Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bớt nỗi lo toan cho vùng lúa gạo!
19 | 08 | 2008
“Trúng mùa thất giá” – cái suy nghĩ từ lâu đã “ăn” sâu vào nhận thức của người dân vùng đất châu thổ ĐBSCL - nơi vốn được mang danh là “vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây” của cả nước. Khi cả vùng chưa thoát khỏi “cơn khủng hoảng thừa cá” kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7, thì tháng 8 này lại gồng mình lên trước nguy cơ khủng khoảng thừa lúa gạo.
Dẫu cho đại diện Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã cam kết mua 200.000 tấn với giá 5.000đ/kg và Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngành ngân hàng thu xếp hàng chục ngàn tỷ đồng để “đối phó” với cơn khủng hoảng. Nhưng…

“Ngóng” lãi… đỏ con mắt

Bước qua đầu tháng 8 này, khi diện tích thu hoạch đạt gần 90% diện tích gieo sạ, nhiều dấu hiệu báo hiệu một vụ thu hoạch trúng lớn cũng không thể khiến bà con nông dân yên lòng. Với giá đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao trong thời gian qua, các chuyên gia tính toán, khoản lãi thu được từ đồng lúa phải được 40% thì nông dân mới đủ trang trải. Nỗi lo càng nhân lên khi giá lúa gạo trong nước và quốc tế thời điểm đầu tháng 8 liên tục “rớt” mạnh. Thậm chí nhu cầu mua cũng giảm đi. Bà con nông dân mới chỉ tạm yên lòng khi tối ngày 7/8 vừa qua, trên truyền hình, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ phải “đảm bảo cho người trồng lúa có mức lời 40% trở lên”, thì ai cũng nuôi hy vọng.

Tuy nhiên, để đảm bảo mức lãi cho nông dân như Thủ tướng đã yêu cầu, doanh nghiệp phải có tính toán rõ ràng, nhất là trong thời điểm giá lúa gạo trên thế giới vẫn giảm, lãi suất ngân hàng vẫn cao. Theo giáo sư Võ Tòng Xuân – người đã gắn bó với nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long từ những năm 1980 tính toán thì, nếu đạt được mức lời lãi 25% đã là quý lắm rồi. Bởi theo ông, chi phí để nông dân sản xuất ra 1 kg thóc ít nhất là 3.400 đồng. Tuy nhiên, gặp phải lúc sâu bệnh, mất mùa, nông dân phải sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, phân bón... thì giá thành sản xuất 1 kg lúa có thể đội lên đến 5.300 đồng. Hiện giá lúa tại ĐBSCL dao động từ 4.200 - 4.500đ/kg (cá biệt một số nơi chỉ bán được 3.200 - 3.500đ/kg lúa). Với mức giá này, dù đang chuẩn bị sản xuất vụ ba nhưng nhiều nông dân đã hoãn kế hoạch sản xuất, thậm chí một số nông dân còn khẳng định sẽ không tiếp tục làm nữa, bởi không có lời. Giáo sư nói: Một thói quen bất di bất dịch ở nông thôn là từ khi nông dân bắt đầu sử dụng phân bón vào sản xuất và trồng giống lúa cao sản từ năm 1968 tới nay, họ thường quy đổi giá 1 kg urê = 2 kg lúa. Giá 1 kg urê hiện nay là 10.000 đồng. Như vậy, giá 1 kg lúa phải là 5.000 đồng. Nếu doanh nghiệp nâng giá thu mua lúa lên mức trên, ở mức chi phí sản xuất 3.400đ/kg, nông dân sẽ được lãi khoảng 34%, vẫn chưa đạt mức 40% như chỉ đạo của Thủ tướng. Còn ở mức chi phí 5.300 đồng/kg lúa, nông dân sẽ bị lỗ. Nếu xét trên góc độ thương trường, đầu tư ở bất kỳ lĩnh vực nào, trong đó có trồng lúa, chỉ cần có lời 25% là đã rất khả quan”. Trên cơ sở tính toán này, ông cho rằng mức lãi tốt đa mà nông dân có thể nhận được chỉ khoảng 34%.

Đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và nông dân

Để doanh nghiệp và nông dân không phải lo lắng thì cần phải có sự điều hành đồng bộ, kịp thời giữa mối liên kết ba bên (quản lý đất đai, điều hành sản xuất và xúc tiến, điều hành xuất khẩu). Một quan chức tỉnh vùng sâu – nơi mà cây lúa vẫn làm đầu cơ nghiệp - tại hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ cá basa đã “kéo” cử tọa quay về quyết định 80 và quyết định 266 của những năm 90, mà rằng: Với những gì “tiên liệu” trong nội dung các quyết định đó, đáng ra, việc tiêu thụ sản phẩm cho nhà nông và doanh nghiệp Việt Nam đã hết lo. “Vậy sao chúng ta cứ luẩn quẩn ?”!

Theo vị giáo sư nông học từng là “ông nghị” ở thập kỷ 90, thì cách tốt nhất để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường và cho người dân đảm bảo yên tâm sản xuất là: Nên lập các tập đoàn sản xuất lúa!

Theo ông, để bảo đảm lợi ích cho cả đôi bên, người trồng lúa và doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu, trước mắt Chính phủ nên thiết lập một hệ thống giá sàn thống nhất. Về lâu dài, hoạt động của mô hình này phải theo quan hệ cung–cầu. Nếu nguồn cung quá nhiều, chắc chắn giá sẽ giảm và ngược lại. Vì thế, Chính phủ cần có kế hoạch chủ động nguồn cung nhưng nên ở mức độ vừa phải để giữ giá cho nông dân. Hơn nữa, hệ thống phân phối và cơ chế thu mua lúa gạo hiện nay còn rất nhiều bất hợp lý. Hầu hết các công ty quốc doanh đều thu mua thông qua thương lái. Trong tương lai, chúng ta nên có kế hoạch tổ chức lại nông dân, thành lập những tập đoàn trồng lúa, các hợp tác xã, đơn vị sản xuất gắn với các công ty xuất khẩu lương thực. Các công ty này phải vươn ra thị trường, có quyền lấy mối, đặt hàng mà không bị lệ thuộc vào các Tổng công ty lương thực. Đồng thời, bảo đảm cho cả lợi ích của người trồng lúa và doanh nghiệp.

Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu cũng không nên mua lúa, gạo trôi nổi trên thị trường, tránh việc mua đại trà, trộn lẫn quá nhiều loại gạo, dẫn đến không thể nào xây dựng được thương hiệu. Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải tự thiết lập những vùng nguyên liệu, dựa trên việc tổ chức các tập đoàn sản xuất lúa nói trên, trồng cùng một giống lúa, theo quy trình hiện đại, tạo ra những vùng nguyên liệu lớn, chất lượng cao. Đây là cách duy nhất để tạo ra thương hiệu cho gạo xuất khẩu.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường