Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cứu doanh nghiệp để ngăn suy giảm kinh tế
26 | 12 | 2008
Năm 2009: 200 ngàn tỷ đồng đầu tư phát triển. Cần ưu tiên hỗ trợ lãi suất vay cho nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, nông nghiệp, các doanh nghiệp giải quyết nhiều lao động.

Tại hội nghị Chính phủ mở rộng tổ chức tại TP.HCM hôm qua (25-12), hầu hết ý kiến các tỉnh, thành đặc biệt chú ý đến giải pháp kích cầu bằng cách bù lãi suất ngân hàng để tạo nguồn vốn quay vòng cho doanh nghiệp.

Phải bố trí vốn có hiệu quả

Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết trong năm nhóm giải pháp Chính phủ đề ra để ngăn chặn suy giảm kinh tế, yêu cầu quan trọng là giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp. “Hiện nay, chúng ta có 155,3 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển đã được Quốc hội thông qua cùng với 23 ngàn tỷ đồng vốn chuyển tiếp và hơn 20 ngàn tỷ đồng vốn huy động từ trái phiếu Chính phủ. Tổng vốn đầu tư phát triển cho năm 2009 là hơn 200 ngàn tỷ đồng. Với số vốn này, chúng ta đảm bảo được việc đầu tư phát triển” - ông Phúc khẳng định.

Tuy nhiên, điều mà Chính phủ, các bộ, ngành cũng như các tỉnh, thành băn khoăn là bố trí vốn như thế nào cho hiệu quả. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hỏi: “Năm ngoái, chúng ta có 28,5 ngàn tỷ đồng nhưng chỉ sử dụng 20 ngàn tỷ đồng, còn 8,5 ngàn tỷ đồng vẫn cầm đó trong khi thực tế lại rất cần chi tiêu. Năm 2009, nếu không tiêu hết thì ai phải chịu trách nhiệm?”. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đề xuất: “Tình hình giải ngân hiện nay còn rất chậm. Nhất là hai ngành y tế và giáo dục giải ngân còn rất thấp. Tôi e năm 2009 cũng tương tự. Vì vậy, cần thực hiện nguyên tắc giải ngân thấp, không đạt là không bố trí”. Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị này, các giải pháp phải được triển khai đồng bộ.

Địa phương linh động hỗ trợ thêm?

Bộ trưởng Phúc cho hay để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ dành 17 ngàn tỷ đồng (một tỷ USD) bù lãi suất ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn. Việc bù lãi suất có thể thực hiện theo hai phương án:

- Bù 4% lãi suất ngân hàng (Cụ thể là lãi suất vay ngân hàng 10% thì Chính phủ bù 4%, doanh nghiệp phải trả 6%).

- Bù 50% số lãi suất doanh nghiệp phải trả (Chính phủ bù một nửa, doanh nghiệp chịu một nửa lãi suất vay).

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn phải xem xét cho có hiệu quả. Trong đó, phải có một số điều kiện đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ khôi phục sản xuất kinh doanh mà phải tăng sức “đề kháng” trước những sóng gió của thị trường để đề phòng tái lạm phát. Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đề xuất ngoài hỗ trợ của Chính phủ bù lãi suất vay ngân hàng, địa phương có thể linh động hỗ trợ bù lãi suất thêm 20%, 30% cho doanh nghiệp. Nếu được vậy, doanh nghiệp được bù đến 70%, 80% lãi suất và sẽ rất thuận lợi khi vay vốn.

Doanh nghiệp nào được chọn để kích cầu?

Nhiều tỉnh, thành khác cho rằng khi hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu cần xem xét doanh nghiệp đó sản xuất cái gì, tiêu thụ như thế nào. Chứ sản xuất ra hàng hóa nhưng ế ẩm không tiêu thụ được thì càng chết. “Để làm được vậy, cần cho địa phương cơ chế lập quỹ đầu tư phát triển địa phương từ nguồn vốn ngân sách và các nhà tài trợ để phát hành vốn nhanh chóng, hiệu quả, chủ động hơn” - ông Trần Văn Minh nói. “Hỗ trợ doanh nghiệp không nên cào bằng một mức bù lãi suất 4% hay 50% mà phải phân nhóm các doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, nông nghiệp, các doanh nghiệp giải quyết nhiều lao động. Còn các doanh nghiệp khác chỉ hỗ trợ có mức độ” - ông Mai Văn Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đề xuất.

Đại diện TP Hải Phòng cho biết dù đã hạ lãi suất nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không vay được vốn do thủ tục nhiêu khê. Nhiều ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải trả hết nợ cũ (vay trong giai đoạn lãi suất cao) thì mới cho vay tiếp. “Với điều kiện này, dù Chính phủ có bù lãi suất, doanh nghiệp cũng khó vay được vốn vì lấy tiền đâu ra để trả hết nợ cũ trong tình hình khó khăn hiện nay. Nếu ngân hàng cần cam kết gì ở địa phương, chúng tôi sẵn sàng đồng tình. Nếu không giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp thì trong vòng 3-4 tháng nữa, sản xuất sẽ trì trệ ngay”.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành ghi nhận ý kiến của các tỉnh, thành, có chính sách giãn thuế, khoanh nợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn quay vòng trong thời điểm khó khăn này.

 



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường