Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Châu Phi rất cần nhập gạo Việt Nam
27 | 11 | 2008
50 doanh nghiệp nhập khẩu gạo đến từ 14 quốc gia khu vực Tây và Trung Phi đã có mặt tại Việt Nam tham dự Hội nghị gặp gỡ giữa bên mua, bên bán gạo được tổ chức hôm qua. Các thương nhân này đều khẳng định, họ cần mua một lượng gạo lớn của Việt Nam. Trong khi đó, theo đánh giá của các doanh nghiệp Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu gạo hàng năm của các quốc gia châu Phi rất lớn, và có xu hướng tăng dần trong mấy năm gần đây.
Châu Phi là thị trường đầy tiềm năng, tiêu thụ chủ yếu gạo cấp thấp vốn là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, do hệ thống thanh toán của các quốc gia này còn yếu, hơn nữa cước phí vận chuyển đường biển khá cao, lại không an toàn… nên việc xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi còn hạn chế.

Thiệt thòi vì bán qua trung gian

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong những năm qua, châu Phi tiêu thụ 20% - 25% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam (trong đó khu vực Tây Phi (UEMOA) và Trung Phi (CEMAC) là hai thị trường quan trọng). Trong năm 2008, Việt Nam ước tính xuất sang thị trường này trên 1 triệu tấn, chiếm 25,5% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả năm và chỉ đứng thứ ba sau thị trường Châu Á và Trung Đông. Mặc dù từ nhiều năm nay, người tiêu dùng châu Phi đã quen thuộc với gạo Việt Nam nhưng việc mua, bán chủ yếu thông qua các thương nhân quốc tế, chưa có giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp tại nơi cung cấp và tiêu thụ. “Điều này khiến cho lợi ích của người sản xuất và tiêu thụ cũng như của doanh nghiệp bị giảm đáng kể”, ông Huệ nói.

Là người gắn bó lâu năm với xuất khẩu gạo, từng đến nhiều nước khu vực châu Phi tìm kiếm thị trường, bà Nguyễn Thị Nguyệt, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam lý giải, sở dĩ chúng ta phải chấp nhận bán gạo qua trung gian vì hệ thống ngân hàng của các nước châu Phi chưa thật sự đủ tin cậy để bảo lãnh cho nhà nhập khẩu mở L/C, mua bán trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Trương Văn Ảnh, Giám đốc Công ty Lương thực Long An, cho biết đơn vị này mỗi năm xuất khẩu 40.000 - 50.000 tấn gạo qua thị trường châu Phi nhưng chỉ bán qua trung gian. Theo ông Ảnh, doanh nghiệp châu Phi thường mua số lượng ít, mỗi đợt vài ba ngàn tấn, nhưng yêu cầu thanh toán giá CIF (giá tại biên giới nước nhập khẩu) nên doanh nghiệp không dám bán. Ông Ảnh cho biết: “Cước vận chuyển gạo đi châu Phi khoảng 100 - 120USD/tấn, cộng thêm tiền bảo hiểm, tính ra chi phí đã chiếm mất 1/3 giá trị mỗi tấn gạo. Hơn nữa tàu trọng tải vài ngàn tấn không thể đi đường dài, nhiều vùng biển đến châu Phi lại quá nguy hiểm, khi cướp biển hoành hành, nên không thể mạo hiểm bán trực tiếp cho họ được”

Cần hỗ trợ từ ngân hàng

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, nếu xuất trực tiếp gạo đến các quốc gia châu Phi, lợi nhuận sẽ tăng lên 20% - 25%. Trong khi đó, bà Macaira Barai, Phó chủ tịch Hợp tác quốc tế khu vực UEMOA thông tin, nhu cầu gạo hàng năm khu vực này lên tới 16 triệu tấn, trong đó các quốc gia mới tự túc 10 triệu, còn lại vẫn phải nhập khẩu 6 triệu tấn. Đại diện CEMAC cho biết, số gạo cần nhập khẩu hằng năm của khu vực là 500.000 - 550.000 tấn. Các thương nhân châu Phi đều khẳng định họ cần mua gạo trực tiếp của Việt Nam để giảm bớt chi phí trung gian, giảm giá thành.

Vậy, tháo gỡ vướng mắc trong phương thức thanh toán và vận chuyển bằng cách nào? Theo gợi ý của bà Nguyễn Thị Nguyệt, nguyên Tổng thư ký VFA thì “cần phải có sự giúp sức của hệ thống ngân hàng giữa bên bán và bên mua”. Ngân hàng Việt Nam có thể lựa chọn, đặt mối quan hệ với các ngân hàng có uy tín tại các quốc gia châu Phi để bảo lãnh hợp đồng mua bán gạo cho doanh nghiệp. Các thương nhân châu Phi phải chấp nhận điều kiện chỉ được mở L/C thanh toán tại những ngân hàng do doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn”.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam còn đề xuất phương án: mỗi nước châu Phi nên thành lập hiệp hội những nhà nhập khẩu gạo. Tổ chức này sẽ tập hợp số lượng gạo mà doanh nghiệp yêu cầu, sau đó có thể đàm phán trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam để nhập gạo theo từng đợt với số lượng vài chục ngàn tấn. “Khi có hợp đồng lớn, không những thuê tàu dễ dàng, mà còn giảm bớt chi phí vận chuyển”, ông Lê Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Long tính toán. Theo ông Tuấn, đơn vị này đã từ chối bán gạo cho nhiều thương nhân châu Phi chỉ vì họ mua với số lượng quá ít.

Trong ngày làm việc hôm qua 25.11, các doanh nghiệp châu Phi đưa ra thông tin về nhu cầu, chủng loại, chất lượng, số lượng gạo… cần mua cho doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn. Sau đó hai bên sẽ đàm phán, ký hợp đồng mua bán gạo trực tiếp với nhau. Hôm nay 26.11, doanh nghiệp hai bên tiếp tục gặp gỡ, thương lượng mua bán trong khuôn khổ hội nghị.






Nguồn: Thông tin thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường