Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau xanh: Siêu thị rẻ hơn... ở chợ
28 | 11 | 2008
Trước tình hình rau xanh Trung Quốc ùn ùn đổ vào thị trường Hà Nội, gần như các siêu thị trên địa bàn đã “ra mặt” bằng hành động cụ thể như cam kết bán rau sạch, an toàn với giá ổn định và cạnh tranh, và quan trọng hơn cả là đảm bảo nguồn cung hoàn toàn là “rau nội”. Sau mưa lũ, giá rau xanh “nội” tại Hà Nội vẫn đắt “cắt cổ”, song mối lo của người dân lúc này là liệu người dân có được sử dụng rau “tiền nào của ấy” hay không? Và hiện nay, để an tâm, các bà nội trợ nên vào siêu thị uy tín để mua rau sạch, thậm chí giá cả còn rẻ hơn rau ở chợ.
Siêu thị “ra mặt” hành động

Trước tình hình rau xanh Trung Quốc ùn ùn đổ vào thị trường Hà Nội, gần như các siêu thị trên địa bàn đã “ra mặt” bằng hành động cụ thể như cam kết bán rau sạch, an toàn với giá ổn định và cạnh tranh, và quan trọng hơn cả là đảm bảo nguồn cung hoàn toàn là “rau nội”.

Phó tổng giám đốc siêu thị Big C Thăng Long, ông Nguyễn Thái Dũng cho biết, kể từ đầu tháng 11, khi trận mưa lụt lịch sử diễn ra tại Hà Nội, nguồn cung rau trên thị trường khan hiếm, siêu thị Big C đã vận chuyển hàng từ Đà Lạt bằng các phương tiện nhanh nhất đảm bảo nguồn cung cho khách hàng không bị đứt đoạn với giá bán ngang bằng với giá ở thời điểm trước khi Hà Nội xảy ra ngập lụt.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phụ trách ngành hàng rau quả, lương thực của Big C sau trận mưa lụt vừa qua, giá các loại rau, củ trên thị trường tự do Hà Nội vẫn đang ở mức rất cao do nguồn cung hàng bị khan hiếm. Big C đã tìm thêm được nguồn cung rau xanh tại cơ sở Ba Trữ, Đông Anh do vậy lượng cung của siêu thị vẫn ổn định và giá cả thì rất cạnh tranh.

Hiện tại, mỗi ngày lượng rau, củ tiêu thụ của siêu thị vào khoảng 4 – 5 tấn (trong đó, nguồn cung từ Ba Trữ chiếm 80%, nguồn cung từ Đà Lạt hiện tại chỉ là các loại rau củ đặc trưng của vùng mà miền bắc không có).

“Ưu tiên số 1 hiện tại của Big C là cung cấp rau sạch cho người tiêu dùng Hà Nội với giá ổn định và cạnh tranh nhất so với cả giá trên thị trường tự do do vậy mặc dù so với trước mưa lụt, giá các loại rau, củ hiện đã tăng 20 – 30%”, ông Tuấn cho biết.

Cũng với cam kết mang rau sạch đến tận tay người tiêu dùng, hệ thống siêu thị Hapro trong những ngày qua đã nhập rau hoàn toàn từ Đà Lạt nhằm cung cấp cho người tiêu dùng với giá khá “mềm” so với giá rau trên thị trường tự do.

Cụ thể, một số loại rau thường ngày như ớt xanh Đà Lạt giá bán 25.000đồng/kg, rau muống 20.000đồng/kg, rau mồng tơi 25.200đồng/kg, cà rốt 15.000đ/kg, cải thảo 14,5đồng/kg,xà lách 17.000đồng/kg, cà chua 19.000đồngkg...

Ông Lê Trọng Hào, Phó phòng kinh doanh thực phẩm Công ty Siêu thị Hà Nội (thuộc Hapro) cho hay, chỉ trong vòng một tuần qua, công ty này đã nhập về 5,5 tấn rau Đà Lạt và đến nay đã bán hết một nửa.

“Trước kia, công ty chúng tôi nhập rau của 2 hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội là Vân Nội và Lĩnh Nam” - ông Hào cho biết - “sau lụt, lượng rau xanh ở khu vực này bị ảnh hưởng, giảm sút nên chúng tôi phải vào Đà Lạt, ký hợp đồng với Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Lâm Đồng, đây là đơn vị chuyên sản xuất rau xanh, có công nghệ sơ chế, đóng bọc bảo quản và vận chuyển luôn ra Hà Nội”.

Khác với rau ở Vân Nội và Lĩnh Nam có thể nhập theo thời gian sáng, chiều; rau xanh Đà Lạt chuyển ra Hà Nội buộc phải bảo quản lạnh. Những loại rau xanh như cải thảo, xà lách, súp lơ, cải chíp, cà chua, bắp cải tím, bí ngô có thể bảo quản được trên dưới một tuần.

Vẫn theo ông Hào, con số 5,5 tấn rau trên là chỉ tính riêng cho Công ty Siêu thị Hà Nội, còn tính chung Tổng công ty Thương mại Hà Nội thì con số này là 2 xe ô tô loại 10 tấn.

Thói quen tiêu dùng tạo sân cho rau Trung Quốc

Mặc dù các siêu thị cam kết bán rau “xịn” với giá cạnh tranh tới tay người tiêu dùng song do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn thích tới các chợ gần nhà thay vì đi siêu thị nên các loại rau “thiếu an toàn, nguồn gốc” vẫn có nhiều cơ hội xuất hiện trong mâm cơm nhiều nhà.

Bà Nhâm, cán bộ hưu trí tại Nghĩa Tân cho biết, bà vẫn thích đi chợ lựa chọn đồ hơn vào các siêu thị, vì vậy mặc dù rất lo lắng về chất lượng các loại rau, củ sau mưa lụt song bà lại chọn vào các cửa hàng rau sạch tại chợ để mua thay vì vào siêu thị.

Ghi nhận của PV tại một số quầy bán rau sạch tại chợ Nghĩa Tân, giá các mặt hàng rau củ đã tăng gấp đôi so với giá trước mưa lụt. Theo chị Hằng, chủ quầy rau sạch tại chợ: Gía rau sạch hiện nay đã giảm 1/3 so với giá rau đầu tháng 11 do nguồn cung hàng chủ yếu từ Vân Nội đã khôi phục sản xuất và cho thu hoạch đợt đầu.

Tuy nhiên, giá một số rau, củ tại các quầy rau sạch vẫn cao hơn rất nhiều so với trong siêu thị. Đặc biệt là mặt hàng “nhạy cảm” là rau ăn sống như xà lách, dưa chuột. Giá bán rau xà lách tại các quầy này là 80.000 đồng/kg trong khi trong siêu thị Hà Nội, giá xà lách Đà Lạt chỉ có 17.000đồng/kg.

Ngoài việc giá cả không thống nhất giữa các quầy tại chợ, hiện nay điều làm người dân lo lắng là sự hỗn độn, khó phân biệt nguồn gốc các loại rau được bày bán.

Hiểu được tâm lý sợ hàng Trung Quốc của người mua nên người bán luôn khẳng định rau bán ra là hàng “nội xịn”, trong khi với mức tiêu thụ hiện tại, rau nhập khẩu đang cung cấp tới 90% nhu cầu người dân thủ đô.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc tiêu thụ các loại rau trong nước vẫn được khuyến khích hơn rau Trung Quốc mặc dù mới đây cơ quan chức năng đã đưa ra kết luận các mẫu rau Trung Quốc vẫn nằm trong ngưỡng an toàn cho phép.

Về lượng cung rau xanh trong thời gian tới, Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết khoảng hơn một tháng nữa, rau xanh nội địa mới hết khan hiếm. Nguồn cung cho Tết Nguyên Đán cũng sẽ được phục hồi.





Nguồn: Thông tin thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường