận bởi chi phí sản xuất một cây giống chưa tới 3.000 đồng. Giá “xuất xưởng” bình quân 8.000 – 10.000 đồng/cây, nhưng tới tay nhà vườn có thể lên 15.000 – 20.000 đồng/cây.

Do lợi nhuận cao nên người sản xuất, kinh doanh cây giống bất chấp tất cả. Nhưng nhà vườn cũng có một phần lỗi của họ: ham mua cây giống không rõ nguồn gốc được thương lái chở đến tận vườn bán với giá rẻ nên lãnh đủ hậu quả khi cây giống kém chất lượng.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường