Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều bất trắc, rủi ro
15 | 01 | 2009
Là nơi sản xuất lượng nông thủy sản lớn nhất của cả nước, tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp của các tỉnh trong khu vực vẫn còn gặp không ít khó khăn, bộc lộ những hạn chế, bất cập…

“Cơn bão” mang tên cá tra
“Cơn bão” đầu tiên của năm 2008 tại ĐBSCL mang tên cá tra.

Vài năm trước khi phong trào nuôi cá tra bắt đầu bùng phát, các nhà khoa học, các cơ quan phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo những tác hại cũng việc ồ ạt tăng diện tích nuôi cá. Trước khoản lợi nhuận có thể giúp nhanh chóng trở thành tỉ phú, triệu phú, nhiều người chẳng có kiến thức, kinh nghiệm cũng nhanh chóng nhảy vào đầu tư nuôi cá. Kết cục, dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa cá tra, không tiêu thụ được do cá quá lứa, giá sụt giảm khiến người nuôi thua lỗ nặng. Nhà nước đã phải “bơm” 1.000 tỉ đồng để thực hiện cuộc giải cứu con cá tra khỏi “cơn bão”. Và mặc dù được giải cứu, nhưng “cơn bão mang tên cá tra” với sức mạnh khủng khiếp đã kịp “tàn phá” những gì trên con đường di chuyển của nó, khiến nhiều người nuôi cá rơi vào tình trạng phá sản, nợ nần chồng chất.

Cuộc khủng hoảng thừa nguyên liệu cá tra cho thấy vấn đề quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng mới liên kết giữa nông dân và nhà máy vẫn chỉ mới dừng lại ý tưởng trên giấy mà chưa đi vào thực chất. Một số nông dân và doanh nghiệp vẫn làm ăn theo kiểu thời vụ chộp giật. Mối quan hệ lỏng lẻo bộc lộ rõ, khi cá khan hiếm, thiếu nguyên liệu thì nông dân cố “neo” cá để đòi tăng giá ép doanh nghiệp và ngược lại. Thậm chí, có trường hợp ký kết hợp đồng, thế nhưng cả doanh nghiệp và người nuôi cá sẵn sàng xé bỏ hợp đồng, chấp nhận bồi thường, miễn sao họ thu được lợi lớn hơn (số tiền bồi thường chỉ là một khoản tiền nhỏ so với số tiền thu được từ việc xé bỏ hợp đồng).

Tình trạng cá tra khi thiếu khi thừa tại ĐBSCL còn thể hiện việc thiếu tính quy hoạch, dễ dẫn đến nguy cơ và rủi ro cao cho người nông dân. Việc tăng diện tích nuôi cá tra một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch không gây khó khăn cho việc đầu tư khoa học kỹ thuật, đảm bảo chất lượng cá xuất khẩu, tăng độ rủi ro với người nuôi cá đồng thời còn gây những tác động xấu tới môi trường nước của khu vực ĐBSCL.

“Cơn địa chấn” lúa gạo
Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đầu năm 2008 tạo ra “cơn địa chấn” đẩy giá lúa gạo với mức kỉ lục 1.300 - 1.400 USD/tấn. Cả thế giới lo lắng bàn các giải pháp tìm biện pháp kìm chế tăng giá lương thực. Thậm chí, ở những thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” còn có quốc gia đề xuất thành lập một hiệp hội các nước xuất khẩu gạo, với mô hình phỏng theo OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu). Thế nhưng, ý tưởng của quốc gia đó đã không thành hiện thực.

Các tỉnh khu vực ĐBSCL với tổng sản lượng lúa trung bình những năm gần đây trên 18 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước. Giá gạo tăng, người nông dân ĐBSCL - vựa lúa gạo của Việt Nam khấp khỏi mừng vui ra mặt, vội vàng chặt phá vườn cây ăn quả để trồng lúa. Liên tiếp các vụ lúa: hè thu, thu đông trong năm 2008, nông dân ĐBSCL trúng mùa. Thống kê của cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng lúa ở khu vực ĐBSCL năm nay ước đạt gần 20,3 triệu tấn, tăng trên 1,6 triệu tấn.

Trong lúc sản lượng tăng thì nhiều nông dân vẫn chưa thể bán được lúa thu hoạch từ vụ đông xuân trước. “Cơn sốt” lương thực trên thế giới cũng dần hạ nhiệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tụt giảm nhanh xuống mức không thể ngờ tới, chỉ còn khoảng 510-520 USD/tấn, giá lúa tại ĐBSCL xuống có lúc xuống chỉ còn 2.800-3.200 đồng/Kg. Tình trạng “được mùa, rớt giá” với hạt lúa như “căn bệnh kinh niên” lại hoành hành, chưa có thuốc đặc trị. Một lần nữa Nhà nước lại phải tìm mọi biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân để giải cứu lúa gạo. Theo đánh giá, nhận xét của các nhà khoa học nông nghiệp đây mới chỉ là biện pháp mang tình chất tình thế. Nông dân ồ ạt tăng diện tích, lại trồng chủ yếu những giống lúa năng suất cao, chất lượng gạo thấp, nên gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Vả lại nếu bán được nông dân cũng chịu với giá thấp hơn giá thành sản xuất, dẫn đến thua lỗ.

Trái cây “khóc”
Các tỉnh vùng ĐBSCL không chỉ có thế mạnh về cây lúa, con cá, con tôm, vườn trái cây đa dạng với nhiều chủng loại với diện tích khoảng 274.000 ha, sản lượng từ 2,3 - 2,7 triệu tấn/năm, chiếm 70% sản lượng trái cây của cả nước. Những loại trái cây có chất lượng nổi tiếng: sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa, măng cụt Tân Quy, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh Hai Hoa, bưởi Năm Roi, khóm Cầu Đúc, dâu Hạ Châu, quýt Lai Vung…Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ trái cây vẫn luôn trong tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định. Chủ yếu trái cây được tiêu thụ thô (chưa chế biến) ngay tại thị trường nội địa; thị trường quốc tế: Trung Quốc, Nga, EU vẫn chiếm một tỉ lệ khiêm tốn.

Đầu ra hiện vẫn còn nhỏ hẹp, cộng thêm khâu bảo quản, giới thiệu, quảng bá kém, khiến trái cây lâm cảnh sụt giá liên miên. Trái cây sụt giá, nông dân ở vào tình cảnh “dở khóc, dở mếu”. Đơn cử, giá chôm chôm chính vụ tại vùng sản xuất trái cây nổi tiếng các tỉnh khu vực ĐBSCL: Cái Bè (Tiền Giang), Chợ Lách (Bến Tre), Bình Hòa Phước (Vĩnh Long) có lúc giá xuống tới mới mức “kỉ lục” 1.500 đồng/Kg, giá nhãn 2.000 đồng/Kg, bưởi da xanh 2.500 đồng/Kg (mức giá này thiết lập từ 2003). Với giá trái cây như vậy, người nông dân thu lãi rất ít thậm chí thua lỗ. Bởi lẽ, giá vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu), giá thuê nhân công những năm gầy đây liên tục tăng gấp 2- 3 lần.

Những vướng mắc cần tháo gỡ
Điểm yếu của sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL hiện nay là vẫn mang nặng tính tự phát, theo phong trào như lời một nhà khoa học tại Viện Lúa ĐBSCL nhận xét. Nghĩa là, nông dân hễ thấy cây gì, con gì được bán được giá là họ đổ xô, đua nhau sản xuất. Trong khi đó, khâu tiếp thị quảng bá sản phẩm, dự báo, đánh giá nhu cầu thị trường, kênh phân phối nông sản vừa thiếu lại vừa yếu.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho hay: Nông sản do nông dân làm ra thường qua các thương lái mới đến doanh nghiệp xuất khẩu. Chính những khâu trung gian này là nguyên nhân khiến nông sản phải gánh thêm các khoản chi phí, làm tăng giá thành.

Mặc dù là vựa lúa gạo, thủy sản, trái cây nhưng việc thu mua hiện vẫn chủ yếu phụ thuộc vào đội ngũ các thương lái. Thương lái đã lợi dụng găm hàng, tạo ra cơn sốt “ảo”, mà vụ “sốt gạo ảo” hồi tháng 4 vừa qua tại ngay chính vùng vựa lúa là một ví dụ điển hình về kênh phân phối yếu, kém, tin đồn thất thiệt. Thêm vào đó, tình trạng thiếu các kho dự trữ lúa hiện nay khiến chất lượng lúa gạo bị ảnh hưởng, tổn thất, gây ảnh hưởng tới tính chủ động trong việc xuất khẩu gạo.

Kết cục, khi nông sản rớt giá, tiêu thụ khó khăn, nông dân lập tức phá bỏ, nuôi trồng cây con khác. Cá tra, lúa, trái cây rớt giá nguyên nhân xuất phát từ vấn đề thiếu quy hoạch vùng sản xuất, thiếu những dự báo cần thiết về thị trường và khâu tiếp thị quảng bá, phân phối nông sản.

Việc quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại nông sản, ở phạm vi một địa phương cũng rất khó thực hiện nếu không có sự liên kết với các địa phương khác và sự giúp đỡ từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vấn đề ứng dụng khoa học kỹ thuật, chế biến, bảo quản nông sản, kênh phân phối, tiếp thị quảng bá sản phẩm rất sự phối hợp liên kết giữa các địa phương trong khu vực cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương. Chừng nào những vướng mắc, hạn chế trên không được giải quyết, chừng đó nông sản hàng hóa của ĐBSCL sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ tổn thất lớn hơn./.



Nguồn: vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường