Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên Đán 2008 tăng không nhiều
12 | 11 | 2008
Năm 2008 là một năm chứng kiến nhiều biến động của thị trường thực phẩm trong nước. Ở thời điểm hiện tại, nguồn cung thực phẩm trong nước, đặc biệt là các sản phẩm từ chăn nuôi đang thiếu hụt. Nguyên nhân của tình trạng trên là do ngành chăn nuôi trong nước đang phải gánh chịu những hậu quả kéo dài của đợt rét hồi đầu năm. Cùng với đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi đầu ra bấp bênh đã khiến cho người chăn nuôi bỏ chuồng trại vì không có lãi. Vì vậy chắc chắn nguồn cung trong nước hiện khó đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Tuy vậy, cầu tiêu dùng thực phẩm trong dịp này cũng không tăng mạnh do tác động của lạm phát, tăng giá tiêu dùng và các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tiêu dùng thực phẩm dịp Tết Nguyên Đán 2008 tăng khoảng 38,3%

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin PTNNNT (AGROINFO) qua khảo sát tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh cho thấy mức tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Nguyên Đán 2008 chỉ tăng khoảng 38,3% so với tiêu dùng bình thường. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức tăng trong những năm gần đây, dao động từ 50 – 60%. Mức tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Nguyên Đán tại thị trường Tp.Hồ Chí Minh được dự báo tăng cao hơn nhiều so với thị trường Hà Nội. Mức tăng trung bình là 52,5%, trong khi đó tại Hà Nội, mức tăng nhu cầu trung bình khoảng 26,9%, chỉ bằng khoảng ½ so với nhu cầu của người tiêu dùng Tp.Hồ Chí Minh.

Trong quí 3 năm 2008, chỉ số giá tiêu dùng đã giảm mạnh nhờ những chính sách điều tiết của Chính phủ. Hi vọng đây sẽ là liều thuốc kích cầu hiệu quả đối với người tiêu dùng.

Thịt gia cầm và giò chả tăng mạnh; thịt bò và thịt lợn tăng đáng kể

Nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm và giò, chả sẽ tăng mạnh nhất trong dịp Tết Nguyên Đán. Mức tăng tiêu dùng đối với thịt gia cầm là 52,35%, mức tăng với giò,chả là 45,59%. Đây là hai loại thực phẩm truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt Nam. Thịt gà ta nguyên con được nhiều người tiêu dùng chọn mua để chuẩn bị cho mâm cơm cuối năm.

Tiêu dùng thịt bò và thịt lợn cũng tăng đáng kể trong dịp Tết Nguyên Đán này: thịt bò tăng 45,39%, thịt lợn tăng 45,30%. Nhu cầu tiêu dùng thủy hải sản tăng thấp hơn, chỉ ở mức 36,46% so với mức tiêu dùng thường ngày. Dự báo mức tiêu dùng thịt bò dịp Tết tại Tp.Hồ Chí Minh tăng 52,57%, Hà Nội tăng 39,65%, thịt lợn: Tp.Hồ Chí Minh tăng 62,62% trong khi đó ở Hà Nội tăng 29,05%. Mức tăng nhu cầu tiêu dùng đối với thịt gia cầm được dự báo khá ngang bằng tại Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội, lần lượt là 54,58% và 50,65%.

Nhóm thực phẩm tươi sống có mức tăng nhu cầu cao hơn so với nhóm thực phẩm chế biến. Ngoại trừ giò chả là loại thực phẩm truyền thống, các loại thực phẩm chế biến còn lại có mức tăng thấp hơn. Trong đó, mức tăng cao nhất là chả/nem rế, tăng khoảng 34,33%. Chả nem/rế được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do đây cũng là loại thực phẩm gắn liền với thói quen ăn uống trong dịp Tết. Mặt khác nó có ưu điểm tiện lợi hơn chả/nem rế truyền thống, nhất là trong xu hướng hiện nay chơi Tết là chủ yếu thay vì ăn Tết.

Tiêu dùng xúc xích được dự đoán sẽ tăng khoảng 29,84%. Có ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn xúc xích không chỉ cho bữa ăn thường ngày mà cho cả dịp Tết, tiếp khách bởi sự tiện dụng của loại thực phẩm này.

Tình trạng khan hiếm nguồn cung trong nước ở thời điểm hiện tại cùng với chính sách hạn chế nhập khẩu thực phẩm có thể đẩy giá thực phẩm lên cao. Việc cân đối giữa sự sụt giảm của nhu cầu tiêu dùng với sự khan hiếm nguồn cung thực phẩm là cơ sở quan trọng nhất để các doanh nghiệp thực phẩm xây dựng kế hoạch kinh doanh trong dịp Tết 2008 này.

Vấn đề tăng giá thực phẩm đã có những tác động kéo dài suốt từ hồi đầu năm đến nay, hệ quả của nó là sự giảm sút của nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Do vậy, việc giá thực phẩm sẽ tiếp tục tăng không phải là yếu tố gây bất ngờ đối với người tiêu dùng. Điều đó càng khẳng định thêm rằng, mức dự báo nhu cầu tiêu dùng cho dịp Tết ở trên khó bị thay đổi bất chấp những tác động của giá.

Việc cần làm ngay với doanh nghiệp thực phẩm lúc này là chủ động nguyên liệu, nguồn hàng; xây dựng kế hoạch kinh doanh hợp lý; tổ chức và quản lý lại các khâu trong quá trình sản xuất để tiết kiệm tối đa chi phí nhằm tạo lợi thế cạnh tranh về giá…Cần theo dõi sát các những diễn biến của tình hình thị trường, các chính sách điều tiết vĩ mô, nhất là chính sách về nhập khẩu thực phẩm.

------------------------------------------------

Nguồn: Trích “Báo cáo Phân tích hiện trạng và triển vọng tiêu dùng thực phẩm, 2008”.


Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (AGROINFO)


Tel: 04-39725153.

Fax: 04-39726949.


Phạm Văn Hanh - AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường