Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kích thích tiềm năng công nghiệp nhựa và cao su
07 | 10 | 2008
Từ ngày 21-23/10/2008, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Tp. HCM (HIECC) sẽ diễn ra Triển lãm quốc tế Nhựa & Cao su Việt Nam. Đây là lần thứ 2 Plastics & Rubber tổ chức ở Việt Nam và được coi là sự kiện thương mại thích hợp, đúng lúc có tác dụng kích thích thêm sự phát triển lĩnh vực công nghiệp nhựa và cao su đang trên đà tăng trưởng.
Đòi hỏi khách quan

Cùng với những thành tựu kinh tế của đất nước, công nghiệp nhựa và cao su Việt Nam những năm qua đã phát triển với qui mô ngày càng mở rộng, nhu cầu đầu tư gia tăng.

Với ngành nhựa, mục tiêu đang phấn đấu là đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18-20%/năm từ nay đến 2010, trở thành một ngành kinh tế mạnh vào năm 2010 với tổng sản lượng đạt 4.200.000 tấn các sản phẩm chủ yếu (bao bì, vật liệu xây dựng, nhựa gia dụng, nhựa kỹ thuật cao). Các chuyên gia hoạch định chiến lược cho rằng, ngành nhựa cần phải sử dụng tối đa nguyên liệu sản xuất trong nước, ứng dụng công nghệ vật liệu mới, phát triển sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng hoá về chủng loại, mẫu mã, nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng sản lượng xuất khẩu, tăng nguồn thu cho ngân sách, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới... mới có thể hoàn thành mục tiêu đề ra. Từ nay đến năm 2010 ngành nhựa cần phải thực hiện tốt 3 chương trình trọng điểm là phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu; sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao và sản phẩm nhựa xuất khẩu; phát triển công nghiệp xử lý phế liệu, phế thải ngành nhựa.

Đối với cao su, việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã mang lại những ảnh hưởng tích cực và tạo ra điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, thu hút đầu tư, tiếp thu công nghệ; các doanh nghiệp cao su Việt Nam có cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm cao su có giá trị cao, chuyển đổi thị trường. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phát triển mạnh cũng đang làm tăng giá trị cho ngành cao su, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm có giá trị kinh tế. Với lợi thế đó, định hướng của ngành cao su Việt Nam tới năm 2010 là nâng diện tích trồng cao su lên 700.000 ha (gấp 1,5 lần hiện tại), sản lượng đạt 520.000 tấn mủ, phát triển sản xuất cao su công nghiệp, xuất khẩu cao su thành phẩm kết hợp với cao su nguyên liệu ... Theo đó, ngành cao su phải đa dạng hoá sản phẩm, phát triển sản xuất chế biến, thay đổi cơ cấu ngành hàng, thay đổi cấu trúc sản xuất để khai thác triệt để thế mạnh, tăng cường năng lực cạnh tranh, ưu tiên đầu tư và phát triển các sản phẩm có giá trị cao, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, marketing, lựa chọn và tiếp thu công nghệ, đào tạo nâng cao chất lưọng nguồn nhân lực...

Có thêm cơ hội

Để đạt được mục tiêu đề ra, việc tiếp cận với công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại, hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết với các đối tác trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh... là hướng đi cần thiết đối với các doanh nghiệp nhựa và cao su. Không có gì thuận lợi hơn là có được cơ hội ấy ngay tại đất nước mình thông qua Plastics & Rubber Vietnam 2008.

Plastics & Rubber Việt Nam 2008 sẽ trưng bày các công nghệ tiên tiến cũng như các cơ hội phát triển sản xuất nhựa và cao su của Việt Nam và khu vực phục vụ các lĩnh vực không gian vũ trụ, ô tô, cơ khí chính xác, điện và điện tử, đồ gỗ, thuốc và chăm sóc sức khỏe, đồ dùng gia đình, bao bì, hàng hóa thông thường, xây dựng... Thông qua Plastics & Rubber Vietnam 2008, các nhà thầu và thầu phụ sản xuất Việt Nam cũng có thể tiếp cận được với những công nghệ mới về đóng gói bao bì, cơ khí chính xác... phục vụ sản xuất, kinh doanh của mình. Đây là triển lãm thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia nhất, lớn nhất về công nghệ và nguyên phụ liệu nhựa và cao su tại Việt Nam góp phần kích thích, làm gia tăng qui mô sản xuất, tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm từ nhựa và cao su cho Việt Nam và các nước lân cận. Song song với Plastics & Rubber Vietnam 2008 sẽ có hội thảo chuyên đề trao đổi về ý tưởng, công nghệ tiên tiến, hệ thống kinh doanh giữa nhà đầu tư và các ngành sản xuất liên quan.

Được biết, năm 2007, Plastic & Rubber lần đầu tiên đã được Công ty Tổ chức Triển lãm VCCI phối hợp với các nhà triển lãm quốc tế tổ chức thành công tại Việt Nam đã quy tụ 115 công ty từ 20 quốc gia, trong đó có các nước và vùng lãnh thổ có trình độ phát triển máy móc, công nghệ sản xuất nhựa và cao su cao như Áo, Cộng hòa Séc, Singapore, Đài Loan và Thái Lan... tham dự, thu hút 5.785 khách là doanh nhân đến từ 35 quốc gia tham quan, trao đổi các cơ hội hợp tác kinh doanh.

Thực tế, ngành nhựa và cao su Việt Nam đã tạo được vị thế đáng kể ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Đầu tư vào lĩnh vực chế biến nhựa, cao su và đóng gói bao bì tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Trong sự nỗ lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, Chính phủ đã hỗ trợ phát triển và mở rộng thêm các khu công nghiệp đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, trong đó có sản xuất nhựa và cao su. Lĩnh vực nhựa và cao su Việt Nam hiện đang thu hút sự quan tâm cao của các nhà sản xuất máy móc, công nghệ trên thế giới. Trên 170 doanh nghiệp đến từ 21 quốc gia đăng ký tham dự Plastics & Rubber Vietnam 2008 đã chứng minh cho nhận định vừa nêu.




Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường