Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL vụ mía đường 2008-2009: “Vị đắng” đầu mùa...
28 | 11 | 2008
Mở đầu niên vụ mía-đường 2008-2009, tỉnh Hậu Giang với 200.000 ngàn tấn mía còn non phải thu hoạch sớm để tránh lũ là “điểm nóng” của ngành mía đường cả nước. Càng “nóng” hơn khi đường nhập lậu tràn lan biên giới Tây Nam “cám dỗ” cả doanh nghiệp sản xuất, buôn bán đường.
Mới đây Cục chế biến thương mại Nông-Lâm-Thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), Hiệp hội mía đường Việt Nam và tỉnh Hậu Giang phải khẩn trương tổ chức hội nghị với 10 nhà máy đường tại khu vực ĐBSCL để tìm giải pháp tháo gỡ…

“Căng” ngay từ đầu vụ

Theo Sở Nông nghiệp Hậu Giang, dù rất khó khăn nhưng tỉnh cũng bố trí 18 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng cho 10.300 ha vùng nguyên liệu; vì thế, diện tích trồng mía ở niên vụ này đạt 15.471 ha. Vùng mía nguyên liệu của tỉnh sử dụng các loại giống chủ lực như dòng lai Mỹ 24, quế đường 11, quế đường 13, ROC 16… năng suất 84 tấn/ha, cá biệt có nhiều hộ đạt 150 tấn/ha. Theo Sở Nông nghiệp Hậu Giang sản lượng của tỉnh vụ này ước đạt 1,2 triệu tấn.

Tuy nhiên, năm nay nước nổi về sớm 20 ngày, khả năng đe dọa vùng nguyên liệu 8.882 ha thuộc huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy là rất lớn. Đặc biệt trong đó có 4.000 ha vùng trũng, sản lượng ước khoảng 400.000 tấn mía chưa tới lứa thu hoạch (mẫu ngày 18.8.2008, chữ đường cỡ 5-6 CCS), cần phải thu hoạch sớm. Các nhà máy đường trong tỉnh (Vị Thanh, Phụng Hiệp thuộc Casuco và Long Mỹ Phát) đã ký hợp đồng tiêu thụ trên 680.000 tấn. Nhưng với tổng công suất của 3 nhà máy trong tỉnh (8.500 tấn/ngày), thì trong tháng 9 tới, tháng khởi đầu vụ ép chỉ có thể tiêu thụ 200.000 tấn, tức ½ sản lượng mía vùng ngập sâu…

Do đó, tại hội nghị này, ngành nông nghiệp Hậu Giang thông qua UBND tỉnh, Hiệp hội Mía đường và Cục Chế biến-Thương mại Nông-Lâm-Thủy sản kêu gọi sự tiếp ứng, “cứu bồ” của các nhà máy đường trong vùng ĐBSCL. Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty Mía đường Cần Thơ (Casuco - 2 nhà máy, công suất 6.000 tấn/ngày) Nguyễn Thành Long đã phải “tả oán” với các đồng nghiệp: “Các anh mua một, em phải chịu gánh mười lần nặng nề. Nhưng bỏ nông dân lúc này, mai mốt vùng nguyên liệu có còn…”. Tâm sự này đã được lãnh đạo các nhà máy bạn thấu hiểu và chia sẻ. Ông Lê Văn Đông - Chủ tịch HĐQT công ty đường Hiệp Hòa (Long An), Tổng giám đốc Vinasugar II là người đầu tiên “chia lửa” với bạn bè. Và ngay tại hội nghị này, theo số liệu tổng hợp của Cục trưởng Cục Chế biến-Thương mại Nông-Lâm-Thủy sản và Nghề muối, ông Lê Xuân cho biết: “Vấn đề 200.000 tấn mía sớm ở vùng ngập sâu của Hậu Giang đã được giải quyết. Đã có tới 180.000 tấn mía “cần cứu” đã được 6 nhà máy bạn đăng ký mua”.

Vùng nguyên liệu mía của 7 nhà máy đường: Hiệp Hòa, Nivl (Long An), Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Thới Bình (Cà Mau), Kiên Giang, và 3 nhà máy ở tỉnh Hậu Giang niên vụ 2008-2009 là 64.573 ha, giảm diện tích 4.527 ha.

(Theo Cục Chế biến - Thương mại Nông-Lâm-Thủy sản và Nghề muối, Bộ NN-PTNT)

Nỗi lo vẫn còn phía trước

Ở phần chính của hội nghị, các đại biểu không khỏi băn khoăn trước vấn nạn đường nhập lậu; vấn đề giá trần, giá sàn mía nguyên liệu; tình trạng “tư thương làm chủ khâu trung gian” và vốn hoạt động - vấn đề “muôn thuở”, nhất là trong bối cảnh lãi suất cao, hạn mức tín dụng bị “siết cò” như lúc này. Trên cả nước, vùng ĐBSCL là nơi duy nhất có “thị trường” ở khâu tiêu thụ mía nguyên liệu, nông dân bán được mía giá cao nhưng do chưa được tổ chức hợp lý nên “nóng lạnh thất thường”. Theo Chủ tịch công ty Đường Hiệp Hòa Lê Văn Đông, thì “cần mạnh tay với đường lậu”, Hiệp hội đã cố gắng nhưng chưa làm được gì nhiều cho doanh nghiệp hội viên, các nhà máy cần “ngồi lại” với bà con nông dân, làm sao cho bà con có lãi thì mới giữ được vùng nguyên liệu, và nên chăng cần thành lập hội của những người trồng mía, làm đường, tiêu thụ đường. Ông Đông cũng bức xúc vì giá thu mua mía giữa 2 miền Bắc và Nam có khi chênh lệch 120.000đ/tấn, lợi nhuận của người trồng mía Nam bộ 14 triệu đông/ha/năm là quá thấp nhưng khổ nỗi phải lệ thuộc quá nhiều vào đầu ra của giá đường.

Bà Bùi Thị Quy - Chủ tịch HĐQT công ty Mía-Đường-Cồn Long Mỹ Phát, doanh nghiệp vừa sản xuất một vụ mía, phát giác chuyện thương lái “cặp bồ” với nông dân, tạo thêm “lộn xộn” cho kiểu “mua trôi, bán nổi”. Doanh nghiệp chưa chịu đầu tư thật sự cho nông dân, chính quyền cần quy hoạch và giao vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp để quan hệ sản xuất mía - chế biến đường gắn bó, có trách nhiệm và chủ động trong chương trình đầu tư. Điều bà Quy băn khoăn nữa là vấn đề đoàn kết rất thấp giữa các doanh nghiệp chế biến đường, từ giá cả thiếu thống nhất, thiếu cập nhập đến việc phối kết hợp cũng rất bời rời… “Long Mỹ Phát đang rất nhiều khó khăn, vào vụ tới nơi nhưng vốn liếng rất khó, nếu tham gia chung, chia sẻ khó khăn cùng các nhà máy và bà con mà vốn không có ưu đãi thì càng khó khăn. Các công ty công ty của nhà nước, hoặc CP có vốn nhà nước nếu lỗ vụ này đã có vụ khác, cái khác bù đắp, DNTN như tôi không được phép lỗ, nếu lỗ là chết. Vì vậy, quan trọng là thống nhất, công khai giá mua với nhau”, bà Quy nói.

Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Xuân Trình lo âu: Ngành đường đang gặp nhiều cái khó và tới đây còn khó khăn hơn vì khấu hao nhà máy chậm, lộ trình gia nhập WTO ngày càng sâu rộng hơn, phải “gánh” thêm quota nhập khẩu đường, đường lậu Thái Lan “nhập ào ạt” vào Việt Nam là đường bị phạt quota do sản lượng dư thừa. Các nước gia nhập WTO sớm được ưu đãi nhiều hơn (tới 70%), như Úc đã khống chế sản lượng ở mức 150 tấn/ha nhưng mía của họ chữ đường cao (15 CCS); trong khi sản lượng, chất lượng mía của ta thấp, tạp chất nhiều nhưng đầu tư và sản xuất đều cao, dẫn đến giá thành cao, khó bán…

Mỗi doanh nghiệp một vẻ nhưng cái khó, cái dễ na ná nhau, đại diện các công ty đường Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau, NiVL (Ấn Độ tại Long An) đều đồng tình ủng hộ việc tiêu thụ sớm mía vùng ngập sâu của Hậu Giang. Các công ty thống nhất kiến nghị Bộ NN-PTNT và Chính phủ có cơ chế tín dụng, lãi suất thích hợp để “nâng đỡ” cây mía của nông dân. Trung tướng Lưu Phước Lượng, Phó Ban Chỉ đạo tây Nam bộ vui mừng trước việc các doanh nghiệp tìm được nói chung, chia sẻ khó khăn của các tỉnh và tỏ thái độ đồng tình “cần quyết liệt với đường lậu”; song, “doanh nghiệp chống buôn lậu tốt nhất, thiết thực nhất là đừng buôn lậu đường, và cần có biện pháp phối hợp tốt với cơ quan chức năng”, ông nói. Theo ông Lượng, việc trồng, thu mua, chế biến và kinh doanh đường của ta còn manh mún, chưa gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân, vì thế, rất cần có “nhạc trưởng” trên mặt trận này. Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng lên tiếng đề xuất việc sơ, tổng kết Quyết định 80 về tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. “Lấy hoa hồng cho thương lái, chi phí trung gian (10đ/kg mía) của các nhà máy để tổ chức hệ thống thu mua gắn chặt giữa các doanh nghiệp và nông dân, tại sao không ?” - ông Lượng gợi ý.





Nguồn: Thông tin thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường