Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
WTO không phải vị thuốc thần, chỉ là cơ hội và thách thức
05 | 01 | 2009
Đó là nhận định của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển tại Hội nghị "Đánh giá tác động hội nhập kinh tế quốc tế" vừa diễn ra tại Hà Nội do Bộ Công Thương và Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cùng Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, Văn phòng UBQG về hợp tác kinh tế Quốc tế phối hợp với Công ty thanh niên Việt Nam đồng tổ chức.

Sau gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thị trường xuất khẩu đã mở rộng, năm 2007 kim ngạch xuất khẩu tăng 22%, năm 2008 tăng hơn 30% nhưng chủ yếu là do yếu tố về giá. Nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 13%. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào con số này thì chúng ta chưa thể đánh giá hết những tác động hội nhập kinh tế quốc tế, mà phải đánh giá một cách toàn diện.

Trải qua thực tế 2 năm trong WTO, các cơ hội và thách thức đã hoàn toàn lộ rõ nhưng chúng ta chưa tận dụng được hết cơ hội và đối phó tốt với các thách thức. Chẳng hạn, từ 01/01/2009 là mở cửa phân phối, Hiệp định thương mại Hoa Kỳ ký từ năm 1999 đã ghi rõ lộ trình mở cửa phân phối. Như vậy doanh nghiệp chúng ta có 10 năm chuẩn bị nhưng sự chuẩn bị chưa đáp ứng được yêu cầu.

Gia nhập WTO, đồng nghĩa với việc bước chân vào một “sân chơi”, ở đó thuận lợi có nhưng khó khăn và thử thách cũng không ít. Chúng ta có thể thu hút được nhiều nguồn vốn FDI; có thể tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới hay là cơ hội cho sản phẩm Việt Nam vươn xa ra thị trường toàn câu… Song thách thức mà nhiều DN đang quan tâm ở đây chính là vấn đề cạnh tranh. Sự mở cửa thị trường tạo cơ hội cho những “đại gia” trên thế giới thôn tính thị trường Việt Nam. Sản phẩm của họ sẽ ngập tràn trên thị trường khiến các DN trong nước bối rối lo sợ bị mất thị trường… Đây cũng chính là cơ hội tốt để DN trong nước nhìn lại mình và đưa ra những chiến lược mới trong kinh doanh, sản xuất, điều này là mấu chốt để doanh nghiệp có thể khẳng định mình và đứng vững trong “sân chơi” hội nhập này.

Theo ông Tuyển: "Gia nhập WTO là cơ hội nhưng cơ hội tự nó không biến thành lợi ích, muốn chuyển thành lợi ích thì phải thông qua hoạt động cụ thể của doanh nghiệp và Nhà nước. Thách thức là sức ép thực tiễn, nhưng ép đến đâu thì tuỳ thuộc vào khả năng phản ứng của ta. Nếu không phản ứng tốt, thách thức sẽ lấn át và biến thành khó khăn lâu dài. WTO không phải vị thuốc thần, chỉ là cơ hội và thách thức".

"Vậy thì khi nào thì ta chuẩn bị xong? Thêm vào đó tầm nhìn chính trị của nhiều địa phương kém, ưu ái cho DN nước ngoài hơn cả DN trong nước khi cấp đất cho DN trong lĩnh vực phân phối. Các DN khó khăn trong tiếp cận đất đai là có một phần lỗi của họ nhưng cũng có lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước"- ông Tuyển nói.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đánh giá cao việc Việt Nam gia nhập WTO và cho rằng: Trong hai năm qua, chúng ta đã thực sự cảm nhận được những cơ hội do mở cửa thị trường, hòa nhập với trào lưu chung của thị trường thế giới, nhiều sản phẩm Việt Nam đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường toàn cầu. Nhưng đó cũng là thời kỳ mà chúng ta ý thức được rất rõ ràng sự cạnh tranh khốc liệt trên tầm quốc tế, chúng ta có cơ hội nhìn lại chính mình để thấy được những yếu kém của nền kinh tế nói chung, của ngành công nghiệp và thương mại nói riêng.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thì cho rằng, hai năm vừa qua đã để lại cho chúng ta nhiều bài học, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế thế giới thì điều hành nền kinh tế phải hoàn toàn khác. Yêu cầu là phải rất năng động, nhanh nhạy, ứng xử từng ngày, từng giờ, không phải theo tháng, theo quí nữa. Hai năm vừa rồi cho thấy rõ sự yếu kém của cơ cấu kinh tế Việt Nam, giờ phải cơ cấu lại tầm vĩ mô, vi mô. Ở tầm quốc gia, cần cơ cấu lại mối quan hệ giữa các bộ sao cho hiệu quả, cơ cấu lại giữa mối quan hệ trong nước và ngoài nước để xác định mức độ như thế nào là hợp lý, đồng thời cơ cấu lại mối quan hệ giữa Nhà nước và DN.



Nguồn: www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường