Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sẽ thiếu... cá tra?
17 | 08 | 2008
Theo thông tin từ VASEP, đến giờ này con cá tra ở ĐBSCL sắp thoát khỏi cuộc khủng hoảng "đầu ra" kéo dài suốt mấy tháng qua. Nhưng dự báo chỉ cuối năm sẽ lại thiếu cá tra nguyên liệu do người dân đã kiệt sức không còn tiền nuôi nữa...
Ở Đồng Tháp, theo ước tính, tổng lượng cá quá lứa còn lại trên địa bàn chỉ khoảng dưới 10 ngàn tấn. Và phần lớn trong số này đã được các DN ký hợp đồng thu mua. Chính vì vậy, theo các DN chế biến thuỷ sản, từ giữa đến cuối tháng 8, số cá “quá lứa lỡ thì” nói trên ở Đồng Tháp sẽ cơ bản được thu mua hết.

Theo ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi & Chế biến Thuỷ sản An Giang, tình hình thu mua cá tra khá phức tạp. Do chi phí thức ăn và lãi suất tăng cao, nên phần lớn hộ nuôi cá tra Theo VASEP, trong 7 tháng đầu năm 2008, giá trị XK cá tra ước đạt khoảng trên dưới 750 triệu USD. Dự kiến trong 5 tháng còn lại của năm 2008, mỗi tháng, ngành thuỷ sản sẽ xuất khẩu được khoảng 100 triệu USD cá tra. Như vậy, cả năm nay, kim ngạch XK cá tra có thể đạt trên 1,2 tỷ USD, cao hơn 200 triệu USD so với năm 2007.

đang đẩy mạnh việc bán ra, từ cá quá lứa tới cá đúng lứa và cả cá còn nhỏ. Chính vì vậy, các DN đang thu mua theo kiểu cá vừa kích cỡ XK thì mua trước, cá quá cỡ mua sau. Tuy nhiên, đến giờ cá quá lứa cũng đã được các doanh nghiệp thu mua đạt 50-60%. Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP cho biết, tuy chưa thể đánh giá được chính xác số lượng cá tra quá lứa hiện còn ở các tỉnh ĐBSCL, nhưng theo thông tin từ các địa phương, đến cuối tháng 8 này việc tiêu thụ lứa cá tra cỡ lớn trong dân sẽ cơ bản được hoàn tất.

Tuy nhiên, giá cá tra hiện vẫn đang ở mức thấp, dưới giá thành. Ông Ba Thận, một nông dân nuôi cá tra ở Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết, giá cá tra nguyên liệu ở đây đang dao động từ 13.800-14.200 đ/kg. So với chi phí nuôi cá hiện nay, thì giá cá nói trên đang thấp hơn giá thành (khoảng 16.000 đ/kg) tới khoảng 2.000 đ/kg. Theo thông tin từ Sở NN- PTNT An Giang, giá cá tra ao thịt trắng do thương lái thu mua của nông dân, hiện chỉ ở mức từ 13.200-13.800 đ/kg. Cá tra ao thịt vàng giá còn thấp hơn nữa, từ 12.200-12.500 đ/kg. Còn theo phản ánh của một số nhà nông trên địa bàn tỉnh này, cá tra loại quá lứa hiện chỉ bán được từ 12.200-13.000 đ/kg. Cá tra đúng kích cỡ chế biến xuất khẩu thì có giá cao hơn, từ 14.000-14.200 đ/kg (cá loại 1).

Do thua lỗ triền miên trong mấy tháng qua, cộng với giá bán hiện giờ vẫn quá thấp, nên sau khi bán hết lứa cá tra trong ao, nhiều hộ nuôi cá ở ĐBSCL đang tạm ngưng thả nuôi lứa kế tiếp. Ở Đồng Tháp, theo đánh giá của Hiệp hội Thuỷ sản tỉnh, diện tích ao cá tra đang bị “treo” đã lên tới từ 10-15% tổng diện tích nuôi cá tra của toàn tỉnh. Riêng ở huyện Châu Thành, đã có trên 30% hộ nuôi cá “treo ao”. Bên cạnh đó, nhiều hộ cũng đang giảm mật độ thả nuôi mới.

Ông Phan Văn Danh cho biết, qua khảo sát thực tế của Hiệp hội Nuôi & Chế biến Thuỷ sản An Giang, hiện đã có khoảng 20-30% hộ “treo ao”, chủ yếu là những hộ có quy mô nuôi vừa và nhỏ. Ở các hộ lớn, vẫn còn điều kiện để tiếp tục thả nuôi, thì cũng chỉ thả giống một cách miễn cưỡng với mật độ thưa hơn hẳn so với trước đây. Với tình hình này, sản lượng cá tra ở An Giang trong những tháng cuối năm sẽ bị tụt giảm tới 20-30%.

Thời gian qua hàng trăm bè nuôi cá tra, ba sa ở An Giang đã được kêu bán để sẻ bán gỗ do con cá tra, ba sa liên tục rớt giá người nuôi thua lỗ nặng. Ông Nguyễn Văn Hải, ở ấp Đông Thạnh, xã Long Hòa, huyện Phú Tân cho biết, có 4 bè cá nuôi cá tra bằng gỗ căm xe và gỗ sao đang kêu bán giá 300 - 500 triệu đồng/bè. Được biết, trung bình một bè cá đóng 4 x 8 m giá từ 700-900 triệu đồng, còn bè 5 x 12 m giá 1,2 - 1,5 tỷ đồng/bè (thời điểm năm 2005).

Theo ông Hoè, do tình trạng “treo ao” khá nhiều nên trên toàn khu vực ĐBSCL, sản lượng cá tra nuôi vụ mới đang giảm xuống khá nhanh chóng. Đây là một mối lo ngại lớn về khả năng thiếu hụt nguyên liệu cá tra đúng kích cỡ xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, với việc giá các loại nguyên liệu TĂCN như đậu nành, bã dầu…đang giảm trên thị trường thế giới, VASEP hy vọng rằng nhiều hộ nuôi cá sẽ quyết định thả nuôi cá tra trở lại trong thời gian tới, nhất là khi giá cá nguyên liệu có thể sẽ tăng lên do thiếu hụt nguồn cung.

VASEP cho biết, những thị trường lớn của cá tra vẫn đang tiếp tục ăn hàng ổn định. Đặc biệt, một số thị trường đang có tốc độ tăng trưởng rất mạnh. Trong tháng 6 vừa rồi, XK cá tra sang Nga đã tăng tới 2.341,6% về lượng (đạt 9.132 tấn) và 2.185,5% về giá trị (14,357 triệu USD) so với cùng kỳ 2007, chiếm 82,6% giá trị XK thuỷ sản sang Nga. Nhờ sự tăng trưởng ngoạn mục của việc đưa cá tra vào Nga, mà Việt Nam đã vươn lên trở thành nhà XK đứng hàng thứ 4 vào thị trường này. Và ngược lại, Nga cũng trở thành khách hàng lớn thứ 6 của thuỷ sản Việt Nam. Tương tự, cũng trong tháng 6/2008, xuất khẩu cá tra sang Ukraina có mức tăng trưởng đột biến tới 1.459,9% về lượng (đạt 9.464 tấn) và 1.446,4% về giá trị (16,409 triệu USD).

Bên cạnh đó, một số sản phẩm từ cá tra cũng đang được tiêu thụ khá mạnh. Theo thông tin từ Cty CP Thuỷ sản Kiên Giang (Kisimex), hiện đang có nhiều khách hàng từ Malaysia, Singapore hỏi mua dầu cá tra với khối lượng lớn để về sản xuất dầu biodiesel. Trước đó, Kisimex đã ký được hợp đồng XK 1.000 tấn dầu cá tra sang Hàn Quốc. Nhiều công ty ở TP HCM đang đổ xô xuống ĐBSCL tìm mua dầu, mỡ cá tra để XK.




Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường