Tiếp tục cạo mủ thì cầm chắc thua lỗ nhưng không thu hoạch, nguồn sống của không chỉ người trồng cao su mà cả những thợ cạo mủ bám vườn cũng bị đe dọa.
“Bỏ thì thương, vương thì tội”
Con đường đất đỏ dưới tán rừng cao su bạt ngàn ở xã Trừ Văn Thố (Bến Cát, Bình Dương) thỉnh thoảng xuất hiện một vài xe máy chở mủ ì ạch chạy qua. Dọc hai bên đường, nhiều vườn cao su vắng bóng người, dù chén mủ đã đầy ắp. “Giá mủ cao su rớt thê thảm, tiền công ăn gần hết mà bán cũng khó khăn nên không ít chủ vườn cứ bỏ mặc...” - anh Nam, một chủ vườn cao su tại đây, nói.
Ông Lê Cao Lương - chủ một vườn cao su tại xã An Bình (Phú Giáo, Bình Dương) - than thở vài tháng trước nhiều lái mua mủ cao su đánh xe đến tận vườn để lấy hàng với mức giá 600 đồng/độ mủ nước (khoảng 20.000 đồng/kg). “Chỉ cần trong nhà có khoảng 3ha cao su đang thu hoạch thì mỗi tháng đã có thu nhập hơn 6 triệu đồng” - ông Lương nhớ lại thời “hoàng kim”. Tuy nhiên, hiện giá mủ cao su chỉ còn 150-165 đồng/độ mủ (khoảng 5.000 đồng/kg). Với mức giá này, những chủ vườn nào phải thuê nhân công cạo mủ đều bị lỗ. Nhiều chủ vườn chọn giải pháp tạm ngưng cạo mủ, chỉ những gia đình có nhân công tự túc mới duy trì việc khai thác.
Anh Huỳnh Công Thuận (xã Hưng Hòa, Bến Cát, Bình Dương) hiện đang nhận khoán 3ha cao su từ Nông trường cao su Hưng Hòa (Công ty cao su Phước Hòa) cũng đang khóc dở mếu dở do “hợp đồng với công ty thì không thể ngưng cạo mủ, mà nếu tiếp tục cạo thì thu nhập chẳng đáng là bao, nếu giá giảm nữa thì có nguy cơ bị lỗ”. Anh Thuận cho biết với 3ha cao su mỗi tháng anh bán được khoảng 6 triệu đồng tiền mủ, nhưng đã phải trả tiền công thuê cạo mủ 2,2 triệu đồng/tháng. Trừ tiền phân bón, tiền trả cho nông trường, tiền thuế sử dụng đất, tiền mua thuốc diệt cỏ... gia đình anh gần như chẳng còn đồng lãi nào.
Éo le đời sống người thợ cạo...
Trong khi các chủ vườn cao su điêu đứng, hàng ngàn lao động làm công việc cạo mủ ăn lương cũng đang lâm vào cảnh khó khăn. “Tết này có lẽ gia đình chúng tôi sẽ không về quê vì thu nhập tiền công cạo mủ “bèo” quá. Làm cả năm chỉ trông vào vụ thu hoạch này nhưng thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ được hơn 1,5 triệu đồng/tháng, lấy tiền đâu mà quê với hương...” - chị Minh Liên (quê Thanh Hóa, vào Bình Phước lập nghiệp) than thở. Chị Liên cho biết vào thời điểm này mọi năm, hai vợ chồng tranh thủ chạy “sô” cạo mủ, thu nhập rất cao, nhưng nay vợ chồng chị đang tính chuyển sang làm phụ hồ để kiếm thêm.
Anh Minh, một người có thâm niên cạo mủ thuê hàng chục năm nay tại Phú Giáo (Bình Dương), cho biết thông thường vào thời điểm này mọi năm, các chủ vườn cao su phải “săn” thợ cạo mủ, đặc biêt là những thợ cạo có tay nghề. Vào thời điểm mủ cao su được giá, ngoài lượng mủ khoán 50kg/ngày, chủ vườn còn thưởng thêm cho công nhân 1.500 đồng/kg nếu cạo vượt năng suất. Khoản tiền năng suất tăng này hiện giảm mạnh, thậm chí có nơi chủ vườn cũng không khuyến khích thợ cạo vượt năng suất.