Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khi DN bán môi trường để làm ăn
29 | 09 | 2008
Tai mắt của dân ở khắp nơi, chỉ cần chịu nhìn và lắng nghe, từ đó trao quyền cho dân hành động và hành động đúng. Làm được điều đó, có lẽ những vụ việc như Hyundai Vinashin, Vedan đã không xảy ra hoặc nếu có đã được phát hiện và xử lý sớm hơn.
Khi DN bán môi trường để làm ăn

Dư luận chưa nguôi công phẫn trước việc Hyundai - Vinashin lén chôn chất thải chưa qua xử lý ra khu dân cư, trong khi chưa xử lý xong vụ đổ hạt nix làm phá hủy môi trường sống ở Khánh Hòa thì tới tuần qua, những bất bình lại bùng lên khi cảnh sát môi trường lập chiến tích "bắt quả tang" Vedan lắp đặt hệ thống đường ống bí mật để xả nước thải không qua xử lý xuống sông Thị Vải, mà càng kiểm tra càng thấy nhiều vi phạm.

Biện minh rằng chưa hiểu pháp luật VN, nhưng với cách đối phó tinh vi của Vedan, có vẻ như DN này quá hiểu và quá biết cách lách luật. Hệ thống van và đường ống xử lý chất thải đã được thiết kế để đối phó với yêu cầu môi trường của VN đồng thời tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng mỗi ngày nếu trốn xử lý chất thải. Theo kiểm tra, hệ thống van và đường ống lách luật của Vedan không chỉ có một, và hành vi vi phạm của DN này "mang tính hệ thống, có tổ chức và kéo dài".

Tin, bài liên quan

>> Hyundai Vinashin, những cái mất lớn và những nhân vật vắng tiếng

>> Đóng cửa Huynhdai - Vinashin nếu tiếp tục gây ô nhiễm

>> Chi phí môi trường có thể tiêu hết thành quả tăng trưởng!

>> Môi trường Việt Nam: Đợi nhà cháy mới dập lửa

Hoạt động 14 năm qua, nhà tiêu thụ chính nông sản ở Đồng Nai, Long An - Vedan đã biến thành thủ phạm "bức tử" sông Thị Vải, biến dòng sông trong xanh, hiền hòa này trở thành dòng sông chết. Không chỉ đe dọa sinh kế của những người dân sống nhờ dòng sông Thị Vải, nước thải từ Vedan và KCN Gò Dầu đã làm ảnh hưởng đến những sinh hoạt đời thường của người dân. Những cái giếng sâu 25 mét chỉ dùng được vài tháng đã đỏ quạch, hôi thối...

Trên mảnh đất VN nhiều sông, suối, hồ đầm, chắc chắn, Thị Vải không phải là nạn nhân duy nhất, khi những KCN mọc lên như nấm sau mưa, khi VN chưa học được cái nói không với những dự án đầu tư ô nhiễm.

Thực tế, những vụ vi phạm lớn được phát giác gần đây đều gắn với những DN "tên tuổi", thuộc làng đại gia trong các DN VN - (Hyundai-Vinashin là sản phẩm hợp tác của hai tập đoàn lớn của hai nước Việt Nam, Hàn Quốc. Vedan là DN sản xuất bột ngọt đến từ Đài Loan, từ lâu đã có mặt và chiếm lĩnh thị trường VN). Lục lại hồ sơ khiến người ta giật mình vì hóa ra bấy lâu nay, tên tuổi, danh tiếng và sự giàu có của DN được đánh đổi bằng hy sinh môi trường sống của VN. Nói cách khác, các DN này đã "bán" môi trường VN để làm ăn và thu lợi.

Chưa được chỉ mặt, đặt tên, nhưng sẽ còn không ít những "đại gia" góp mặt vào "sổ đen" của lực lượng cảnh sát môi trường.

Nhà đầu tư đến rồi đi, vì tiêu chí lợi nhuận. Ai dám chắc khi nguyên liệu đầu vào của VN không còn đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, vì chính cách họ tận dụng và tận diệt môi trường sống, họ sẽ không lặng lẽ rời VN, tìm kiếm một đất lành khác, cũng đang cần người tiêu thụ, cũng đang cần tăng trưởng, sẵn sàng mở cửa rộng chào đón như VN đã làm? VN sẽ trở lại đối diện với thực tế trở thành bãi rác từ lúc nào vì chạy theo số lượng tăng trưởng, chạy theo "nét mặt hân hoan của người dân ở những vùng được Vedan tiêu thụ giùm nông sản". Mối nguy trở thành một Mexicô thứ hai cận kề trước mắt.

Chính quyền: "nghĩ" và "lo ngại"?

Thực ra, việc Vedan lén xả chất thải vào ban đêm đã bị "tố" từ rất lâu. Nếu như ở Hyundai - Vinashin, người dân vắng tiếng, thỏa hiệp với DN vì mưu sinh, thì tại Đồng Nai, khu vực người dân chịu ảnh hưởng, người dân đã lên tiếng và lên tiếng nhiều lần.

Từ tháng 10/1994 đến tháng 3/1995, ngư dân ở các huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), Tân Thành (BRVT) đã kêu cứu vì sông Thị Vải bị ô nhiễm làm chết tôm cá. Sau đó, Vedan đã đền bù cho dân hàng chục tỉ đồng.

Ngay mới đây (ngày 6/8/2008) trong cuộc kiểm tra của đoàn liên ngành do Sở TNMT tỉnh Đồng Nai chủ trì làm việc về đơn kêu cứu của CBCNV Cty cảng Đồng Nai, ông Phạm Văn Quyền (Phó Tổng GĐ Cty) đã tố cáo: "Cứ vào khoảng 3h đêm, cống thải của Vedan mới bắt đầu thải ra. 3h đêm, nếu ngủ ở khu vực này, trùm mền rồi vẫn còn ngửi thấy mùi thối. Tôi còn biết Vedan còn có riêng một con tàu chuyên chở chất thải nói ra biển đổ nhưng mà ai kiểm tra tàu đó đổ chất thải ở đâu? Còn không khí thì ở đây có ống khói của Vedan, của một số Cty khác, ô nhiễm kinh khủng, đến các mái tôn cũng bị thủng".

Hệ thống ống chằng chịt, trong đó có nhiều đường ống ngầm xả thẳng nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải.


Tuy nhiên việc xử lý của cơ quan chức năng Đồng Nai, lại đúng như lời nhận định "chua chát" của ông Phạm Văn Quyền: "Họp nhiều quá rồi, nhiều đoàn kiểm tra lắm rồi. Nhưng sau đó vẫn chưa làm mạnh với các DN thải nước chưa qua xử lý ra sông. Sinh vật chết hết, còn con người sống quanh sông phải chịu mùi hôi thối, đến bao giờ mới giải quyết được?" (DĐDN)

Khi vụ việc vi phạm vỡ lỡ, người ta đặt vấn đề với những người có trách nhiệm ở cấp địa phương, những người trực tiếp cấp phép và quản lý hoạt động của Vedan thì câu trả lời chủ yếu được bắt đầu bằng "chúng tôi nghĩ", "chúng tôi lo ngại"...

Trước khi cấp phép, địa phương "lấy mục tiêu tiêu thụ nông sản là chính... cũng nghĩ đến môi trường nhưng cho rằng Vedan là công ty lớn, không lẽ họ đánh đổi thương hiệu bằng hành vi hết sức ngờ nghệch như vậy" - (lời phân trần của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Ao Văn Thinh)

Khi sai phạm xảy ra, người dân lên tiếng kêu cứu, câu trả lời nhận được là "có một nguyên tắc là bộ Tài nguyên môi trường chưa có văn bản chính thức thì địa phương sẽ chưa có hành vi gì cả".

Ngay cả việc trong thẩm quyền của địa phương là "đình chỉ hoạt động của DN" thì đến nay, tỉnh vẫn "chờ ý kiến chính thức từ Bộ thì mới có thể quyết định".

Một phần như ông Thinh thừa nhận, rằng "năng lực địa phương trong quản lý môi trường còn yếu", nhưng phần lớn hơn chính là cơ chế hành động và trách nhiệm không rõ ràng khiến cho trái bóng trách nhiệm cứ chạy quanh mà không có cú sút dứt khoát cuối cùng. Những Hyundai - Vinashin, những Vedan... cứ điềm nhiên hoạt động, điềm nhiên tận dụng tài nguyên VN để sinh lời.

Trong khi đó, "nhiều tỉnh thành thu hút nhiều FDI nhưng sự thu hút giống như cho mượn địa điểm cho người ta làm ăn, không có tác động thúc đẩy kinh tế địa phương, quốc gia" (lời của ông Trần Đức Nguyên, nguyên thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng khi tiến hành khảo sát về các dự án FDI trong cả nước). Dù không thúc đẩy kinh tế địa phương, nhưng những con số đầu tư của những Hyundai - Vinashin, những Vedan... bao nhiêu năm qua vẫn được tính hết vào con số tăng trưởng GDP của địa phương của quốc gia.

Trung Quốc từng ước tính, để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, quốc gia này mỗi năm phải tiêu tốn khoản tương đương 5-6% GDP. Nếu trừ cả những đóng góp ảo của các dự án đầu tư không hiệu quả, có lúc, con số tăng trưởng của mức này có thể về số âm. Nhìn vào thực tế Trung Quốc mà giật mình về câu chuyện Việt Nam hiện nay.

Trên SGTT ngày 19/9, nhà báo Huy Đức đặt câu hỏi: "Tại sao các thiết chế chính trị xã hội hiện thời đã vận hành "liên tục" nhưng những Hyundai - Vinashin, những Vedan vẫn có thể hoành hành? Tại sao chính Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường biết rằng "dự báo năm 2050" sông Thị Vải sẽ chết hẳn", nhưng chính quyền vẫn không có một quyết tâm rõ ràng để đóng cửa hoặc buộc các nhà máy như Vedan phải tuân thủ nghiêm pháp luật?".

Trao quyền cho dân hành động

Những vướng víu, ràng buộc của cơ chế và tính trì trệ cố hữu của bộ máy cản trở một sự phản ứng mau lẹ và hiệu quả từ cơ quan công quyền, nhất là khi luật pháp VN còn những kẻ hở và quy trình chia vai - chia trách nhiệm của VN chưa thật rõ ràng. Nguyên tắc tự cứu nên được áp dụng.

Đã có những lúc, người dân với bản năng sống và trách nhiệm xã hội, đã tự phát tập hợp với nhau, và hành động. Bức xúc về tình trạng gây ô nhiễm nặng nề từ các nhà máy chế biến đầu vỏ tôm, tại Cà Mau, năm 2006, người dân từng tổ chức đập phá và ngăn không cho hai nhà máy hoạt động. Cùng thời điểm khi vi phạm của Vedan bị phát giác, người dân ở tỉnh Cà Mau cũng tụ tập trước cửa nhà máy chế biến đầu vỏ tôm, ngăn không cho công ty này nhập hàng, đòi phải có một cam kết về xử lý chất thải...

Đoàn người dựng cả lán trại để ngăn chặn công ty nhập hàng vào chế biến.


Những người dân đang "chết" theo những dòng sông như Thị Vải đã và đang lên tiếng, cần được trao quyền cho họ hành động, đại diện cho lợi ích của mình, theo luật. Những hội bảo vệ môi trường như Hòa bình xanh... của VN cần được trao quy chế ra đời và hoạt động, phi lợi nhuận, phi chính phủ và vì lợi ích cộng đồng.

Không thể chỉ trông chờ vào "trách nhiệm xã hội của DN", cần có những nhóm tiếng nói đủ mạnh để đại diện cho lợi ích của những người bị tổn thương. Hiệp hội các nạn nhân dioxin Việt Nam đã đại diện cho các nạn nhân da cam VN đứng ra kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ. Có không ít các luật sư VN từng đứng ra nhận làm đại diện bào chữa cho những người nghèo. Đã đến lúc họ cùng "lao tới, tạo sức mạnh xã hội, sức mạnh của dân" buộc các DN như Vedan chịu trách nhiệm.

Thay vì để dân hành động tự phát, đã đến lúc nhà nước cần tính đến một cơ chế để người dân có thể lên tiếng mạnh mẽ và hành động dứt khoát để xử lý những vi phạm của DN này, bên cạnh việc hỗ trợ các cơ quan công quyền phát giác những vi phạm, để xử lý sớm.

Như PGS - TS Nguyễn Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Tp. HCM nói trên Tuổi trẻ, việc tính toán, đánh giá thiệt hại đã, đang và sẽ xảy ra với môi trường, sản xuất và đời sống của người dân là khả thi và là cơ sở để các nạn nhân đưa ra yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Hội Nông dân thành phố HCM sẵn sàng đại diện cho nông dân có những yêu cầu cụ thể.

Nhưng cũng giống như bài học từ Asopos, con sông được tôn làm thần thánh ở Hy Lạp, cho dù 20 công ty vi phạm đã bị phạt với tổng số tiền lên tới 2 triệu USD, thì sự sống của gần 200 người đã vĩnh viễn tước đi vì nguồn nước độc hại này. Sẽ cần những nhóm đại diện cho lợi ích của người dân đưa ra những phản biện và giám sát cho những báo cáo về môi trường của các dự án đầu tư.

Tai mắt của dân ở khắp nơi, chỉ cần chịu nhìn và lắng nghe, từ đó trao quyền cho dân hành động và hành động đúng. Làm được điều đó, có lẽ những vụ việc như Hyundai Vinashin, Vedan đã không xảy ra hoặc nếu có đã được phát hiện và xử lý sớm hơn, nhất là khi người dân đã thấy cơ sở vững chắc để tin rằng nếu muốn, VN có thể làm được và làm nghiêm với những DN "đầu độc sự sống" của VN, từ thành tích của lực lượng cảnh sát môi trường mới thành lập...



Nguồn: www.tuanvietnam.net
Báo cáo phân tích thị trường