Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cây măng tây trên đất Củ Chi
16 | 08 | 2008
Cây măng tây được du nhập vào trồng tại Việt Nam từ những năm 60 – 70 tại Hà Nội và Lâm Đồng, đấy là giống măng tây trắng thích nghi vùng khí hậu ôn hoà, không thích hợp các vùng nắng nóng^ như TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2005, Công ty TNHH Cẩm Hon đã phối hợp với Trạm Khuyến nông Củ Chi - TPHCM trồng thử nghiệm 2 ha giống măng tây xanh tại các xã Phước Vĩnh An, Tân Phú Trung, Trung Lập Hạ, qui mô đầu tư 60 – 70 triệu đồng/ha bao gồm giống, phân bón, thuốc BVTV... Sau một năm, kết quả cho thấy, tỷ lệ sống đạt 60 - 70% và thu hoạch trên 100 kg măng/ha/ngày. Điều này khẳng định điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của vùng đất xám huyện Củ Chi thích hợp cho việc sinh trưởng và phát triển của cây măng tây xanh.

Giống măng tây xanh được trồng từ hạt, thời gian gieo trồng trong vườn ươm kéo dài 2,5 tháng, cây đạt chiều cao 25cm bắt đầu đem trồng ra ruộng sản xuất. Trước khi nhú khỏi mặt đất măng có màu trắng, mềm, khi mọc cao lên chúng biến thành màu xanh và phát sinh cành. Cây có thể cao từ 1,5 – 2 m, 6 tháng cho măng và thời gian thu hoạch kéo dài 5 - 10 năm. Sản phẩm của măng tây là đoạn thân non, có hàm lượng dinh dưỡng khá cao.

Nhằm thực hiện chủ trương của thành phố về chuyển đổi diện tích đất lúa năng suất thấp sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn, năm 2007 Trung tâm Khuyến nông TPHCM kết hợp với Công ty Cẩm Hon mở rộng diện tích trồng cây măng tây xanh với diện tích 4ha tại các xã Nhuận Đức, Trung Lập Hạ. Trung tâm đã đầu tư không thu hồi cho các hộ 100% giống và 50% vật tư, phân bón. Sau 8 tháng tỷ lệ sống đạt trên 70%, năng suất bình quân 100 kg măng/ha/ngày, giá loại 1: 24.000 đ/kg, loại 2: 15.000 đ/kg, doanh thu 400 triệu đồng/ha/năm. Điển hình có hộ ông Huỳnh Văn Thanh, ấp Lào Táo Trung, xã Trung Lập Hạ tham gia trồng 0,2 ha, mỗi ngày thu hoạch 25 kg măng, trị giá 500.000 đ. Với đà phát triển này, Trung tâm Khuyến nông TPHCM sẽ xây dựng dự án trồng măng tây thành vùng sản xuất hàng hoá 10 ha vào năm 2010 và 100 ha vào năm 2015 tại huyện Củ Chi, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của Công ty Cẩm Hoa.

Tại hội nghị sơ kết trồng cây măng tây vừa tổ chức tại UBND xã Nhuận Đức, bà Lê Hồng Hoanh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TPHCM nhấn mạnh, cây măng tây góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp thành phố, trọng tâm là chuyển đổi đất lúa năng suất thấp. Nông hộ tham gia cần lưu ý xuống giống kịp thời theo khuyến cáo của ngành khuyến nông, đất trồng không ngập nước vào mùa mưa, không thiếu nước vào mùa khô. Các hộ nên thành lập tổ hợp tác trồng măng tây, có quy chế, nội dung hoạt động rõ ràng. Hội nông dân các cấp hỗ trợ và hướng dẫn nông dân trồng măng tây có vốn sản xuất, vay theo chương trình 105 của thành phố, hỗ trợ lãi suất 6%/năm, nhanh chóng giúp nông hộ làm giàu từ cây măng tây...



Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường