Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Diện tích vườn tiêu Phú Quốc ngày càng giảm
19 | 11 | 2008
Những năm trước, lượng hạt tiêu Phú Quốc xuất khẩu mỗi năm từ 3.000 đến 4.000 tấn. Nhưng khoảng hơn 5 năm trở lại đây, diện tích trồng hồ tiêu Phú Quốc giảm hơn 50%. Bên cạnh vườn tiêu bị thu hẹp, hiện nay giá tiêu trên thị trường lại tuột dốc mạnh, khiến nông dân ở đây càng không mặn mà với cây tiêu.
Nơi trồng tiêu nhiều nhất Phú Quốc tập trung ở hai xã Cửa Dương và xã Gành Dầu, còn lại sáu xã và hai thị trấn khác đều có trồng tiêu rải rác. Dọc theo con đường nhựa tỉnh lộ 47, hai bên đường nhà nào cũng có trồng tiêu. Những trụ bê tông vuông 4 centimét, cao chừng 3 - 4 mét, bên cạnh là những dây tiêu úa, héo ngả sang màu vàng, có bụi chết khô.

Bà Lý Thị Bùi, ở ấp Cây Thông, xã Cây Dương, trồng 6 công với khoảng sáu trăm nọc tiêu. Bà cho biết: “Chưa có năm nào tiêu lại rớt giá thê thảm như vầy. Cách đây một năm, giá tiêu còn chấp nhận được, 65.000 - 70.000 đồng/ki lô gam. Nay giá tiêu chỉ còn 30.000 - 32.000 đồng/ki lô gam, thì người trồng tiêu bị lỗ mỗi công từ 1,5 - 2 triệu đồng. Vườn tiêu của tôi lại sắp cho trái, đang cần tiền mua phân, thuê người cuốc đất, làm cỏ. Phí tổn rất lớn, nhưng gia đình không đủ tiền mua vật tư nên đành để vườn tiêu cho "trời nuôi", sống được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.

Vườn tiêu bà Bùi có hơn sáu trăm nọc tiêu, nay chỉ còn sống được hơn trăm nọc. Những nọc này nếu không chăm sóc kỹ, tiêu sẽ già không còn cho trái, già úa và chết dần.

Cách vườn tiêu của bà Bùi khoảng 1 ki lô mét, vườn tiêu của chị Đinh Thị Hạnh, ở ấp Búng Gội, xã Cửa Dương, trồng một ngàn nọc tiêu, nay bị chết hơn 1/3. Những cây còn lại chỉ cho trái rất ít. Mặc dù hiện nay tiêu đang vào mùa cho trái, nhưng vườn tiêu chị chỉ có toàn là những trái nhỏ xíu. Vụ này chị chỉ hy vọng thu hoạch mỗi nọc được chừng 1 - 2 ki lô gam tiêu khô; trong khi năm ngoái chị thu được mỗi nọc 4 - 5 ki lô gam.

Giá bán tiêu xuống thấp nhưng mọi thứ chi phí để chăm sóc tiêu đều tăng. Ví dụ tiền nhân công tăng từ 20-30 % so với hai năm về trước. Vì thế người trồng chán nản, không đầu tư chăm sóc cho vườn tiêu của mình.

Chị Hạnh ngao ngán nói: “Trồng tiêu bây giờ không như hồi xưa đâu, mấy năm gần đây giá tiêu giảm, nông dân phó mặc cho trời”. Tiền thuê một người làm cỏ khoảng 50.000 đồng/ngày, còn cuốc đất vun gốc tiêu cũng phải tốn 70.000 đồng/ngày, công phụ nữ hái tiêu tốn 50.000 đồng/ngày...”.

Hiện nay, nhiều người trồng tiêu lâm cảnh thiếu nợ ngân hàng, người nợ nhiều thì từ vài chục triệu đồng trở lên, còn ít cũng vài ba triệu đồng. Hộ bà Lý Thị Bùi đã nhiều năm trồng tiêu bị thua lỗ, nay vườn tiêu cũng sắp tàn, vì không có vốn mua vật tư để chăm sóc vườn tiêu.

Bà Bùi nói: “Hơn 3 năm qua gia đình tôi còn thiếu nợ của ngân hàng trên 10 triệu đồng, vì những năm trước muốn mở rộng diện tích trồng tiêu nên phải cầm cố sổ đỏ vay vốn ngân hàng. Năm vừa rồi, mặc dù giá tiêu lúc đó còn trên 50.000 đồng/ki lô gam mà cũng chỉ huề vốn. Năm nay giá chỉ còn 32.000 đồng/ki lô gam thì người trồng tiêu sẽ còn gánh nặng cục nợ ngân hàng trên vai”.

Ông Lương Công Chủ, Chủ tịch hội Nông dân huyện Phú Quốc cho biết: “Toàn huyện hiện có 447 héc ta trồng tiêu, giảm hơn phân nửa so với năm năm trước”. Ông nhận định, nếu tình trạng giá cả còn xuống thấp thì tiêu Phú Quốc sẽ bị mai một.





Nguồn: Kinh tế Sài Gòn
Báo cáo phân tích thị trường