Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Điêu đứng vì thuế xuất khẩu gỗ
17 | 11 | 2008
Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất gỗ ván sàn xuất khẩu từ nguyên liệu gỗ nhập khẩu đang điêu đứng vì thuế xuất khẩu 10% từ “trên trời rơi xuống”. Do DN đã ký hợp đồng dài hơi vì thế không thể đề nghị khách hàng tăng giá.
Khó khăn này của DN đã được đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nhưng lời giải thích chưa thuyết phục.

Khó bán hàng, công nhân mất việc

Bị đánh thuế hai lần

Mới đây, 60 DN sản xuất gỗ tại Bình Dương đã có đơn kiến nghị ngành chức năng xem xét và cho DN được hưởng thuế xuất khẩu 0% như trước đây. Kiến nghị nêu rõ: “DN sản xuất ván sàn đang bị áp thuế hai lần: khi nhập vào bị áp thuế 10%, nay xuất đi bị đánh thêm 10% nữa”.

Bà Đỗ Thị Kim Loan, tổng giám đốc Công ty Sao Nam, chỉ tay về phía đống gỗ thành phẩm chất cao ngút nói: “Trong tháng mười một, công ty đã thu hẹp sản xuất và buộc phải cho hơn 2/3 công nhân nghỉ việc. Trước đây trung bình hằng tháng công ty xuất mười container với hơn 11.850m3 gỗ nhưng tháng mười chỉ xuất hai container và tháng mười một đang tạm dừng. Ngay cả đối tác nước ngoài dự tính đầu tư 1 triệu USD để hợp tác mở rộng nhà máy cũng ngưng triển khai”.

Nhiều công ty khác cũng đang khổ sở với văn bản số 11270 ngày 23-9-2008 của Bộ Tài chính “về thuế xuất khẩu hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu”. Theo đó, hàng xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu phải chịu thuế xuất khẩu trong khi trước đây không phải đóng thuế. Mức thuế đối với mặt hàng gỗ ván sàn và một số mặt hàng khác là 10%. Việc áp dụng “gấp” quy định này khiến DN rơi vào tình trạng thua lỗ vì đơn hàng đã ký với đối tác đến hết năm 2008.

Ông Trần Đinh Gia Minh, phó tổng giám đốc Công ty Ván Việt (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương), cho biết: “Công ty vừa mới được thành lập nhưng lô hàng đầu tiên chuẩn bị xuất đi châu Âu thì vướng phải quy định đánh thuế 10% của Bộ Tài chính đối với gỗ thành phẩm sản xuất từ nguyên liệu gỗ ngoại nhập”.

Tại miền Trung, nhiều DN xuất khẩu gỗ ván sàn cũng đang điêu đứng với văn bản 11270. Theo bà Luân Thu - chuyên viên kinh doanh Công ty Pro Concepts, “nguyên liệu gỗ của công ty 100% là nhập khẩu, trong đó có 95% từ Mỹ và 5% từ Đức. Trong tháng mười công ty có hơn mười lô hàng, giá trị 800.000 USD đang vướng thuế xuất khẩu 10%. Chúng tôi đang chuẩn bị cho một số công nhân nghỉ việc và thu hẹp sản xuất”.

Không kịp trở tay

Ông Lê Anh Tuấn, giám đốc điều hành Công ty sản xuất thương mại - dịch vụ Khai Thông, bức xúc: “Chúng tôi không hay biết gì, đến khi thắc mắc mới được Hải quan Bình Dương cung cấp văn bản của Bộ Tài chính về quy định đánh thuế đối với sản phẩm gỗ có nguyên liệu ngoại nhập”.

Văn bản trên ban hành và có hiệu lực ngay khiến các DN xuất khẩu gỗ ván sàn trở tay không kịp. Ông Huỳnh Công Tín, giám đốc Công ty Âu Á Liên Hiệp chuyên sản xuất ván sàn gỗ, ván ốp trần, nói: “Hầu hết DN chế biến gỗ xuất khẩu khi đàm phán với đối tác đều không biết sẽ bị áp thuế 10%. Vì vậy, các hợp đồng đã ký đều không tính đến loại thuế này. DN phải nộp thuế 10% sẽ không có lãi, thậm chí lỗ”.

Còn ông Trần Đinh Gia Minh cho biết: “Sau khi biết xuất khẩu phải chịu thuế, DN có đàm phán lại với khách hàng nhưng đều không được đồng ý. Do vậy, từ nay đến cuối hoặc đầu năm sau sẽ có nhiều DN xuất khẩu gỗ ván sàn gặp khó khăn”.

Vì vậy, bà Loan đề nghị: “Bộ Tài chính cần đưa ra lộ trình để các DN chuẩn bị, không thể đẩy DN vào chỗ khó khăn. Các hợp đồng xuất khẩu ván sàn đã được DN ký với đối tác đến hết năm 2008, thậm chí là 2009. Chúng tôi có phương án chuyển nhà máy sản xuất qua Đông Âu nếu tình hình khó khăn quá chúng tôi sẽ triển khai phương án này sớm. Việc đánh thuế sẽ khiến hàng VN khó cạnh tranh với các nước”.

* Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh:

Như thế là khuyến khích!

Theo quy định, gỗ rừng tự nhiên phải chịu thuế 10% để hạn chế khai thác rừng tự nhiên. Còn đối với gỗ nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu thì được thực hiện theo quy định của Luật thuế xuất nhập khẩu: nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu thì khi xuất khẩu được hoàn thuế nhập khẩu và được khấu trừ giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra; còn về thuế xuất khẩu thì thực hiện theo quy định.

Trên thực tế, kiểm soát giữa sản phẩm gỗ sản xuất từ rừng tự nhiên ở trong nước với sản xuất từ gỗ nhập khẩu về hết sức khó khăn, có nhiều trường hợp gian lận thương mại, cho nên xử lý như vậy là đảm bảo khuyến khích đối với hàng xuất khẩu, đảm bảo được công khai, minh bạch.

* Ông Mai Hữu Tín (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương):

Đề nghị bộ xem xét lại

Nếu chúng ta lý luận rằng do gian lận thương mại mà chúng ta không phân biệt được nguồn gỗ nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu với nguồn gỗ từ rừng tự nhiên trong nước thì cần được xem xét lại. Bởi DN nhập khẩu nguyên liệu gỗ đều có tờ khai, mỗi tờ khai xuất khẩu đều được giám sát, đối chiếu với nguồn hàng đã nhập khẩu. Nguyên liệu gỗ nhập khẩu là loại VN không có, do đó không thể nói là trộn lẫn vào để gian lận thương mại. Như vậy chúng ta vô tình đánh đồng DN gian lận với DN làm ăn chân chính. Do đó chúng tôi đề nghị bộ trưởng xem xét lại.




Nguồn: Tuổi trẻ
Báo cáo phân tích thị trường