Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng lực cho doanh nghiệp
19 | 01 | 2009
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, ngoài việc tự xoay xở, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đề nghị Chính phủ tiếp sức bằng cách trợ vốn, giảm lãi suất, giảm - dãn thuế...

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đồng Tâm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN:

Hoãn thu thuế thu nhập cá nhân


Mong muốn của Hội Doanh nhân trẻ VN là Nhà nước sớm có những biện pháp giúp doanh nghiệp (DN) duy trì hoạt động. Cần có những phương pháp khoa học, nhanh nhạy hơn nhưng quan trọng nhất là phải củng cố tâm lý cho người dân cũng như nhà đầu tư. Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vừa có hiệu lực từ ngày 1-1-2009, trong đó có “đánh” thuế đối với thu nhập từ mua bán chứng khoán. Trong năm 2008, nhà đầu tư chứng khoán đã thua lỗ nặng, nếu phải đóng thuế từ kinh doanh chứng khoán thì họ sẽ ngại bỏ tiền mua cổ phiếu. Người dân quay lại cất giữ tiền mặt hoặc gửi ngân hàng thay vì đưa tiền nhàn rỗi vào thị trường thông qua việc đầu tư vào các DN. Về lâu dài, có thể dẫn đến thiếu tiền mặt lưu thông và không thúc đẩy được phát triển kinh tế. Thế là lợi bất cập hại!

Vì vậy, Nhà nước nên có chính sách hoãn thu thuế TNCN đối với hoạt động mua bán chứng khoán trong một thời gian dài và thông báo rộng rãi cho người dân, nhà đầu tư được biết. Có như vậy, nhà đầu tư mới ổn định tinh thần và tiếp tục tham gia thị trường.


Ông Hồ Đức Lam,  Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký  Hiệp hội Nhựa VN:

Giúp doanh nghiệp vay được tiền


Đối với xuất khẩu, thị trường (mua hàng) là quan trọng nhất. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ổn định và mở rộng xuất khẩu là thách thức lớn đối với DN. Vì thế, các hiệp hội ngành nghề phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại hơn nữa để tìm kiếm khách hàng, thị trường mới. Thông qua các hội chợ, triển lãm, hội thảo chuyên ngành quốc tế và khu vực, DN sẽ học hỏi được kinh nghiệm và tìm được cơ hội làm ăn. Trước đây, Nhà nước có hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại của các hiệp hội nhưng năm 2009 này, theo thông tin chúng tôi vừa nhận được, kinh phí này sẽ bị cắt giảm. DN đang thua lỗ, không có nhiều tiền cho khoản chi xúc tiến thương mại, rất cần sự hỗ trợ cần thiết từ phía Nhà nước, do đó việc cắt giảm khoản trên là chưa nên.

Riêng đối với ngành nhựa, hơn 80% DN là vừa và nhỏ, đang rất khó khăn về vốn. Nếu được, ngành ngân hàng nên xem xét lại cơ chế vay vốn, tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ vay được tiền để ổn định sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn.


Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3:

Giảm, dãn một số loại thuế


Từ quý IV/2008, một số DN đã cắt giảm lao động để tiết kiệm chi phí và dự kiến sang năm nay, việc cắt giảm lao động sẽ được các DN thực hiện mạnh tay hơn. Dệt may là ngành thâm dụng lao động, nếu DN tạm ngừng sản xuất một thời gian sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống công nhân.

Nhằm duy trì được sản xuất, DN phải chăm chút từng đơn hàng, kể cả đơn hàng nhỏ, không có lãi vẫn nhận nhằm tạo việc làm cho công nhân. Để làm được như vậy, DN rất cần sự chia sẻ từ phía Nhà nước thông qua các chính sách giảm, dãn các khoản thu như thuế thu nhập DN, thuế GTGT và một số khoản thu khác. Ngoài ra, cần có chính sách riêng cho DN vừa và nhỏ để các DN này tiếp cận được nguồn vốn vay.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường