Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đắc Lắc: Định hướng SX cà phê theo tiêu chí của thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột”
15 | 09 | 2008
Đắc Lắc là tỉnh có diện tích, sản lượng cà phê lớn nhất nước, với tổng diện tích cà phê trên 180.000 ha, trong đó có 178.000 ha kinh doanh cho thu hoạch, sản lượng mỗi năm đạt từ 400.000 đến 450.000 tấn cà phê nhân, chiếm trên 40% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của cả nước.
Những năm gần đây, tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn cho bà con nông dân các dân tộc có trồng cà phê thực hiện nhiều biện pháp thâm canh để đạt năng suất, sản lượng cà phê cao. Đặc biệt, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đứng chân trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo thành công hàng chục giồng cà phê mới có năng suất, chất lượng, kháng bệnh rỉ sát cao đưa vào sản xuất đại trà trên đại bàn cả nước nói chung và Đắc Lắc nói riêng. Viện đã chọn lọc, lai tạo thành công 9 giống cà phê vối, 10 con lai F1 đối với giống cà phê chè đều cho năng suất từ 4,2 đến 7,3 tấn cà phê nhân/ ha, kháng bệnh rỉ sắt, quả tròn, nhân to đảm bảo chất lượng cà phê xuất khẩu. Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã phối hợp với các cơ quan khuyến nông khuyến cáo cho bà con nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật nông học tiết kiệm chi phí sản xuất, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây cà phê nhằm giảm thiểu nguy cơ gây hại môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê. Trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều tập đoàn cà phê lớn trên thế giới thực hiện các dự án “ Khuyến khích sản xuất cà phê bền vững” tại một số vùng sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh như Krông Pách, Cư M'Gar, Krông Búk.

Định hướng sản xuất cà phê của tỉnh Đắc Lắc từ nay trở đi theo tiêu chí của thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột”, ổn định về năng suất, sản lượng, chất lượng gắn chặt giữa phát triển kinh tế với xã hội, văn hoá, du lịch và môi trường. Tỉnh duy trì diện tích cà phê ổn định khoảng 140.000 ha trong vùng sinh thái thuận lợi để thâm canh tăng năng suất đưa sản lượng đạt 400.000 tấn cà phê nhân/ năm trở lên, kiên quyết chuyển đổi thay thế cây trồng khác đối với những khu vực trồng cà phê không đủ nước tưới, có độ dốc trên 15 độ, sản xuất kém hiệu quả.

Niên vụ cà phê 2008-2009, Đắc Lắc chỉ đạo các doanh nghiệp, các nông hộ chỉ được thu hái khi cây cà phê có từ 90% quả chín trở lên, có cơ chế chính sách tài chính về giá cả phù hợp đối với việc thu mua cà phê quả chín, chất lượng tốt để kịp thời động viên người sản xuất thực hiện đúng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Phát triển công nghệ chế biến được coi là nhiệm vụ quan trọng tiến trình cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần để cà phê Đắc Lắc đạt tiêu chuẩn quốc tế.





Nguồn: tinthuongmai.vn
Báo cáo phân tích thị trường