Ngày 23-12 tại TPHCM, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp, đã “mai mối” một cuộc gặp gỡ giữa đại diện các hộ sản xuất nông sản, thực phẩm của tỉnh Trà Vinh và Đồng Tháp với ban giám đốc hệ thống Co.opMart.
Mang theo đặc sản của địa phương như xoài Châu Nghệ, nhãn Edo, mứt trái bần, bánh tét Trà Cuôn..., lần đầu tiên những người nông dân học cách tiếp thị sản phẩm.
Hiệu quả bước đầu
Những đặc sản mà nông dân giới thiệu phần lớn là mặt hàng gắn liền với chỉ dẫn địa lý. Chẳng hạn như xoài Châu Nghệ là xoài của vùng Châu Hạng Võ (Trà Vinh) nhưng vỏ và cơm xoài đều có màu vàng nghệ nên có tên như trên. Bánh tét Trà Cuôn được gói từ nếp trộn nước ép ra từ lá bồ ngót, vì thế bánh có màu xanh đặc trưng, bánh tét Chín Cẩm lại được gói từ lá dứa; tôm khô Kiến Hải, tôm khô Vinh Kim được chế biến từ tôm đất. Còn tỉnh Đồng Tháp lại giới thiệu các đặc sản như quýt đường, xoài cát Hòa Lộc, ổi xá lỵ ruột màu vàng nghệ, nhãn Edo có cơm dày, khô và thơm như nhãn của Hải Dương, Hưng Yên...
Theo bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op: Đơn vị khuyến khích thu mua các sản phẩm của bà con nông dân. Tuy nhiên, cần phải xem xét hai yếu tố đầu vào là giá cả dao động trong biên độ nhất định và chất lượng cam kết như sản phẩm mẫu. Tại buổi gặp gỡ, phía Co.opMart đã thông tin về nhu cầu thu mua là 500 kg – 1 tấn xoài Châu Nghệ/ngày (loại 450 g/trái), 1 tấn nhãn Edo/ngày, 150 tấn quýt đường/năm, 8 tấn tôm khô Kiến Hải/ngày vào mùa Tết và từ 3-5 tấn/ngày vào thời điểm bình thường.
Riêng mặt hàng trái cây, SaigonCo.op có thể sẽ bao tiêu sản phẩm nhưng cần phải thảo luận thêm một vài tiêu chí nữa. Để đưa hàng của nông dân vào siêu thị, đại diện Co.op Mart cũng đã chỉ dẫn nông dân thực hiện một số điều kiện để bảo đảm nguồn gốc và chất lượng hàng hóa theo đúng quy định.
Đầu ra ổn định, sẽ có hàng chất lượng cao
Mới đây, HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) đã đưa 400 kg vú sữa đạt tiêu chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn, chất lượng và truy nguyên được nguồn gốc) vào phân phối tại Metro. Hệ thống Big C cũng đang mua hàng trực tiếp từ khoảng 10 hộ nông dân ở Đà Lạt và miền Tây thông qua các HTX.
Theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại và quan hệ cộng đồng hệ thống Big C: Chỉ riêng 2 vựa nông sản này, mỗi ngày Big C phía Nam nhập khoảng 14 tấn trái cây và rau củ quả như bưởi, thanh long, nhãn, xoài, cải các loại, xà lách, cà rốt, cà chua... Yêu cầu nông sản khi vào Big C phải đạt chất lượng theo quy định của Big C.
Bà Nguyễn Ánh Hồng, Giám đốc hệ thống siêu thị Maximark, cũng cho biết: Mua tận gốc hàng nông sản của nông dân (không qua trung gian như trước) đang được nhiều siêu thị áp dụng để tiện việc quản lý chất lượng, sản lượng và giá cả. Hiện nay, mỗi ngày siêu thị thu mua 2,5 tấn trái cây từ các nhà vườn Tiền Giang và Bến Tre, 1 tấn rau củ quả từ các HTX ở Đà Lạt và 500 tấn rau xanh của các HTX ở Củ Chi (TPHCM) và Đồng Nai.
Phần lớn các siêu thị đều băn khoăn là nông dân thường bị “vướng” các yêu cầu về tính ổn định của chất lượng, chủng loại đa dạng, sản lượng và cách thức giao hàng. Tuy nhiên, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh, khẳng định: Tâm lý của nông dân là lo ngại về đầu ra không ổn định nên việc trồng trọt chỉ cầm chừng. Nếu đầu ra ổn định thì chắc chắn chất lượng sản phẩm sẽ được chăm sóc tốt hơn.
Còn trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, Đồng Tháp cho biết: Rất nhiều dự án khuyến nông hướng dẫn nông dân sản xuất trái cây theo hướng an toàn (GAP) đã được thực hiện. Huyện đã thành lập HTX tiêu thụ trái cây và sẵn sàng hợp tác với các siêu thị để tiêu thụ sản phẩm.