Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhập khẩu vật tư nông nghiệp tăng mạnh
10 | 11 | 2008
Theo báo cáo “Thương mại nông sản Việt Nam sau hai năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)” của Trung tâm Thông tin nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agroinfo), đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu, tác động của việc Việt Nam gia nhập WTO nhiều hay ít tùy thuộc vào từng ngành hàng và từng thị trường.
Xuất khẩu chưa có sự bứt phá

Có mặt hàng không chịu ảnh hưởng nhiều bởi việc gia nhập WTO như gạo (do chủ yếu được thực hiện theo các hợp đồng chính phủ tới hầu hết thị trường chính của mặt hàng này).

Có mặt hàng bị giảm kim ngạch xuất khẩu nhưng chỉ với một số thị trường chính nhất định trong khi xu hướng chung vẫn giữ được mức tăng trưởng như hạt điều (với thị trường Úc), chè (với thị trường Bồ Đào Nha).

Có mặt hàng bị giảm tăng trưởng với hầu hết các thị trường chính sau khi Việt Nam gia nhập WTO như mật ong, rau, hạt tiêu.

Trong khi đó, cũng có các mặt hàng có sự tăng trưởng khá sau khi Việt Nam gia nhập WTO như cà phê, hạt điều, chè, trái cây, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Như vậy, thị trường xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu không có nhiều thay đổi sau khi Việt Nam gia nhập WTO, chỉ một số ít mặt hàng đã mở rộng được thị trường trong khi cũng có mặt hàng bị thu hẹp thị trường.

Tương tự là cơ cấu thị trường. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu trước đây vẫn duy trì được tỷ trọng trong cơ cấu chung.

Nhập khẩu vật tư nông nghiệp tăng cao

Giá trị nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng vật tư và nguyên liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp và một số mặt hàng nông sản thực phẩm đã tăng mạnh hơn sau khi Việt Nam gia nhập WTO (như phân bón, thuốc trừ sâu, dầu mỡ động thực vật). Tuy nhiên, cũng có một số loại nông sản nhập khẩu đã giảm mức tăng trưởng nhập khẩu so với trước khi Việt Nam gia nhập WTO như trái cây, rau.

Cơ cấu thị trường nhập khẩu nhìn chung không có nhiều thay đổi, trừ các mặt hàng như thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, rau (nhưng sự thay đổi này cũng không lớn lắm).

Đối với những mặt hàng vật tư, nguyên liệu nông nghiệp cũng như nông sản, nhìn chung việc cắt giảm thuế quan theo cam kết WTO trong hai năm vừa qua không ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch nhập khẩu, bởi phần lớn những mặt hàng này cũng thuộc phạm vi cam kết của Việt Nam với một số hiệp định thương mại khác, cụ thể là CEPT. Trong khi đó, mức cắt giảm thuế quan của Việt Nam trong CEPT cao hơn so với cam kết WTO. Thực tế, biến động của những mặt hàng này cũng đến từ các thị trường mà quan hệ với Việt Nam được điều chỉnh bởi CEPT, chứ không phải từ những cam kết về thuế của Việt Nam khi gia nhập WTO.

Chỉ có biến động của mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa là có sự ảnh hưởng của các cam kết WTO do các thị trường nhập khẩu chủ yếu mặt hàng này, như New Zealand, Hoa Kỳ, Úc, Hà Lan đã tận dụng được cơ hội cắt giảm thuế quan của Việt Nam theo cam kết để tăng giá trị xuất khẩu của họ vào thị trường Việt Nam.


Tin đã được đăng tại:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/11504/



Ngô Vi Dũng - Agroinfo
Báo cáo phân tích thị trường