Đến dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Càn Văn và hơn 800 đại biểu của Việt Nam và Trung Quốc.
Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Sở Hợp tác Kinh tế đối ngoại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) phối hợp thực hiện. Hội thảo là dịp để hai bên học tập, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế xã hội; tăng cường mối liên hệ giữa Quảng Đông với chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam; đi sâu tìm hiểu những lĩnh vực và cách thức thích hợp để đẩy mạnh hợp tác, tăng cường tình hữu nghị và sự tin cậy lẫn nhau.
Hơn 250 doanh nghiệp Trung Quốc nổi tiếng trong gần 20 ngành nghề ở Quảng Đông như: viễn thông, đồ điện, dệt may, công nghiệp nhẹ, cơ khí, xây dựng… đã đến tham dự Hội thảo, hy vọng có thể hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp Việt Nam.
Quảng Đông là tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất Trung Quốc, GDP năm 2007 đạt hơn 400 tỷ đô la. Vài năm trở lại đây, quy mô hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và thương mại giữa Quảng Đông - Việt Nam không ngừng mở rộng. Năm 2007, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Quảng Đông- Việt Nam đạt 2,45 tỷ đô la, tăng 53% so với năm 2006, tốc độ tăng trưởng cao hơn 32,7% so với mức tăng chung của kim ngạch xuất nhập khẩu ở Quảng Đông là 20,3% (chiếm gần 1/6 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa nội địa Trung Quốc - Việt Nam).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận xung quanh việc Quảng Đông sẽ hợp tác với Việt Nam dựa trên nguyên tắc ưu đãi nhanh, cùng có lợi và được thể hiện trên 5 phương diện:
Một là, ủng hộ các doanh nghiệp Quảng Đông đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, giao thông, viễn thông… của Việt Nam; tích cực khai thác và hợp tác sâu về năng lượng, khoáng sản, nông sản…
Hai là, tiếp tục tăng thêm nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng có hợi thế so sánh của Việt Nam.
Ba là, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm du lịch của Việt Nam, khuyến khích du khách Quảng Đông sang Việt Nam.
Bốn là, Trung Quốc sẵn sàng chào đón Việt Nam sang triển khai đầu tư, mậu dịch và tham quan du lịch.
Năm là, đi sâu hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hoá, giáo dục, xã hội…; học hỏi kinh nghiệm thành công trong đổi mới mở cửa, ngăn ngừa và khắc phục nguy cơ tài chính tiền tệ của Việt Nam.
Trong sáng nay, một số dự án hợp tác đầu tư và mậu dịch đã được ký kết. Buổi chiều, các nhà doanh nghiệp sẽ gặp nhau theo từng ngành nghề.