Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Làm lớn thua lớn, làm bé thua bé"
12 | 11 | 2008
Nhìn cảnh nông dân “một năm làm 60 ngày, chơi 300 ngày”, nhiều người nói nông dân đang lười đi. Nhưng nông dân lại bảo, họ đang phải lẽo đẽo theo một câu chuyện muôn thuở của cơ chế: Ruộng nhỏ, sản xuất manh mún, đầu vào cao hơn đầu ra, làm nông nghiệp không nuôi nổi bản thân, càng làm càng lỗ, cực chẳng đã đành phải ngồi chơi...
>> Nông dân đang sống như thế
>> Bài 2: Trông chờ ''lương thành phố''
>> Bài 3: Những xáo trộn, lo âu...

Càng làm, càng thua...

Tiếp tục tìm hiểu nông thôn vùng ĐBSH khi vụ mùa vừa đến. Những gia đình khá giả và nhiều ruộng chạy đôn chạy đáo khắp làng trên xóm dưới tìm thuê người gặt. “Qua bao nhiêu mối tìm người mà ba ngày nay tôi đi mấy xã quanh đây chưa tìm được lấy một người, dù ngày công trả hẳn 90-100 ngàn đồng/ngày” - chị Vũ Thị Thanh (xã Ngô Quyền, Thanh Miện, Hải Dương) than thở. Nhiều người dân khác có thu nhập trung bình lại tỏ ra tiếc rẻ: Giá như lúc này mình có thời gian đi gặt thuê.

Xã Ngô Quyền có 8.200 khẩu nhưng có tới 600 ha đất canh tác, trung bình mỗi khẩu có khoảng 2 sào ruộng, là xã có bình quân đất nông nghiệp trên đầu người cao nhất huyện Thanh Miện. Tuy nhiên, lực lượng lao động chính của Ngô Quyền vẫn bỏ ra thành phố kiếm tiền, với lý do giống như tất cả các vùng nông thôn khác: Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không thể nổi được họ. Ở ĐBSH bây giờ, từ xã này sang xã khác, huyện này sang huyện khác, tỉnh này sang tỉnh khác, nông thôn đều rơi vào tình cảnh thiếu trầm trọng lao động ngày mùa, thì lấy đâu ra người mà thuê.

Ở ĐBSH bây giờ, đâu đâu cũng đều rơi vào tình cảnh thiếu trầm trọng lao động ngày mùa

Ông Nguyễn Viết Bài - Trưởng phòng NN - PTNT huyện Thanh Miện gọi hiện tượng đó là “bi kịch” ở nông thôn hiện nay. "Một năm, lao động nông thôn không có việc làm tới 10 tháng nhưng thừa việc làm 2 tháng. Chúng tôi biết vậy, nông dân biết vậy, đau đớn mà không có cách nào đảo ngược được"- ông Bài nói.

Vài năm qua, là huyện sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương, nhiều hộ nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, nhưng dường như mọi nỗ lực không đem lại nhiều kết quả. Chăn nuôi được 1-2 năm khởi sắc, nhiều gia đình nông dân dồn sức lực và tiền bạc đầu tư vào chăn nuôi, đàn lợn của huyện Thanh Miện tăng từ hơn chục ngàn con lên 60 ngàn. Có khoảng 20% số hộ coi chăn nuôi là cơ hội đổi đời, thoát khỏi kiếp nghèo vươn lên giàu có và khoảng 10% số hộ nông dân hi vọng có thể vươn lên như 20% số hộ kia. Nhưng đến thời điểm này của năm 2008, đàn lợn của Thanh Miện tụt xuống còn có trên 30 ngàn con. Còn đàn gia cầm thì giảm từ 700 ngàn xuống còn 450 ngàn.

Nghĩa là trong vòng hơn 1 năm, đã có gần 1 nửa số hộ nông dân của huyện, từng đặt hi vọng, rằng chăn nuôi là thu nhập chính của nông dân, sẽ làm thay đổi cuộc đời họ đã phải nói câu “từ biệt”. Thời điểm tôi có mặt tại Thanh Miện, nhiều hộ gia đình chăn nuôi lâm cảnh nợ nần chồng chất.

Chủ hộ chăn nuôi Vũ Thành Khương (Thanh Giang, huyện Thanh Miện) từng được coi là người chăn nuôi giỏi nhất Thanh Giang đưa ra một nhận định cay đắng: Ở nông thôn bây giờ, làm lớn thua lớn, làm bé thua bé. Trong khi đó vốn đầu tư và khấu hao quá lớn. Chúng tôi đây được coi là những hộ khá trong làng, có ít vốn liếng còn lãnh đủ thì những hộ nông dân tay không đi lên bằng tiền vay mượn, nợ sao gánh nổi? Cán bộ vẫn nói, những hộ có vốn, mạnh dạn trong đầu tư sản xuất là hạt nhân để nhân rộng thành phong trào. Nhưng hạt nhân “chết rồi” thì nhân làm sao, ai dám làm theo nữa?

Nhiều người từng hy vọng chăn nuôi sẽ giúp mình thoát cảnh nghèo, nhưng rồi cuối cùng cũng phải nói lời "từ biệt"

Ông Nguyễn Viết Bài cho rằng: Những hộ có vốn, có đầu óc sản xuất còn không làm được nữa là nông dân bình thường. Những hộ nông dân mà ta hay gọi là đủ ăn chiếm đa số ở nông thôn hiện nay không dám làm, thậm chí không dám nghĩ. Họ chỉ cần đủ ăn thôi. Vợ ở nhà cấy ruộng, chồng đi lang thang làm thuê, chi tiêu tằn tiện thì vẫn còn miếng ăn, ngày lai rai vài ba chén rượu là được rồi.

Con cái học giỏi thì chắt chiu, tằn tiện, cố bán thêm sức lao động một chút cho con đi học, không học được thì cho đi làm thuê như bố mẹ chúng. Ốm đau, bệnh tật nặng thì chấp nhận quay lại kiếp nghèo vậy. Vận động họ chuyển đổi 3-4 sào ruộng sang nuôi cá, nuôi 100 con gà họ sợ lắm, sợ phải vay ngân hàng, làm không được thì lấy đâu ra trả. Thế là, con đường làm giàu trên đất quê mình chẳng còn nông dân nào dám lao theo.”

Một số lao động không thể nhao ra thành phố thì ở nhà làm thuê lặt vặt. Ở huyện Bình Giang, Hải Dương người ta thống kê được con số tương đối là mỗi thôn có khoảng 10 người làm công việc này. “Ai thuê lặn lấy bùn ao tôi đi lấy, thợ xây gọi đi xách vữa thì đi, rồi phun thuốc sâu thuê... Nhưng nó không đều, chỉ có ngày có giờ thôi. Thu nhập vì thế cũng chỉ đủ nộp tiền học cho con và mua chén rượu. Mình không có tiền, không làm gì được. Ruộng nương giờ, người ta bỏ đầy ra đấy, cho mình cấy không mà không làm được, vì làm chỉ hoà thôi” - anh Vũ Quang Thanh, xóm 1 xã Thái Dương, huyện Bình Giang cho hay.

Cơ chế đang "gây khó"

Khi đến tiếp xúc với các quan chức, các nhà quản lý ở địa phương thực hiện loạt bài này, tôi đều bảo: NNVN muốn nghe những lời nói thật. Muốn được nghe sự trăn trở của các ông với nông nghiệp nông thôn và nông dân. Nếu các ông nói thành tích, tôi xin được trò chuyện với các ông vào một dịp khác.

Và, không ít nhà quản lý, quan chức địa phương đã tiễn tôi ra khỏi phòng mà tôi không thu hoạch được gì.

Tôi làm một trắc nghiệm nhỏ với 20 nông dân bất kì thuộc 10 xã khác nhau ở 5 huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng (Thái Bình), Phù Cừ (Hưng Yên), Bình Giang, Thanh Miện (Hải Dương) với câu hỏi: Tại sao nông dân không thể khá giả lên được? 19/20 người trả lời: Do ít đất sản xuất. Không có vốn. Sản xuất ra sản phẩm không bán được. Lại hỏi: Tại sao không bán được, tại sao lại ít đất sản xuất, không vay được vốn? 12/20 người trả lời: Dân số đông nên ít đất. Không vay được vốn do không có tài sản thế chấp. Không bán được do thị trường. 3/20 người trả lời là do Nhà nước. 5 người còn lại nói là không lý giải được.

Nông dân chỉ biết được có thế. “Nhưng rõ ràng là do cơ chế của chúng ta đang bó buộc họ đấy chứ. Nông dân thật khó mà hiểu được điều này vì nó ở tầm vĩ mô. Ở Đông Hưng, có 30% người có ruộng nhưng không làm ruộng; 40% có ruộng và làm ruộng thực sự; 30% còn lại có ruộng nhưng… chơi dài, thuê người khác làm là chủ yếu.

Những người thuộc 40% thực sự làm nông nghiệp kia có muốn giàu lên bằng nông nghiệp cũng không thể làm được, đất đâu mà làm vì 60% số người có ruộng đã bỏ ruộng từ lâu rồi và thuê người khác làm là chủ yếu cứ giữ đất khư khư. Cơ chế chừng nào chưa giao đất cho những người sử dụng đất thực sự làm nông nghiệp thì không tài nào dân giàu lên nhờ nông nghiệp được. Việc sản xuất hàng hoá và tăng thu nhập cũng không thể dựa 360m2/người” - ông Đào Minh Hải - Bí thư Huyện uỷ huyện Đông Hưng (Thái Bình) lý giải.

Hầu hết người nông dân chỉ đủ ăn chứ khó có chuyện giàu lên

Ông Hải cũng cho rằng, đó là lý do mà nông dân chỉ đủ ăn chứ giàu lên hoặc cho con cái ăn học đầy đủ là rất khó. Và chính điều này làm cho khoảng cách giàu nghèo giữa nông dân làm nông nghiệp thực sự ở nông thôn với cư dân đô thị ngày một xa. Ngay cả khoảng cách giàu nghèo giữa họ với các hộ là cán bộ công chức, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn cũng đã rất xa rồi. Có một thực tế, rất nhiều chính sách của chúng ta cho nông dân, nhưng vì không tách biệt rõ nông dân và người về hưu, cán bộ công chức, hộ tiểu thủ công nghiệp nên, do vị thế thấp nhất, người được gọi là nông dân thực sự lại được hưởng ít nhất mà hầu hết là rơi vào tầng lớp khá hơn.

Ông Cao Hưng Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên khẳng định: “Nếu các chính sách vẫn không đến được với nông dân, họ sẽ mãi khổ. Thật khó để phát triển nông nghiệp nông thôn nông dân nếu tình hình vẫn như hiện nay. Làm sao mà phát triển được khi nông dân có miếng ăn phải kèm theo điều kiện: Mưa thuận gió hoà, còn không là… đói. Họ, nhiều năm qua đang phải lẽo đẽo theo sau một câu chuyện “muôn thuở” của cơ chế là ruộng nhỏ, sản xuất manh mún, hạch toán không có lãi. Nghĩa là nông dân chỉ có lưng thôi mà không có yên. Ở tỉnh Hưng Yên này, ở vùng nông thôn 70% nông dân vẫn đang rơi vào tình cảnh khó khăn.”

Ông Vũ Quang Sang - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang, Hải Dương tâm sự với PV: "Lúc không có ăn thì lăn lộn làm, lúc đủ ăn rồi thì lười làm. Nhưng nếu nông dân cứ bị “ru ngủ” như hiện nay là nguy hiểm vì cái đủ ăn hiện nay của họ là đủ ăn không bền vững. Ốm đau bệnh tật, con cái học hành lên một chút là thiếu ăn ngay. Nhưng tôi cho rằng tạo ra nông dân lười là do lỗi của cơ chế, chính sách với nông dân, làm cho sức ì của nông thôn ngày một lớn, sản xuất nông nghiệp không còn động lực".



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường